Men say bản Phố

ANTĐ - Khi những cành hoa mận bắt đầu bung trắng trên tấm thảm xanh của núi, hoa đào e ấp gieo hơi ấm vào sự trầm mặc của những nếp nhà nơi thung lũng thì người dân Bắc Hà lại tất bật thu hoạch ngô để chuẩn bị vào mùa chưng cất một thứ chất uống đủ sức níu chân du khách dưới xuôi ở thêm với Bắc Hà, cũng khiến tiếng khèn của chàng trai bản thêm nồng ấm vào mỗi phiên chợ tình, làm mê mải ánh nhìn hoang sơ của những cô gái. Đó là đặc sản rượu ngô bản Phố.

Rượu ngô bản Phố là mặt hàng không thể thiếu ở các phiên chợ Bắc Hà


“Thung lũng” bản Phố

Chẳng biết tự bao giờ, giữa bốn bề đá núi sừng sững, hùng vỹ lại sinh ra cái thung lũng nhỏ như lòng bàn tay khi nhìn từ trên cao xuống và nó đủ cho 400 hộ dân sinh sống. Những nếp nhà như cây nấm mọc lúp xúp trong tán cây, bên mỏm đá nâu sẫm mà sinh tồn cùng thời gian.

Con đường dẫn vào bản tựa như chiếc khăn mềm mại vắt ngang thung lũng, điểm trang trên đó là những chiếc váy Mông sặc sỡ, nhún nhảy, xúng xính theo chân cô gái về bản - đó là họa tiết sống động trong bức tranh về đất và người nơi đây.

Khi tia nắng cuối mùa còn rơi rớt lại bỗng làm ánh lên màu vàng rười rượi của lớp đất đá ong, làm mòn vẹt những chiếc đế dép nhựa quai hậu. Và ánh vàng ấy cũng ngả màu thời gian trên bức tường đất mòn mỏi như núi, cũ kỹ như đá che chắn gió lạnh khi đông về và làm mát không khí oi nồng của mùa hè.

Trẻ con ở đây dường như không bao giờ biết lạnh. Khi ấm cũng chiếc áo sơ mi và cái quần cộc lưng bụng chân, lúc trời rét vẫn vậy. Đất và trời nơi đây đã sinh ra một thứ bản năng sống, sống mà như thách thức với khắc nghiệt của thời tiết và sống như để hòa mình vào thiên nhiên một cách đồng nhất đến kỳ diệu.

Lấp lóa trên sườn núi, chiếc gùi của cô gái Mông lặc lè những ngô là ngô. Bởi khi kề cận đông, mới là mùa nấu rượu. Ấy là khi những trái ngô được trồng trên khắp các sườn núi chuyển màu vàng đỏ, hạt chắc đều tăm tắp. Bản Phố có trên 300ha trồng ngô, gấp 3 lần diện tích trồng lúa và chỉ thu hoạch được một mùa trong năm; năng suất trung bình 3,5 tấn/ha, sản lượng trên 1.000 tấn. Với lượng hạt bắp thu hoạch, trung bình hàng năm, người dân bản Phố nấu được khoảng 400.000 lít rượu.

Trong mỗi nếp nhà của người Mông bản Phố, bếp bao giờ cũng đặt ở vị trí đầu hồi. Theo phong tục của người dân ở đây, thần lửa sẽ xua đuổi tà ma, làm tan giá lạnh sau mỗi buổi lên non.


Nồng nàn rượu ngô Bắc Hà

Gọi là rượu Bắc Hà nhưng thực ra những can rượu 20 lít lừng lững giữa chợ, giá 20.000đ/lít mới là đặc sản của bản Phố. Cách trung tâm huyện Bắc Hà hơn 3km, bản Phố tập trung chủ yếu là đồng bào Mông. Theo ông Giàng Seo Sẩu (người dân tộc Mông, chuyên nấu rượu ở bản Phố) thì cả xã có hơn 500 hộ với khoảng trên 3.000 nhân khẩu và ai trong số đó cũng biết nấu rượu, nó như thứ nghề bảo bối truyền từ đời này sang đời khác. Việc nấu rượu như một nghề, lấy đó làm kế sinh nhai thì chỉ tập trung vào gần 400 hộ dân.

