Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Miễn ngay thuế thu nhập cá nhân

ANTĐ - Ngày 12-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Một nội dung rất đáng chú ý là đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh.

Miễn thuế thu nhập sẽ tạo điều kiện cho người lao động chi tiêu nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Miễn thuế sẽ “kích” tiêu dùng

ĐB Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cuộc sống người dân đang bị ảnh hưởng nhiều bởi giá cả tăng cao nhưng mức giảm trừ gia cảnh cho các cá nhân chịu thuế thấp. Do đó, miễn thuế TNCN cho những người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 như đã thực hiện trong năm 2011 theo Nghị quyết 08 của QH là rất cần thiết. Đồng tình, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, nếu miễn thuế TNCN cho thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, dù chỉ miễn cho người có thu nhập chịu thuế ở bậc thấp nhất (bậc 1) cũng sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể chi tiêu nhiều hơn, góp phần giảm hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng. ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp (DN) có cải thiện quỹ lương thì phần tăng thêm cho người lao động cũng rất ít do phải đóng thuế nhiều hơn. ĐB Phạm Huy Hùng kiến nghị cần sửa nhanh Luật Thuế TNCN theo hướng nâng mức khởi điểm chịu thuế, bỏ bớt bậc thuế và giãn khoảng cách giữa các bậc.

Tương tự, ĐB Trần Thanh Hải (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm, tại TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 5.000 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, phá sản, dẫn đến hệ quả là hơn 65.000 công nhân đăng ký thất nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì điều chỉnh lương cơ bản cho công nhân. Lạm phát tuy đã giảm nhưng đời sống người lao động khó khăn hơn so với năm 2011. ĐB Trần Thanh Hải đề nghị Quốc hội miễn thuế TNCN như năm 2011 để người lao động cải thiện cuộc sống.

ĐB Trần Thanh Hải cũng cho rằng miễn giảm thuế TNCN và TNDN năm 2012 cho các đối tượng làm dịch vụ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê; chăm sóc trông giữ trẻ là rất cần thiết. Ông nói: “Kết quả thực hiện năm 2011 cho thấy có hiệu quả. Tuy số thuế được miễn giảm không nhiều nhưng có ý nghĩa hết sức lớn lao, thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước, động viên những người làm dịch vụ này và giúp công nhân ấm lòng hơn, gắn bó với doanh nghiệp”.

Tránh vòng luẩn quẩn

Nói về giá trị gói giải pháp hỗ trợ cho DN giá trị khoảng 29.000 tỷ đồng, nhiều ĐBQH đánh giá là chậm về thời điểm và chưa đủ liều lượng so với thể trạng “ốm đau” kéo dài của DN. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, hỗ trợ là cần thiết, nhưng “đưa ra chậm quá”. Ông nói: “Nền kinh tế giống như cơ thể con người, hắt hơi sổ mũi phải chạy chữa ngay, chờ đến khi sắp “chết” mới đổ sâm vào thì không thể cứu được”. Ông đề nghị Chính phủ phải khắc phục triệt để tình trạng điều hành để rơi vào vòng luẩn quẩn: lạm phát, kiềm chế lạm phát đến mức suy giảm phải kích cầu rồi kích cầu lại gây lạm phát. 

Mức giãn, giảm 30% thuế TNDN năm 2012 cũng được một số ĐBQH đánh giá là “chưa đủ liều”. ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) nói, giảm thuế mạnh có thể gây rủi ro cho ngân sách nhưng nếu doanh nghiệp “chết” thì rủi ro còn lớn hơn. Nếu giảm thuế sẽ tạo động lực để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tăng nguồn thu ngân sách. ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ hơn vì theo đánh giá của doanh nghiệp, giảm 30% thuế TNDN đối với đơn vị không có lợi nhuận không khác nào “tặng kính cho người mù trong khi họ cần cây gậy để dò đường”. ĐB Trần Du Lịch cũng kiến nghị giảm ngay thuế giá trị gia tăng để gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá, kích thích thị trường. Đồng thời, phải có thông điệp từ năm 2013 giảm thuế TNDN từ 25% xuống 20% để tạo niềm tin cho nhà đầu tư tính toán cơ hội làm ăn.

Năm 2012:Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng

Sáng 12-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, điều chỉnh chương trình năm 2012 và nhiệm kỳ QH khoá XIII. Theo đó, QH đồng ý bổ sung dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào chương trình năm 2012 nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới và sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5.

Riêng đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi), có nhiều ý kiến ĐBQH đề xuất đưa vào Chương trình năm 2012 nhưng Thường vụ Quốc hội không đề xuất vì cho rằng công tác chuẩn bị đối với Luật Đất đai chưa đạt yêu cầu, cần có thêm thời gian để cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chuẩn bị để tránh tình trạng dự án trình QH không đảm bảo chất lượng và tính khả thi.

 

Tin cùng chuyên mục