Mệt mỏi thủ tục thuế, hải quan

ANTĐ - Ngày 29-10, hơn 500 đại biểu đại diện cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã tham dự cuộc đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015. Mặc dù các cơ quan này nhận được nhiều đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp về những cải cách, song nỗ lực đó vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Mệt mỏi thủ tục thuế, hải quan ảnh 1Số giờ nộp thuế đã giảm xuống nhưng vẫn còn nhiều.


Tốn kém vì kiểm tra chuyên ngành

Bà Trịnh Tú Oanh - đại diện Công ty TNHH An Đô, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng và thuốc bảo vệ thực vật cho biết: “Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi với thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chỉ trong 9 tháng năm 2015, doanh nghiệp đã phải nộp 620 triệu đồng và cử thêm 1 nhân viên chuyên cho việc này.

Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không linh động, cùng một mẫu hàng mà vẫn phải kiểm tra đi kiểm tra lại. Ví dụ như cái ô che mưa nắng cũng phải kiểm tra chuyên ngành, 1 tấn vải chỉ mất một vài triệu đồng tiền thuế nhưng lại mất tới 8 triệu đồng tiền phí kiểm tra chuyên ngành. Vậy cho nên các doanh nghiệp nhỏ chỉ muốn lậu thuế cho nhanh, đỡ tốn kém”. 

Cùng quan điểm này, đại diện Công ty Cổ phần thương mại Citycom (Citycom) cho rằng, cần giảm tần suất kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thường xuyên nhập khẩu. “Chi phí kiểm tra liên ngành chiếm tỷ lệ khá lớn trong chi phí của doanh nghiệp, làm giảm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, công ty có sản phẩm thép nằm trong danh mục bảng giá quản lý rủi ro các ngành hàng của Tổng cục Thuế ban hành.

Mệt mỏi thủ tục thuế, hải quan ảnh 2

Ngành thuế, hải quan đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Giá cả mặt hàng này phụ thuộc rất lớn vào cung - cầu thị trường, nhưng giá trong bảng danh mục vẫn để ở mức cao và không được cập nhật thường xuyên. Chính vì vậy, quá trình nhập khẩu mặt hàng này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp giá tính thuế” - đại diện CityCom cho biết.

Đồng tình với phản ánh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn nói: “Sự kiểm tra là cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, mặc dù mất thời gian nhiều nhưng công tác này vẫn chưa đưa lại sự an tâm cho doanh nghiệp, người dân, chưa phù hợp với yêu cầu thị trường, thời gian lưu kho quá lâu”. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng cần giảm tần suất và yêu cầu đối với kiểm tra chuyên ngành. 

Liên quan tới cơ sở dữ liệu về giá, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ KH-CN để sửa danh mục 2 về nhập khẩu thép. Đối với những việc phải áp dụng biện pháp tự vệ về giá thì vẫn phải thực hiện để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Thuế, hải quan điện tử chập chờn

Đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Tài chính, đại diện Công ty Cổ phần tư vấn trách nhiệm Toàn Cầu nêu vấn đề: “Việc kê khai thuế, Hải quan được thực hiện trực tiếp qua mạng, nhưng không phải lúc nào file cũng upload lên mạng được. Vậy, trong trường hợp doanh nghiệp không thể upload được file thì trách nhiệm thuộc về ai? Ngành thuế và hải quan sẽ làm gì để cải thiện tình trạng này”?

Trả lời doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: “Khi có trục trặc về việc khai thuế qua mạng do khách quan hoặc do cơ quan quản lý công nghệ ứng dụng thì lỗi không thuộc về doanh nghiệp. Từ tháng 4-2014, ngành hải quan đã thực hiện hải quan điện tử tại 171 cửa khẩu. Trong quy định và trên thực tiễn, doanh nghiệp chỉ nộp tờ khai giấy khi mạng bị trục trặc hoặc có sự cố về điện. Còn đối với cơ quan thuế, việc nộp thuế qua mạng đang được được khuyến khích động viên. Nếu chưa thể khai thuế qua mạng, doanh nghiệp vẫn có thể nộp tờ khai giấy”.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội Kê khai thuế, mặc dù thủ tục thuế và hải quan đã có nhiều cải cách, nhưng các văn bản hướng dẫn vẫn có lúc chưa đồng bộ. Ví dụ, ưu đãi thuế trong đầu tư mới, đầu tư mở rộng, còn nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng khác nhau. Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước sẵn sàng lập doanh nghiệp mới để được hưởng ưu đãi thuế.

Nhưng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có vốn lớn, máy móc thiết bị lớn thì không thể đóng cửa thành lập công ty mới như thế được. Trong khi đó, họ đã có văn phòng tại 1 địa phương, đầu tư mở rộng cơ sở ra địa phương khác nhưng lại không được hưởng ưu đãi. Chính sách chưa đồng bộ nên ảnh hưởng tới khuyến khích đầu tư nước ngoài. 

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn tích lũy để tái đầu tư, duy trì hoạt động và được một số cơ quan thuế cho rằng đó là đầu tư mở rộng. Để xử lý những tồn tại này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để có văn bản hướng dẫn.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: Cần nỗ lực hơn nữa

Cuộc đối thoại đã diễn ra cởi mở, thẳng thắn. Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận cải cách của ngành thuế, hải quan thời gian qua, nhưng họ cũng hy vọng các ngành này cần nỗ lực hơn nữa. Những chương trình cải cách của Chính phủ, Bộ Tài chính phải trở thành hành vi ứng xử hàng ngày của công chức ở cơ sở.

Muốn làm được như vậy cần có kỷ luật thực hiện nghiêm túc, có chính sách đảm bảo, ứng dụng CNTT để tăng cường kỷ luật thực hiện, tăng cường vai trò kiểm soát của những người cao nhất đối với việc thi hành của cán bộ công chức.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội kê khai thuế: Năng lực của cán bộ còn hạn chế

Ngành tài chính đã có nhiều cải cách nhưng vướng mắc về thuế và hải quan vẫn còn. Năm 2015, doanh nghiệp cảm nhận thấy luồng đổi mới từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Điều tra 2.500 doanh nghiệp cho thấy, 92% ghi nhận cải cách thể chế tốt nhưng năng lực, trình độ của cán bộ thuế chỉ đáp ứng 50% kỳ vọng của doanh nghiệp. Thực tế này đòi hỏi ngành tài chính phải tiếp tục cải cách, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử cho cán bộ nhân viên.