Mơ mộng giữa dòng Mê Kông

ANTĐ - Mê Kông – một kiệt tác kỳ vĩ của tạo hóa như con rồng chảy qua 6 nước trước khi đổ ra biển lớn. Nhiều người nghĩ, dòng Mê Kông ồn ã khốc liệt, nhưng không hẳn bởi vẫn có những khúc yên ả hiền hòa. Đó là đoạn chảy qua tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia.

Sông Mê Kông hiền hòa ở ngoại thành thành phố Ban Lung, tỉnh Rattanakiri 

Từ cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ - Gia Lai), đi xe khoảng 85 cây số là bạn chạm chân tới thành phố Ban Lung của tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Đó là một thành phố nhỏ với những người dân nhân hậu và hiếu khách. Có thể gọi Ban Lung là “thành phố rừng” bởi những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tạo thành những tán rừng tự nhiên bao phủ cả thành phố. 12 nhóm dân tộc thiểu số Khmer Thượng sống ở nơi này còn nhờ vào dòng Mê Kông chảy qua với lượng thủy sản phong phú.

Tuy là thành phố nhỏ nhưng Ban Lung lại có những quy hoạch rất hiện đại để thu hút khách du lịch. Nhờ vào các khu rừng nguyên sinh, thác nước hùng vĩ, mỏ đá quý, hồ núi lửa Yeak Laom nổi tiếng mà Ban Lung được ví như “người tình trăm năm” của những ai yêu sự yên bình.

Ở ngoại thành của Ban Lung là hồ núi lửa Yeak Laom được hình thành từ cách đây 700.000 năm. Người bản địa nơi đây coi hồ núi lửa là nơi linh thiêng, là “cái rốn” của trời đất. Người ta còn nói, sở dĩ hồ nước này không bao giờ cạn là bởi có dòng Mê Kông như một “mạch máu” tiếp nước cho hồ. Và từ nơi đây nhìn xuống, dòng sông Mê Kông vắt ngang thành phố Ban Lung như một con rồng khổng lồ uốn lượn dưới những rừng cây cổ thụ của thành phố. 

Cũng giống như các làng quê Việt, bà con ở tỉnh Rattanakiri chủ yếu làm nông nghiệp. Cư dân sống nơi đây hầu hết là người Khmer Thượng với tập tục cổ truyền thờ thần nước. Thần nước của họ chính là dòng Mê Kông. Cũng giống như sông Hồng ở nước ta, người Khmer Thượng coi Mê Kông là dòng sông mẹ. “Mẹ Mê Kông” cho họ nước và tắm mát cho những tâm hồn cằn khô giữa cát trắng.

Do bất đồng ngôn ngữ, chúng tôi không biết tên những ngôi làng ven dòng Mê Kông ở nơi này. Nhưng đó không phải là vấn đề gây cản trở nhiều. Bởi sự an bình của những ngôi làng và sự hiền hậu của người dân đã xóa đi cảm giác lạc lõng. Chiều tối, người dân xách theo thùng quần áo ra dòng sông giặt giũ. Trẻ con theo mẹ ra ngụp lặn dưới dòng nước mộng mơ.

Chia tay Ban Lung - chia tay dòng Mê Kông - chia tay những con người của đất nước chùa tháp hiền lành. Chúng tôi mới hiểu rằng, thế giới thật rộng lớn, văn hóa phong tục thật đa dạng. Nhưng những dòng sông bao giờ cũng là chốn bình yên, mơ mộng và sự sống luôn nảy sinh ven những dòng sông đó.