Không đâu ở Bắc Hà có được vị rượu đậm đà, nồng ấm như ở bản Phố. Những hạt ngô - nguyên liệu chủ yếu để nấu rượu được trồng trên núi, là nơi đầu tiên đón sương lạnh và gió rét, mưa tuôn. Dường như nguồn dinh dưỡng hiếm hoi được chắt chiu ở độ dốc của đá núi kia đã kết tinh vào từng hạt ngô mà đơm vị ấm nóng của rượu. Không chỉ có vậy, nguồn nước để nấu rượu cũng phải lấy từ nước suối của dòng Hang Dế chảy qua bản Phố. Rượu ngon quan trọng là men ngon. Thật vậy, không biết tự bao giờ, người Mông bản Phố đã tìm thấy loài cây giống như cây cỏ mần trầu, nhưng cao hơn mang tên Hồng My có hạt li ti màu đen tựa như hạt kê là nguyên liệu làm nên thứ men chỉ có ở bản Phố. Ăn tết xong khoảng cuối tháng 2 đầu tháng ba gieo hạt đến gần cuối thu tầm tháng 8, tháng 9 người Mông gặt Hồng My đem về phơi khô, treo lên gác bếp cho nỏ, chọn lấy hạt rồi đem xay nhuyễn. Sau đó, bột Hồng My được đổ ra một chiếc mẹt rồi lọc lấy bột tinh khiết.

Theo cách tính của người Mông, cứ sáu bông là một ống và một ống thì làm được 12 bánh men. Kinh nghiệm làm men của người Mông ở bản Phố là lấy rượu đầu của mẻ trước trộn đều với bột sau đó cho nước sôi để nguội vào. Không được nhào bột bị nhão hoặc quá khô. Sau đó nắm thành từng viên, tròn hoặc dẹt to như quả quýt đem phơi ở chỗ thoáng mát, đến khi chuyển màu trắng là lúc những quả men đó đã khô roong, treo lên gác bếp, dùng dần.

Còn ngô, tãi thành hạt, đem luộc, đổ vừa đủ nước, lửa vừa, đun khoảng 20 giờ đồng hồ, khi hạt ngô bung ra là được. Vớt ngô ra chiếc mẹt, đợi nguội hẳn mới đem ủ men. Khoảng 12 viên men, nghiền thành bột ủ được 60kg ngô hạt, cho thành phẩm 25 lít rượu 45 độ. Khi ủ men luôn phải phủ bạt hay nilon để giữ cho ngô có độ kín mà lên mốc. Khi từng hạt ngô bắt đầu xuất hiện phấn mốc thì cho vào thùng đợi dăm hôm mới bắc chõ để nấu rượu. Chõ thường làm bằng gỗ, như thế rượu mới không bị kém mùi. Lửa cháy đều, không được đun to quá vì như thế rượu sẽ bị khê, sau khoảng 2 tiếng, những giọt rượu đầu tiên bắt đầu róc rách, 3 giờ đồng hồ sau thì mẻ rượu khoảng 25 lít kết thúc hành trình. Giá bán ở chợ Bắc Hà là 20.000đ/lít, anh Hòa (TP Lào Cai) nếm rượu và chia sẻ “Cuối năm ngoái, lên Bắc Hà mua rượu về uống tết. Bà cụ người Mông sau khi rót 10 lít rượu vào can cho mình, đem dụng cụ đo độ ra, chỉ 44 độ là kiên quyết không bán. Cụ liền pha thêm rượu đầu để 10 lít rượu kia đủ 45 độ mới đong rượu lại cho mình”. Thế mới biết, tuy đời sống còn thiếu thốn vất vả, nhưng người Mông rất biết gìn giữ chữ tín của mình cho thương hiệu, thứ bảo bối riêng có của quê hương -  rượu ngô bản Phố.

Rượu ngô bản Phố không chỉ ngon bởi ngô, nồng nàn do men, êm êm tựa nước suối Hang Dế mà còn đậm đà bởi cái tâm của người Mông nơi đây.