Mẹ vô vàn yêu quý, xin hãy đợi con về!

ANTĐ - Con đã chứng kiến những trường hợp phạm nhân nằm trong nhà giam mà nghe tiếng kèn, tiếng trống réo rắt trong đám ma của chính bố, mẹ mình chứ nào đâu có được đưa tiễn. Hỏi có hình phạt nào nặng hơn thế, đau hơn thế, mẹ ơi!

Những giọt nước mắt dường như không còn ý nghĩa đối với tôi nữa bởi tôi đã khóc quá nhiều. Quá khứ bất hạnh, tội lỗi và đau thương như một cuốn phim quay chậm cứ lừng lững hiện về. Tôi hận chính mình đã gây ra cảnh đau lòng cho mình, người thân và xã hội. Để giờ đây, tôi đang phải trả giá. Và chính chuỗi ngày dài sống trong trại giam đã giúp tôi nhìn nhận lại cuộc đời, con đường, việc làm mà tôi đã trải qua bằng tất cả sự hối hận và niềm tin hướng thiện.

Từ một tình yêu mù quáng

Tôi là Nguyễn Thị Quang, sinh năm 1966, thường trú tại số nhà 75, tổ 22, phường Đồng Tiến, Hòa Bình; can tội tàng trữ trái phép chất ma túy, bị bắt ngày 1/3/2006, án phạt 84 tháng tù giam; đang thi hành án tại Phân trại giam thuộc Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình.

 
 Ảnh minh hoạ 

Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Hòa Bình yêu dấu. Cha mẹ tôi đều là y sỹ công tác tại bệnh viện tỉnh và sinh thành được 4 anh chị em, tôi là con gái thứ 3 trong gia đình. Từ khi ra đời, tôi được sống trong sự yêu thương của bố mẹ, sự đùm bọc của anh em. Đời sống thuở bao cấp vất vả nhưng tình cảm gia đình vô cùng đầm ấm. Khó khăn lớn bắt đầu ập xuống gia đình đó là năm tôi 16 tuổi. Bố bị ốm nặng phải chạy chữa khắp nơi nên mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc bố. Rồi đến lượt tôi phải nghỉ học để giúp mẹ việc nhà. Số phận oan nghiệt đã cướp mất người cha thân yêu khi tôi tròn 18 tuổi. Cha mất, mẹ buồn phiền rồi cũng sinh bệnh. Chúng tôi rất thương mẹ và tìm mọi công việc mong giúp mẹ gánh vác gia đình.

Sau một thời gian làm thuê, làm mướn, tôi mạnh dạn dọn hàng bán nước ở bến xe. Sáng dậy từ 4 giờ gánh hàng ra tối muộn mới dọn hàng về. Ngày tháng cứ thế trôi, cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn phần nào. Và chính trong những ngày bán nước ở bến xe Đồng Tiến ấy, tôi đã gặp và quen một người đàn ông phụ xe khách thường xuyên qua lại quán tôi uống nước. Rồi tôi và người ấy có tình cảm với nhau. Giá như tôi tỉnh táo tìm hiểu kỹ thì có lẽ cuộc đời mình sẽ khác. Đằng này, tôi mụ mị vì tình yêu mà bất chấp tất cả. Tôi chỉ biết có anh ấy mà không cần biết gia đình anh ấy ra sao, vợ con thế nào...?

Tôi yêu anh và dâng hiến cho anh ấy tất cả. Khi tôi có thai 3 tháng thì cũng là lúc tôi biết anh đã có vợ và 2 con nhỏ ở quê rồi, tôi vô cùng tuyệt vọng. Đã có lúc tôi tìm đến cái chết, nhưng chính giọt máu trong bụng đang mỗi ngày một lớn đã níu kéo tôi lại, vì nó nào có tội tình gì mà không được góp mặt với thế gian này? Cứ nghĩ đến đứa con là tôi thấy mình có nghị lực để sống. Tôi không cần biết cha của đứa bé có còn yêu thương mẹ con nó nữa không. Thay bằng sự lo lắng là niềm vui sắp được làm mẹ cứ lớn dần trong tôi.

Cuối năm 1987, con gái cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc khôn tả của tôi. Nhưng để nuôi một con người thì đâu có đơn giản, nhất là khi tôi không có việc làm, không tiền bạc mà lại nuôi con một mình. Con gái được 2 tháng tuổi là tôi bắt đầu đi làm thuê không thiếu việc gì để kiếm tiền nuôi mình và nuôi con. Công việc tôi làm trong một thời gian dài chính là gánh nước thuê. Ngày ấy, ở thị xã Hòa Bình chưa có nước máy. Đa số các gia đình ăn nước sông Đà. Thế là tôi gánh nước sông về bán cho họ. Đêm tối, tôi cũng gánh mà không biết sợ là gì. Nếu không gánh nước thuê hôm nào thì hôm đó không có tiền mua sữa cho con, vì tôi quá ít sữa nên con gái phải nuôi bộ bằng sữa ngoài.

