Văn hóa giao thông - Bạn không ngoài cuộc

Mình nghĩ gì khi đi trên đường?

ANTD.VN - Nhà văn Nguyễn Trương Quý từng có một tập tản văn mang tiêu đề “Xe máy tiếu ngạo”, bàn đủ thứ chuyện về xe máy, như đời xe, thú chơi xe, giao thông Hà Nội, rồi cả chuyện “phi vật thể” là “Mình nghĩ gì khi đi xe máy”…

LTS: Chung tay vào cải thiện tình hình ùn tắc ở Thủ đô, từ hôm nay, Báo An ninh Thủ đô mở diễn đàn “Văn hóa giao thông - Bạn không ngoài cuộc”. Hy vọng, trong khuôn khổ những bài viết nhỏ, những phê phán, những đóng góp, hiến kế của mọi thành phần, mọi giới trong xã hội sẽ cùng chúng tôi vun đắp cho Văn hóa giao thông Thủ đô ngày một chuẩn mực và nhờ đó, ai cũng được an toàn hơn, thoải mái hơn mỗi khi bước ra đường. Trân trọng mời bạn đọc tham gia Diễn đàn “Văn hóa giao thông - Bạn không ngoài cuộc”.

AN NINH THỦ ĐÔ

Mình nghĩ gì khi đi trên đường? ảnh 1Ngay cả khi đường thông thoáng, vẫn có người đi vào làn đường không dành cho phương tiện của mình hay quay đầu tùy tiện, là bởi làm sao? (Ảnh chụp tại đường Láng Hạ). Ảnh: LAM THANH

Năm hết, tết đến, mấy ngày nay đường xá Hà Nội đông không tả. Mọi ngả đường đều tắc ngẽn. Không hiểu người ở đâu đổ ra đường mà nhiều thế. Và trong lúc chôn chân trong mưa lạnh chờ đường thông để được về nhà, tôi chợt nghĩ, giá lúc này mà gặp Trương Quý hẳn là mình sẽ mắng, rằng ông bốc phét nó vừa thôi. Vừa đi đường vừa nghĩ lắm chuyện như ông thì có mà… chết à.

Bà ngoại tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, ban công tầng 2 nhà bà nhìn ra đường Nguyễn Trãi, con đường gần như đau khổ nhất ở Hà Nội về ùn tắc giao thông bây giờ. Chục năm nay, ngày nào bà cũng nhìn ra con đường luôn ùn tắc 2 lần vào mỗi sáng-chiều. Thi thoảng dù trong nhà, nhưng vẫn nghe rầm một cái, tiếng động thót tim, đó là âm thanh của một vụ tai nạn ngoài đường vọng vào. Cũng vì phải chứng kiến quá nhiều sự hỗn loạn của giao thông ngoài cửa nên bà tôi thường có thói quen gọi điện cho các cháu vào cuối ngày, khi ước chừng giờ đó chúng đã từ công sở về nhà. Đủ mặt chừng ấy đứa cháu nội, ngoại “báo yên” bà mới yên tâm làm việc khác. Đã từng có lần tôi bảo, bà đừng lo lắng quá, có gì đâu. “Ấy chết, sao yên được, bây giờ ra đường có khác gì đi đánh trận đâu”, bà ví von hài hước làm tôi bật cười.

Đúng là, bây giờ, mỗi lần tham gia giao thông chẳng khác gì một lần ra trận. Sáng còn hân hoan bê tráp đi ăn hỏi cho con, tưởng rằng đại hỷ, chiều đã thành đại tang. Cả gia đình, 5-6 người thiệt mạng vì xe ăn hỏi gặp tai nạn. Hôm trước hai sinh viên còn gọi điện về cho bố mẹ ở quê líu lo khoe “con đi phượt”. Hôm sau, người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng trước.

Ý tưởng có hay đến đâu mà ý thức giao thông, hay nói đúng hơn là văn hóa tham gia giao thông của chúng ta kém thì áp dụng vào thực tế cũng khó mà thành công

