Minh bạch nửa vời

ANTĐ - Dường như có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, năm 2009 và năm 2012 cùng là hai năm trải qua lạm phát cao. Cùng bị ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ, khiến cho sức tiêu thụ trong nước giảm sút mạnh. Sự khác nhau cơ bản là năm 2012 tình hình khó khăn hơn năm 2009, nguồn lực bị suy giảm hơn, tăng trưởng tín dụng thấp hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tụt xuống mức âm, số doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phá sản đông đúc hơn.

Không phải các chuyên gia kinh tế “vẽ” mà diễn biến của nền kinh tế nước ta tự vạch ra cái vòng tròn luẩn quẩn. Đó là: tăng trưởng-lạm phát-thắt chặt-suy giảm-nới lỏng-lạm phát… Không chỉ các nhà quản lý điều hành kinh tế, mà cả cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân đều “chóng mặt” trước cái vòng quay liên tục không biết bao giờ dừng. Trong bối cảnh này Chính phủ đang nỗ lực “giải cứu” doanh nghiệp nhằm giải phóng hàng tồn kho, đồng thời kích cầu người dân nới lỏng “dây buộc bụng”, thì chính một số “ông lớn” như điện lực, xăng dầu lại 

“ra đòn” độc quyền tăng giá khiến các doanh nghiệp lo ngại vì sợ giá thành phẩm sẽ tăng mạnh. Sau một thời gian chừng bảy tháng phải kìm giá để thực hiện chỉ đạo kiềm chế lạm phát của Chính phủ, ngay sau khi được tăng giá 5% hồi đầu tháng 7 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tuyên bố “ráo hoảnh”, có thể sẽ điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần. Hơn thế còn quả quyết đến năm 2015, giá điện chỉ tăng chứ không giảm. “Hòa giọng” với EVN, mới đây Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cũng công bố tăng giá bán lẻ xăng dầu 300-400 đồng/lít. Tăng “vô tư” chẳng cần phải thông qua cơ quan nào, vì quyền chủ động về giá đã được họ “giành lại” được, sau 3 năm bị tuột khỏi tay. Có ý kiến cho rằng động thái tăng nhỏ giọt này khác với những lần tăng trước gây sốc, có lẽ là để thăm dò phản ứng của dư luận.

Một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét có động cơ “đục nước béo cò” nhân cơ hội CPI giảm sút trong việc tăng giá này. Dường như việc tăng giá xăng là chưa thật cần thiết trong thời điểm này, nhưng họ cứ tăng để “lấy đà” cho những lần tăng sắp tới, tranh thủ lúc diễn biến CPI đang trầm lắng. Hẳn nhiên, lộ trình thị trường hóa giá điện, giá xăng dầu là không thể đặng đừng.

Thế nhưng, theo vị ủy viên này, làm cách nào là vấn đề không thể bàn để việc thị trường hóa phải theo một lộ trình minh bạch và quan trọng là người dân, doanh nghiệp không phải hoài nghi và kêu ca. Riêng về tuyên bố “xanh rờn” của EVN: giá điện chỉ tăng, không giảm do “gánh” một phần bù lỗ chênh lệch tỷ giá của các năm trước, thì đích danh một quan chức Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lại chỉ ra rằng, viện lý do tăng giá vì lỗ điều chỉnh giá còn “treo” 26.000 tỷ đồng từ năm 2010, là phi lý. Bởi vì ngành điện không phải doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên không thể vin vào cớ chênh lệch tỷ giá.

Lấy lý do chênh lệch tỷ giá dẫn đến thua lỗ để tăng giá điện là không hợp lý. Với bộ máy cồng kềnh, quản lý yếu kém như EVN cũng như việc làm ăn thua lỗ rồi bắt dân gánh là trái đạo đức. Bản thân một chuyên gia ngành điện là người trong cuộc nên càng hiểu nội tình của ngành này, cũng thẳng thắn chỉ rõ việc “nuôi” bộ máy máy cồng kềnh của EVN, là nguyên nhân quan trọng khiến chi phí giá thành điện tăng cao. Đó là chưa kể, EVN đang mua 700 đồng/kWh, bán ra 1.506 đồng/kWh… mua rẻ bán đắt thì tiền lãi bỏ đi đâu mà kêu lỗ rồi bắt dân phải chịu.

Giới chuyên gia, giới doanh nghiệp cũng như người dân không thể chấp nhận chuyện tăng giá theo cơ chế thị trường khi mà doanh nghiệp ước độc quyền vẫn còn tù mù về giá, cạn tranh vẫn mịt mờ. Điều đó phải gọi cho rõ bản chất là kiểu minh bạch nửa vời.