Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:

Mở cánh cửa cho dân tộc đến với các nền văn minh nhân loại

ANTĐ - Hôm qua, 30-11 tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020). Tới dự Đại hội có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cùng đông đảo hội viên.

Mở cánh cửa cho  dân tộc đến với các nền văn minh nhân loại ảnh 1Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Lịch sử là con đường đưa chúng ta đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông ta đã đúc kết bằng mồ hôi và xương máu. Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh của dân tộc.

Khoa học lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh của nhân loại”. Chủ tịch nước đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và đóng góp của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong thời gian gần đây, khi vấn đề Biển Đông dậy sóng, chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc bị xâm phạm, các nhà sử học đã tích cực nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những chứng cứ lịch sử góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông…

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam huy động lực lượng và công sức của giới sử học vào triển khai, hoàn thành với chất lượng tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam theo tinh thần của Ban Bí thư; động viên các nhà sử học trực tiếp tham gia tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới, căn bản và toàn diện nền giáo dục, trước hết là vai trò, chức năng của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phải có trách nhiệm làm cho các cơ quan quản lý và xã hội thấy được tầm quan trọng đặc biệt của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục quốc dân và có những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Cùng với đó, Hội cần có kết hoạch tổng thể để hội nhập quốc tế với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Hội Khoa học Lịch sử cần triển khai tích cực những hoạt động để nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ với lịch sử dân tộc.

Tại Đại hội, GS.NGND Phan Huy Lê tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Khoa học và Lịch sử Việt Nam (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Đại hội cũng đã bầu ra 7 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và các Phó Tổng thư ký của Hội.