Bây giờ, ngoài đường nhiều chuyện khó lường. Mấy hôm trước dân mạng truyền nhau clip một bà mẹ trẻ chở con tạt đầu ô tô. Ô tô nhấn phanh kịp, xe máy của bà mẹ trẻ đổ nghiêng. Bà mẹ dù sai rành rành nhưng cũng vẫn ba máu sáu cơn chửi “bọn ô tô”. Lại cũng từ camera hành trình, ghi lại hình ảnh một cụ cỡ ngoài 70 tuổi đi xe máy có hành vi tương tự. Chưa có va chạm gì nhưng cụ ông cũng vẫn cứ chửi với lý lẽ cực kỳ ngang ngạnh, bất cần, cậy già và đòi đấm cái thằng… chưa kịp đâm mình. Đã từng có thời, muốn bảo tồn và gìn giữ cái gì người ta cũng đưa vào trường học, trường học và trẻ em như là một thứ bảo đảm niềm tin, rằng chúng sẽ là người kế tục, nối tiếp, thăng hoa giá trị văn hóa và tinh thần. Nhưng hỡi ôi. Người lớn tệ thế, thì dạy trẻ con có ý thức kiểu gì?

Bây giờ, đã là thế kỷ 21, thế nhưng ngoài việc điều chỉnh hành vi bằng luật đối với người tham gia giao thông thì ở ta, còn tồn tại một thứ song hành cùng luật, thậm chí gây ảnh hưởng cả với luật: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Ra đường dù có thế nào thì xe nhỏ luôn đúng, xe lớn dù đúng mười mươi vẫn phải nhận thiệt thòi. Và đó cũng là nguyên nhân nảy sinh một thứ “Chí Phèo” ngoài đường. Đại khái, “tao cứ đi thế đấy, mày mà đâm vào tao mày đền”. Chỉ khi nào chúng ta sòng phẳng, rành rẽ được chuyện lý thì khi đó mới bớt, thậm chí hết cái thói “đường của mình, mình thích thì mình đi thôi”.

Dạo này, chẳng ngày nào truyền thông không điểm mặt tai nạn giao thông, chỉ ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục. Hôm qua, báo chí còn loan tin, trao giải thưởng 200 nghìn đô la cho người đoạt giải Nhất một cuộc thi ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó đề cao các vấn đề như định hướng xây dựng, không gian ngầm, giao thông thông minh, quản lý phương tiện cá nhân... Nhưng ý tưởng có hay đến đâu mà ý thức giao thông, hay nói đúng hơn là văn hóa tham gia giao thông của chúng ta kém thì áp dụng vào thực tế cũng khó mà thành công. Không có một nền giao thông nào phát triển được khi ngoài đường thay vì phải chờ vài giây đèn đỏ, người ta sẵn sàng lao lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… cốt sao nhanh nhất có thể. 

Suốt mấy ngày qua, Hà Nội mưa tầm tã và lạnh. Đường thì tắc mọi ngả. Chôn chân trong đám tắc đường, nỗi lo lắng về muộn giờ làm, muộn học, chậm tàu, chậm xe, mẹ già ở nhà, con thơ chờ ở lớp… như được nhân lên gấp dăm bảy lần. Người Hà Nội bây giờ hình như ai cũng nóng tính hơn, ưa văng tục hơn và bi quan hơn khi phải ra đường vào những ngày này.

Sáng qua, sau khi nỗ lực vượt 10km từ nhà đến công sở, mở điện thoại ra, thấy một người bạn của tôi viết vài dòng chuyện nhặt ngoài đường trong giờ cao điểm giao thông Hà Nội, tự dưng thấy ấm lòng. Xin trích ra chia sẻ cùng bạn đọc:                

Ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ: Đường Huỳnh Thúc Kháng ùn lại vì mật độ xe quá đông giờ tan tầm. Một anh áo mưa hoa đập đập vào cửa kính xe Civic đen rồi gọi: “Bác tài ơi, đừng len lên nữa, để đường cho xe máy đi với. Từ từ rồi sẽ về nhà các bác ơi. Toàn dân ta đoàn kết vượt tắc đê”. Civic đen không nhích lên nữa. Và rất nhiều người mỉm cười trong mưa.

Ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh: Đèn đỏ còn 2 giây, cô bé đi xe đạp điện vội vặn ga vọt lên sớm, một bác già đi wave thì cố kịp những giây cuối của đèn xanh... Đôi bên phanh hự gần giữa ngã tư, bác già quát: “Mày là con bò à? Đi thế à?”. Cô bé nhanh nhảu: “Cháu xin lỗi ạ. Cháu là con ủn ỉn. Bác cháu mình giống nhau...”. Bác già hơi sững lại để “phân tích dữ liệu” rồi bật cười gọi với cô bé: “Con ranh con. Đi cẩn thận đấy!”. 

Đọc những dòng này xong, tự dưng tôi lại vẫn còn yêu Hà Nội!