"Miếng bánh" tín dụng tiêu dùng của nhiều "ông lớn" đang bị thu hẹp

ANTD.VN - Sự xuất hiện dày đặc của các “tân binh” tài chính tiêu dùng, cộng với việc cơ quan quản lý có xu hướng siết chặt nhiều khoản vay, nhu cầu tiêu dùng dần trở nên bão hòa khiến “miếng bánh” tín dụng tiêu dùng của nhiều "ông lớn" bị thu hẹp.

Cạnh tranh gay gắt từ các “tân binh”

Một báo cáo về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam của FiinGroup mới đây đã cho thấy thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam có nhiều thay đổi đáng kể so với năm 2017.

Theo đó, năm 2018, mặc dù FE Credit vẫn là công ty có thị phần lớn nhất với 47,3% nhưng tỷ lệ này đã giảm so với năm 2017 (48,9%).

Cùng chung cảnh ngộ, 3 "ông lớn" tài chính tiêu dùng khác là Home Credit, HD Saison và Prudential Finance cũng bị thu hẹp thị phần so với năm 2017. Trong đó, Home Credit giảm từ 17,3% xuống còn 16,9%; HD Saison giảm từ 10,3% xuống 10,1%; Prudential Finance giảm từ 6,1% xuống còn 5,3%.

Ở hướng ngược lại, hàng loạt “tân binh” tài chính tiêu dùng đã có sự gia tăng đáng kể về thị phần. Trong đó MCredi tăng mạnh từ 1,7% lên 5,2% chỉ sau 2 năm ra mắt; Toyota Financial Services tăng từ 3,8% lên 5,2%. Các doanh nghiệp khác như JACCS, Mirae Asset, SHB Finance, Eassy Credit… cũng gia tăng chiếm lĩnh thị trường. Đến 2018, thị trường đã chứng kiến 16 công ty tài chính tiêu dùng hoạt động và được cấp phép.

Thị phần cho vay tiêu dùng của nhiều doanh nghiệp lớn đang bị suy giảm

Theo thống kê của FiinGroup, tín dụng tiêu dùng tăng trung bình tới 66,3%/năm trong giai đoạn 2015-2017, cao hơn nhiều so với mức 20% của 2013-2014. Tuy nhiên, tăng trưởng của năm 2018 chỉ đạt 30,4%, thấp hơn với mức 59% trung bình 5 năm trước.

Dù vậy, tín dụng tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng khi tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng từ mức 12,3% (năm 2016) lên 17% (năm 2017) và 19,7% (năm 2018). Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp hơn so với các nước phát triển trên thế giới (40-50%).

Xu hướng siết chặt nhiều khoản vay

Không chỉ cạnh tranh gay gắt về thị phần, các công ty tài chính tiêu dùng còn có thể gặp khó khi tới đây, cơ quan quản lý sẽ có nhiều quy định siết chặt các khoản vay của công ty tài chính tiêu dùng.

Trong đó, đối với các tổ chức chưa đáp ứng được Thông tư 41, Ngân hàng Nhà nước dự định ban hành Thông tư 36 sửa đổi, trong đó nâng hệ số rủi ro đối với các khoản vay đảm bảo bằng bất động sản có dư nợ gốc trên 1,5 tỷ lên 100-150%.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến dự thảo quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa cho phép xuống 30% trong vòng 3 năm tới. Các động thái này về cơ bản dự kiến sẽ khiến vay mua nhà bị ảnh hưởng từ đó ảnh hưởng đến tín dụng tiêu dùng nói chung.

Ngoài ra, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) các khoản vay khác như phương tiện đi lại và điện tử, điện máy cũng chiếm tỷ trọng cao do các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đang tiếp cận khách hàng chủ yếu thông qua các kênh bán lẻ hiện đại theo chuỗi hoặc thương mại điện tử, vốn đem lại hiệu quả cao và giúp tiết kiệm được chi phí quản lý. Tuy nhiên, sự có mặt của họ tại các kênh chuỗi đang trở nên dày đặc, trong khi nhu cầu tiêu thụ xe máy, điện thoại, điện máy đang dần bão hòa.

Trong khi đó, cho vay bằng tiền mặt dự kiến cũng sẽ bị hạn chế khi các cơ quan quản lý đang có ý định siết chặt hơn giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Do vậy, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước.