“Mở cửa” vũ trụ

ANTĐ - Ngày Quốc tế con người bay vào vũ trụ (12-4) vừa được kỷ niệm trên khắp thế giới. Cột mốc đáng nhớ này gợi mở nhiều viễn cảnh cũng như thách thức trong cuộc đua chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Trạm Vũ trụ Quốc tế - một thành công của hợp tác quốc tế vì mục đích hòa bình

Kể từ khi nhà du hành vũ trụ Liên Xô Y. Gagarin lần đầu tiên bay vào quỹ đạo và trở về Trái đất an toàn (12-4-1961), Đại hội đồng Liên hợp quốc và toàn thể loài người đã lấy ngày 12-4 làm Ngày Du hành vũ trụ thế giới. Trong thông điệp nhân sự kiện lịch sử này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nêu bật những đóng góp to lớn của khoa học công nghệ vũ trụ nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và kêu gọi các nước hợp tác để tăng cường các quan hệ đối tác quốc tế và đổi mới trong lĩnh vực này. 

Trải qua 50 năm từ sự kiện lịch sử đó, loài người đã có một bước tiến lớn trong sự nghiệp khám phá và chinh phục vũ trụ. Tuy nhiên, những thành tựu vĩ đại nhất trong lĩnh vực thăm dò và chinh phục vũ trụ vẫn thuộc về Liên Xô trước đây và LB Nga hiện nay với hàng loạt các kỷ lục: có nhà du hành đầu tiên bay vào vũ trụ, lần đầu tiên đưa con người ra làm việc ngoài khoảng không vũ trụ, có nữ phi hành gia đầu tiên, thực hiện chuyến bay dài ngày nhất trên quỹ đạo…

Nửa thế kỷ qua cho thấy những lợi ích to lớn mà khoa học công nghệ vũ trụ đã đem lại cho nhân loại, giúp tăng cường khả năng quản lý hành tinh cũng như đối phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu. Các hệ thống quan sát đặt trên mặt đất cũng như trên vũ trụ có tầm quan trọng sống còn trong việc đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đe dọa tác động mạnh đến các hệ sinh thái và tất cả các lĩnh vực của phát triển bền vững, từ lương thực, năng lượng, nguồn nước đến sự ổn định chính trị và kinh tế, sự thịnh vượng, an ninh và cuộc sống của nhân loại trong tương lai. 

Chính vì thế mà các cường quốc trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến việc khai thác khoảng không vũ trụ. Cơ quan vũ trụ LB Nga mới đây đã đưa ra dự thảo “Chiến lược phát triển hoạt động vũ trụ đến năm 2030”, trong đó đặt ra hàng loạt mục tiêu đầy tham vọng như phóng các thiết bị vũ trụ lên sao Kim và sao Mộc, xây dựng mạng lưới các trạm khoa học trên sao Hỏa, chế tạo tên lửa hạng nặng có khả năng đưa lên quỹ đạo 180 tấn tải trọng cũng như phát triển hệ thống vũ trụ tái sử dụng. Canada thì thành lập Hội đồng cố vấn đặc biệt nhằm duy trì vị trí thứ 5 của ngành công nghiệp không gian vũ trụ nước này với doanh thu hàng năm hơn 22 tỷ USD…

Tiềm năng của khoa học công nghệ vũ trụ là vô tận. Nhưng như Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định: Phát hiện của khoa học và công nghệ vũ trụ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người trên Trái đất nếu các phát hiện này được sử dụng vào những mục đích hòa bình. Thông điệp này nhằm vào những toan tính chạy đua vũ trang trên vũ trụ để giành ưu thế quân sự như dự án “Chiến tranh giữa các vì sao” trước đây của cựu Tổng thống Mỹ R. Reagan hay Hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đang muốn triển khai ở châu Âu hiện nay.

Khai thác khoảng không vũ trụ cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như hiện có hơn 9 nghìn mảnh “rác thải” vũ trụ, đa phần là các mảnh vỡ từ các vụ nổ vệ tinh với tổng khối lượng khoảng 5.500 tấn đang bay theo quỹ đạo của Trái đất và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Mối đe dọa từ trên trời này có thể giáng xuống bất cứ nước nào chứ không chỉ riêng nước phóng vệ tinh, gây căng thẳng trong quan hệ giữa các nước liên quan.  

Rồi xung khắc giữa quyền của các nước trong việc khai thác khoảng không vũ trụ với quy định ngặt nghèo liên quan đến phát triển tên lửa cũng như phóng vệ tinh có thể làm bùng lên các cuộc khủng hoảng. Điển hình như vụ Triều Tiên phóng vệ tinh đang làm cả khu vực Đông Bắc Á căng thẳng…