Mở ra cơ hội mua nhà cho người thu nhập trung bình

ANTĐ - Hôm qua, 29-1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2013. Nhiều vấn đề nóng như chuyện “chạy” công chức, lạm phát tháng 1-2013 cao trở lại, giải pháp cứu thị trường bất động sản... đã được báo chí nêu ra tại cuộc họp báo.

Người thu nhập thấp và trung bình sẽ có thêm cơ hội mua được nhà ở

(Trong ảnh: Xếp hàng làm thủ tục bốc thăm mua căn hộ giá rẻ ở Hà Đông)

Nhận định tình hình năm 2013 còn nhiều khó khăn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ nhận định nhiều giải pháp đã đề ra phải làm quyết liệt hơn, nhanh hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, giải pháp ngắn hạn phải đi liền với dài hạn. Chính phủ cũng yêu cầu chỉ đạo điều hành linh hoạt, chấp hành kỷ cương nghiêm hơn... Trước thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh trong tháng 1-2013, Bộ trưởng cho đây là tín hiệu cảnh báo phải hết sức thận trọng để kiềm chế lạm phát chặt chẽ hơn nữa. Nhắc lại các chỉ tiêu về tăng trưởng và CPI mà Quốc hội đã thông qua, Bộ trưởng nói: “Điều hành phải luôn linh hoạt. Nếu siết tiền tệ, tín dụng chặt quá thì sản xuất sẽ co lại, song nếu chạy theo tăng trưởng, mở rộng tín dụng quá thì lạm phát sẽ cao trở lại đem theo rất nhiều hệ lụy.”

Trả lời câu hỏi về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ luôn tập trung điều hành để nền kinh tế phát triển, ưu tiên cho những đối tượng khó khăn. Giải pháp ưu tiên số một là giúp người có thu nhập trung bình - những người trước nay gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nhà ở, không đủ tiền mua nhà - sẽ có cơ hội rộng mở hơn. Ông khẳng định: “Với các giải pháp của Chính phủ, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi nhiều hơn người giàu.”

Thanh tra ở Đà Nẵng  đúng theo quy định  pháp luật

Về câu hỏi liên quan tới phản ứng của TP Đà Nẵng trên báo chí về kết luận thanh tra (thất thoát đất đai hơn 3.400 tỷ đồng tại Đà Nẵng) của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, công tác thanh tra là một việc làm thường xuyên của Chính phủ. Hàng năm, TTCP có kế hoạch thanh tra đột xuất. Việc thanh tra ở Đà Nẵng cũng là một cuộc thanh tra bình thường như nhiều cuộc khác. Bộ trưởng nhấn mạnh, thanh tra ở Đà Nẵng là theo đúng quy định của pháp luật. Việc công bố quyết định thanh tra cũng đúng với các quy định của pháp luật. Về việc Đà Nẵng phản ứng qua báo chí, Chính phủ hiện nay mới tiếp nhận thông tin qua báo chí. Bộ trưởng cho biết thêm, khi TTCP thực hiện việc thanh tra thì theo quy định sẽ không có chuyện thanh tra lại. Ông nói: “Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về thanh tra tại Đà Nẵng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình thực hiện, nếu các cơ quan này thấy có vấn đề cần xin ý kiến Thủ tướng thì phải báo cáo. Tới nay, Chính phủ chưa nhận được văn bản nào của Đà Nẵng cũng như các bộ ngành khác về việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ...”.

Đâu cũng có công chức “ngồi không” 

Về dư luận xung quanh thông tin “chạy” vào công chức râm ran gần 2 tháng nay, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ chưa có chỉ đạo nào về việc tổng rà soát việc tuyển dụng công chức trên toàn quốc. Song, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ 2 vấn đề. Đó là thái độ, tinh thần thực thi chức trách, công vụ phải rõ ràng và tinh giản bộ máy hành chính nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu suất công việc, không để tạo ra kẽ hở trong quản lý, điều hành.

Cũng liên quan tới cán bộ, công chức, về thông tin có tới “30% số công chức có cũng được, không có cũng được”, Bộ trưởng chia sẻ, thực tế là trong bộ máy hành chính có một bộ phận cán bộ, công chức có mức độ đóng góp hạn chế. Cơ quan nào cũng có, ngay cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có. Bộ trưởng nói: “Tôi cũng hỏi chuyện những người đó và thấy họ khát khao được làm việc, muốn được cống hiến chứ không phải chỉ muốn ngồi đó ăn lương. Cải cách hành chính là cả lộ trình dài. Tinh thần là phải làm kiên trì, quyết liệt trong nhiều năm mới có được nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp. Khi đã có ràng buộc trách nhiệm, có thước đo chính xác hiệu suất làm việc của từng khâu thì những hiện tượng tiêu cực hay số lượng cán bộ, công chức làm việc kém hiệu quả cũng sẽ giảm đi...”.

Về việc nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) - thi công dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) - yêu cầu số tiền được cho là 200 tỷ đồng để trang trải những chi phí phát sinh khi dự án bị chậm trễ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã nhận được báo cáo xung quanh vấn đề này. Ông nói: “Đây là việc rất đáng tiếc. GPMB các dự án ở ta hết sức khó khăn, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính phủ đã giao Bộ GT-VT phối hợp với TP Hà Nội giải quyết với nhà thầu Nhật Bản. Đặc biệt, Hà Nội phải tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, không để dự án tiếp tục chậm nữa...”.

Thủ tướng yêu cầu tập trung chăm lo Tết cho dân

Một trong những nội dung được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm qua 29-1 yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận chính là các giải pháp đảm bảo nhân dân đón Tết vui xuân an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai tốt việc cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, sốt giá. Việc đi lại cho dân cần tiếp tục được tăng cường kiểm soát, không để thiếu phương tiện hay xảy ra tình trạng “nhồi nhét” trên tàu, xe. “Nếu cần các doanh nghiệp vận tải như hàng không, đường sắt có thể hạ giá xuống mức hòa vốn, nhằm chia sẻ khó khăn, tạo thuận lợi cho nhân dân”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các địa phương phải chăm lo tốt cho đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ... Công an các tỉnh, thành kiểm soát nghiêm việc cấm đốt pháo, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn giao thông, trước mắt là giảm cả 3 chỉ tiêu về an toàn giao thông so với Tết năm trước.