Mớ bòng bong sau 3 "Mùa xuân Ả rập" tồi tệ

ANTĐ - 3 năm sau cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả rập”, những vấn đề chính mà những người biểu tình nêu ra trước đây vẫn chưa giải quyết được trong khi tình kình kinh tế, chính trị và xã hội Ai Cập vẫn đang như mớ bòng bong.

Ai Cập kỷ niệm lần thứ ba cuộc biểu tình dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak. Trong ba năm qua, không chỉ Mubarak đã ra đi, mà ngay cả người lên thay ông ta là Mohamed Morsi cũng đã bị lật đổ. Chính phủ Ai Cập chuyển tiếp hiện đang có trong tay một đất nước còn tồi tệ hơn nhiều so với thời Mubarak, cả về chính trị lẫn kinh tế.

Đặc phái viên của Tổng thống Nga về hợp tác với các nước châu Phi, Chủ tịch Ủy ban hội đồng Liên bang về các vấn đề quốc tế Mikhail Margelov đã lưu ý rằng, theo các nhà kinh tế, tổng thiệt hại mà “Mùa xuân Ả Rập” gây ra cho nền kinh tế của các nước Maghreb và Trung Đông là khoảng 800 tỷ USD (Liên minh Ả Rập “Maghreb” thành lập năm 1989 bao gồm: Algérie, Libya, Mauritanie, Marocco, Ai Cập và Tunisia).

Về mặt xã hội, những gì đạt được cũng không đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói - những vấn đề chính mà những người biểu tình ở Tunisia và Cairo ba năm trước đây nêu ra, đến nay vẫn đang tiếp tục gia tăng. Đối với việc thúc đẩy tự do dân chủ, kết quả hiện tại cũng chẳng khả quan, ông Mubarak bị lật đổ, ông Morsi lên thay nhưng cũng chẳng tồn tại được bao lâu, “cuộc diễu hành khải hoàn của nền dân chủ theo kiểu phương Tây đã không diễn ra”.

Nhân dân Ai Cập chẳng vui vẻ gì với “Mùa xuân phương Tây”, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều thất vọng về kết quả của “mùa xuân Ả Rập”. Ông Yevgeny Satanovsky - Chủ tịch Viện Trung Đông cho biết, Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mục tiêu. Đối thủ quyền lực và ảnh hưởng trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo của họ đã bị triệt tiêu. Nền kinh tế, bao gồm lĩnh vực dầu khí, tại các nước “mùa xuân Ả Rập”, đặc biệt là ở Libya đã trở nên rất yếu kém.

Mớ bòng bong sau 3 "Mùa xuân Ả rập" tồi tệ ảnh 1

Quân đội Ai Cập điều xe thiết giáp trấn áp những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi - tháng 8-2013


Ông Satanovsky chua chát nhận xét: “Kết quả là, chế độ quân chủ vùng Vịnh hầu như không còn đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Dĩ nhiên, điều đó không có quan hệ gì với dân chủ, các quyền của thanh niên và ước mơ của tầng lớp trí thức. Đúng như châm ngôn mà chúng ta từng biết, cách mạng do những người lãng mạn đề xuất, những kẻ cuồng tín thực hiện, còn những tên vô lại thì được tận hưởng thành quả của nó. Rồi sau đó tất cả bắt đầu một lần nữa”.

Còn quá sớm để tổng hợp kết quả cuối cùng của “mùa xuân Ả Rập”. Ví dụ, câu hỏi về số phận Syria vẫn còn bỏ ngỏ. Tương tự như vậy, vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với Libya? Tuy nhiên, có một điều không phải quan trọng nhất, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến “mùa xuân Ả Rập” là nhân dân đã quá mệt mỏi vì các nhà lãnh đạo đã cầm quyền trong nhiều thập kỷ.

Có nguyên nhân để các chế độ quân chủ chuyên chế vùng vịnh Ba Tư phải lo ngại: Tại những nước này dân chủ có lẽ còn ít hơn nhiều hơn so với ở Tunisia dưới thời Ben Ali và ở Ai Cập dưới thời Mubarak. Hiện tại họ còn có thể giải quyết vấn đề bằng tiền và chuyển hướng cuộc biểu tình sang các nước láng giềng. Hầu hết các đối tượng hỗn loạn nhất của các chế độ quân chủ đó đã có thời đến Libya, và bây giờ đang chiến đấu ở Syria. Nhưng tình trạng như vậy sẽ được duy trì trong bao lâu, khó ai có thể nói trước.

Cần nhắc lại rằng tại Ai Cập, thậm chí dưới thời Mubarak đã chính thức tồn tại hệ thống chính trị đa đảng, bầu cử quốc hội và tổng thống. Và sau khi 2 đời tổng thống không được ưa chuộng buộc phải ra đi, chỉ cần tuyên bố một cuộc bầu cử bất thường là xong, sau đó đất nước tiếp tục rơi vào hỗn loạn. Trong thời gian tới, ở các nước hiện không có đảng chính trị hoặc triển vọng bầu cử thì tình hình sẽ còn phức tạp hơn nhiều.