Mệnh lệnh 01 cao điểm cấp Căn cước công dân gắn chip: “Trận chiến” tổng lực cuối cùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu sẽ hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hết hiệu lực sử dụng, thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử sẽ là giấy tờ thay thế để công dân thực hiện các thủ tục giao dịch hành chính.

Hà Nội là 1 trong 5 địa phương của cả nước được Bộ Công an giao phải hoàn thành công tác cấp CCCD gắn chip cho tất cả công dân đủ điều kiện trên địa bàn xong trước ngày 31-8-2022. Trước nhiệm vụ ấy, Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành Mệnh lệnh 01 mở cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip, đây được coi là “trận chiến tổng lực” cuối cùng trong “chiến dịch” lịch sử kéo dài 2 năm qua…

Cao điểm 30 ngày đêm cấp CCCD được xem là đợt cuối cùng hoàn thành thủ tục cấp CCCD cho công dân Thủ đô

Cao điểm 30 ngày đêm cấp CCCD được xem là đợt cuối cùng hoàn thành thủ tục cấp CCCD cho công dân Thủ đô

Tiếp tục những đêm không ngủ

Thiếu tá Đinh Việt Hùng - Trưởng CAP Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, ngay khi Giám đốc CATP Hà Nội ban hành Mệnh lệnh 01 về mở cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip, theo đúng tinh thần của Mệnh lệnh, chúng tôi chia làm 3 ca/ngày, mỗi ca có 5 cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm thủ tục tại phường. Việc trao đổi nghiệp vụ sử dụng thiết bị, công nghệ thông tin được tiến hành thường xuyên để các chiến sĩ kịp thời cấp CCCD gắn chíp cho người dân một nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn.

Theo Trưởng CAP Nghĩa Đô, trong đợt cao điểm này, cùng với việc cấp CCCD gắn chip, đơn vị hướng dẫn người dân mở tài khoản định danh điện tử, hầu hết người dân ngay sau khi được thu nhận hồ sơ cấp CCCD đã tích hợp luôn xác thực định danh điện tử. “Theo quy định của Mệnh lệnh 01, mỗi ngày làm việc chia thành 3 ca từ 7 - 22h, nhưng những ngày qua đơn vị hoạt động liên tục đến tận 23h, thậm chí chờ đến khi hết công dân thì chúng tôi mới ra về. Đợt này, chúng tôi được CAQ đặt máy móc từ ngày 25 đến 31-7, chỉ có 6 ngày thôi nên ai cũng cố gắng vì nó chẳng thấm vào đâu so với cao điểm trước kéo dài nhiều tháng. Ai cũng cảm thông, chia sẻ công việc với nhau, bữa cơm của anh em chiến sĩ cũng vội vàng, tất cả đều vì mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có CCCD gắn chip” - Thiếu tá Đinh Việt Hùng bày tỏ.

21h trụ sở công an các phường vẫn sáng đèn phục vụ nhân dân cấp CCCD (Trong ảnh chụp tại CAP Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

21h trụ sở công an các phường vẫn sáng đèn phục vụ nhân dân cấp CCCD (Trong ảnh chụp tại CAP Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Bằng nhiều cách vận động nhân dân đi làm Căn cước công dân

Tại CAQ Bắc Từ Liêm đã ban hành Kế hoạch 239 về thực hiện cao điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip theo tinh thần của Mệnh lệnh 01. Trung tá Nguyễn Thị Kim Thúy - Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH chia sẻ: “CAQ được trang cấp 4 dây máy nên chúng tôi bố trí cố định 1 dây máy tại CAQ phục vụ nhân dân 24/7, 3 dây máy còn lại đi làm lưu động tại các phường, mỗi phường từ 2 - 3 ngày tùy theo số lượng công dân cần cấp”.

Khác với “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ CCCD vào tháng 3-2021, trong cao điểm lần này, lực lượng công an có sự hỗ trợ của tổ cộng đồng thuộc Đề án 06. Chỉ huy CAQ đã yêu cầu cán bộ, chiến sĩ công an các phường chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án 06 cùng cấp đưa nội dung cao điểm vào nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo Tổ công tác 06 tại các tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ công dân để đảm bảo huy động tối đa công dân chưa được cấp CCCD trên địa bàn thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chip kết hợp với thủ tục cấp định danh điện tử.

