Mênh mang Phù Vân Yên Tử

ANTĐ - Dân du lịch bụi  phân biệt rõ Đông Yên Tử và Tây Yên Tử. Cùng chung một dãy núi vùng đông thổ nhưng Đông Yên Tử là Yên Tử có chùa Hoa Yên lưng chừng núi, có chùa Đồng trên đỉnh núi và có hệ thống cáp treo hỗ trợ du khách leo núi một cách an nhàn. Còn Tây Yên Tử  ở phía bên kia đỉnh núi nơi có chùa Hồ Thiên, am Ngọa Vân và bắt buộc phải leo bộ mới lên tới nơi. Nhưng ít người biết đến Tây Yên Tử nên chỉ gọi Đông Yên Tử đơn giản là Yên Tử mà thôi.

Mênh mang Phù Vân Yên Tử ảnh 1

Chuyến hành hương này, chúng tôi  quyết tâm không đi cáp treo, 6h sáng đoàn đã có mặt ở chân núi. Yên Tử mùa hội, mặt trời còn chưa ló rạng, nhưng cả bãi xe đã sáng bừng bởi đèn pha ô tô. Cứ len dưới những hàng tùng, trên con đường nhỏ, qua suối Giải Oan, nhớ lại chuyện xưa, hơn 700 năm trước, hàng trăm cung tần mỹ nữ của vua Trần Nhân Tông đã gieo mình xuống suối để bày tỏ lòng chung thủy vì vua đã quy y cửa Phật không màng đến nữ sắc. Khi ấy, các tiều phu, lực điền thấy người chết đuối đã lao xuống cứu. Các mỹ nữ được cứu sống đã đền ơn cứu mạng bằng cách làm vợ các chàng trai nơi này. Cũng từ đó, con gái vùng này nổi tiếng xinh đẹp, da trắng, môi đỏ, tóc mềm mượt như suối cùng ánh mắt phảng phất nét vương triều từ xa xưa.

Từ chùa Giải Oan cũng phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ leo núi mới lên đến chùa Hoa Yên. Chùa rất đẹp với các vườn mộ tháp và đôi “mắt rồng” hai bên. Nằm ở độ cao hơn 500 mét, chùa Hoa Yên bề thế nhất trong quần thể Yên Tử nên còn được gọi là chùa Cả. Nhưng khi được xây dựng vào thời Lý, chùa có tên Phù Vân, có lẽ thế mà có câu hát Phù Vân Yên Tử chăng? Vì leo núi từ sớm nên khi chúng tôi lên đến Hoa Yên vẫn chưa đến 8h sáng.

Cảm nhận đầu tiên là vẻ đẹp tinh khiết, sương buông nhẹ, không khí hơi loãng nhưng trong lành. 3 cây đại 700 năm tuổi với thế giáng long nhưng đã phải gia cố cây giả bằng bê tông để chống đỡ. Sau những ngày đông giá, cây đại rụng hết lá chỉ còn trơ cành với thế vờn vô cùng ấn tượng. Con đường leo núi ấn tượng vô cùng với đường tùng hàng trăm năm tuổi. Những cây tùng hàng thân vài người ôm vươn ngọn cao vờn trong mây mờ. Rễ tùng ăn sâu nhưng mưa bào mòn đường núi nên lộ ra những rễ chằng chịt như con trăn đất vắt ngang đường. Những rễ tùng bắt ngang thành bậc thang tự nhiên cho khách bộ hành leo núi. 

Từ chùa Hoa Yên, thêm hơn 2 tiếng đồng hồ leo núi là đến tượng An Kỳ Sinh rồi chùa Đồng huyền thoại. Con đường từ đây hoàn toàn là núi đá, chân lựa vào khe đá mà leo lên. Ngôi chùa hoàn toàn bằng đồng nặng tới hơn 70 tấn tọa lạc trên đỉnh núi cao hơn 1.000 mét. Chùa Đồng là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất châu Á, có hình dáng một bông hoa sen nở. Cách đây gần 250 năm, chùa Đồng được xây dựng với tên gọi Thiên Trúc Tự nhưng vì bằng đồng hoàn toàn nên khách thập phương hay gọi là chùa Đồng. Những ngày hội Yên Tử năm nay, ước tính có đến hàng nghìn người lên đến chùa Đồng khiến cho đỉnh núi không còn chỗ chen chân. Ngày xuân, hành hương lên non thiêng Yên Tử  cũng là sự rèn luyện bản thân.