Tổ chức tuyên truyền về công tác thu nhận hồ sơ CCCD gắn chip bằng nhiều hình thức như phối hợp với cơ quan báo chí đăng bài trên Cổng thông tin điện tử quận, mạng xã hội, tham mưu tăng thời lượng phát thanh, tuyên truyền lưu động... Tham mưu Ban chỉ đạo Đề án 06 của quận, phường chỉ đạo các đơn vị thành viên tuyên truyền đến toàn bộ công dân trên địa bàn quận nắm được chủ trương của việc cấp thẻ CCCD gắn chip và ủng hộ, tham gia. Trong đó, tập trung vào nội dung đến ngày 31-12-2022 sổ hộ khẩu giấy sẽ hết hiệu lực sử dụng, thẻ CCCD gắn chip được tích hợp các thông tin sẽ là giấy tờ để công dân thực hiện giao dịch thay thế sổ hộ khẩu.

Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm hiện có gần 15.000 công dân đủ điều kiện chưa làm thủ tục cấp CCCD. CAQ đã giao chỉ tiêu cho từng phường, đảm bảo trung bình mỗi ngày cấp cho khoảng 490 hồ sơ. Để đạt được con số này không phải là điều đơn giản vì một bộ phận người dân, đặc biệt là người cao tuổi chưa nhận thức được tầm quan trọng của CCCD gắn chip, không muốn đi làm dù thủ tục rất nhanh gọn. “Với các công dân lớn tuổi, nhiều CSKV đã phải đến tận nhà đón các cụ đi làm CCCD. Thậm chí có cán bộ phải bỏ tiền túi để trả chi phí thuê xe đưa đón vì các cụ bảo “không có tiền”. Khó khăn là thế nhưng vì nhiệm vụ chung, tất cả đều cố gắng, nỗ lực hoàn thành” - Chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC về TTXH chia sẻ.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ

Theo Bộ Công an, tính đến nay, toàn quốc đã có hơn 65 triệu thẻ CCCD gắn chip cấp cho người dân. Đây là một bước đột phá, tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng và phát triển những ứng dụng trên nền tảng số phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Kể từ 18-7-2022, Bộ Công an bắt đầu phê duyệt, cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân. Tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam có 2 mức. Mức 1 gồm các thông tin cá nhân và ảnh chân dung. Mức 2 có thêm thông tin về vân tay. Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như thẻ CCCD gắn chip khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD. Nhiều công dân đã được cấp tài khoản ở mức độ 2.

Cao điểm 30 ngày đêm cấp CCCD được xem là đợt cuối hoàn thành thủ tục thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân trên địa bàn Thủ đô từ đủ 14 tuổi trở lên. Theo Mệnh lệnh 01, Giám đốc CATP giao nhiệm vụ cho Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Công an cấp xã tổ chức rà soát lại toàn bộ số nhân khẩu trong diện cấp nhưng chưa được cấp CCCD gắn chip trên địa bàn (bao gồm cả nhân khẩu đăng ký thường trú, nhân khẩu tạm trú và nhân khẩu hiện đang cư trú không đủ điều kiện đăng ký, thường trú, tạm trú trên địa bàn thành phố), xây dựng phương án tổ chức thu nhận hồ sơ CCCD gắn chip cụ thể, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn (riêng đối với các trường hợp nhân khẩu có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh/thành phố khác, khi thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip phải có đăng ký tạm trú trên địa bàn thành phố Hà Nội). Đồng thời, lập danh sách đối với các trường hợp không thể thu nhận do các yếu tố khách quan (đang chấp hành án phạt tù; chết; chuyển hộ khẩu về tỉnh/thành phố khác; có hộ khẩu thường trú nhưng đã xuất ngoại; vắng mặt tại địa phương không rõ nơi đến; vắng mặt tại địa phương nhưng rõ địa chỉ nơi đến tại tỉnh/thành phố khác; bị sai cấu trúc số định danh cá nhân chờ hủy/xác lập lại số định danh cá nhân; thôi quốc tịch; điều trị bệnh tâm thần, đao, liệt...).

Qua 2 năm triển khai cấp CCCD gắn chip, cao điểm này thật sự khó khăn vì những công dân đủ điều kiện nhưng chưa đi làm hồ sơ cấp CCCD đều là những “ca khó”. Song vượt lên trên tất cả, vì nhiệm vụ chung, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH vẫn quyết tâm hoàn thành, đảm bảo tất cả công dân đủ điều kiện đều có CCCD gắn chip, thuận lợi trong giao dịch dân sự khi hộ khẩu giấy hết hiệu lực.

Tin cùng chuyên mục