Tôi nghĩ, những gì đã và đang đến với mình, mình phải chịu đựng như thế là quá đủ. Nào ngờ, bất hạnh lại ập xuống đầu mẹ con tôi. Do chưa có kinh nghiệm làm mẹ, cuộc sống lại quá khó khăn, nuôi con một mình nên cháu bị bệnh sởi mà tôi không biết dẫn đến biến chứng vào não. Đưa con xuống Hà Nội khám, đến lúc làm bệnh án nhập viện thì thiếu tiền nên tôi lại phải đưa con quay lại Hòa Bình chờ kiếm tiền. Than ôi! Tiền chưa kiếm đủ thì đứa con gái thương yêu, niềm hạnh phúc, chỗ dựa tinh thần của tôi đã vĩnh viễn ra đi. Trên đời này không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con mà tôi phải chịu đựng. Thời gian này, cha của đứa bé vẫn phụ xe tuyến Hà Đông - Hòa Bình và thường xuyên qua lại động viên tôi. Chính từ sự đau thương mất mát ấy mà tôi càng thấm thía không có tài sản nào quý giá bằng đứa con. Thế là hơn một năm sau, đứa con gái thứ hai xinh đẹp, kháu khỉnh, khoẻ mạnh của tôi với người phụ xe ấy lại ra đời khiến tôi mừng vui khôn tả.

Nhưng người ta không thể chỉ ngồi đấy ôm con mà hạnh phúc. Cuộc sống thường nhật với bao khó khăn vẫn là một thực tế mà tôi không thể trốn tránh. Tôi không dám đòi hỏi gì nhiều ở cha của đứa bé. Vì chính tôi đang có tội với vợ con anh ấy. Tôi biết anh ấy không phải là con người bội bạc, nhưng hoàn cành không cho phép nên bẵng đi 2 năm, anh ấy không quay lại với mẹ con tôi. Tôi sợ con lớn lên hỏi bố là ai thì biết nói với con thế nào? Thế là tôi lại đi tìm anh ấy. Gặp được anh, tôi chờ đón một lời giải thích thì chỉ nhận được lời xin lỗi của anh. Từ đấy, tôi nguyện nuôi con một mình mà không làm phiền anh nữa. Rất may, trong gia đình, mẹ là người thương tôi nhất. Mẹ động viên, an ủi, chăm sóc cho 2 mẹ con tôi. Con gái tôi ngoan ngoãn, học khá, nhờ vậy vết thương lòng tôi dịu lại.

Giá như ngày ấy tôi nghe lời mẹ!

Từ những năm 1996, 1997, Hòa Bình bắt đầu trở thành điểm nóng về ma túy, phường Đồng Tiến nơi tôi ở lại càng phức tạp. Oái oăm thay, ma túy, cái thứ mà lúc đầu tôi sợ nhất, căm ghét nhất thì dần dần đã màng đến tôi. Tôi đến với ma túy không phải bằng chích hút mà là tiền, kiếm tiền một cách nhẹ nhàng và phi pháp. Ngày đầu tôi cầm tiền đi mua hộ người ta lấy chút đỉnh bồi dưỡng. Sau thấy dễ kiếm, tôi đã mua ma túy về bán lẻ cho người nghiện lấy lãi, lãi rất cao. Chính thế, đồng tiền đã làm tôi mờ mắt, biến cái sợ thành không sợ. Và tôi bước vào con đường phạm tội.

 Ảnh minh hoạ

 

Cho mãi tới sau này, tôi mới thật sự hiểu, những đồng tiền bất chính đó sẵn sàng cướp cả mạng sống của mình. Nhưng đáng trách là tôi đã không dừng lại. Tôi nhớ có đêm, muộn lắm tôi mới về. Vào đến giường, tôi thấy mẹ vẫn thức ngồi đợi tôi với hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Mẹ bảo: "Mẹ rất thương con, hiểu lòng con và không muốn con phải trả giá cho những việc làm của mình. Mẹ già rồi, mẹ không đủ sức để nuôi cháu thay cho con đâu. Nghe mẹ đi con, dừng lại đi con!".

Bây giờ, khi đã nằm trong trại giam, những lời chỉ bảo gan ruột của mẹ luôn luôn văng vẳng bên tai tôi. Giá như ngày ấy, tôi nghe lời mẹ thì đâu đến nỗi này. Những việc làm ấy của tôi, cả xã hội lên án, nguyền rủa. Góp ý với tôi không có kết quả, bạn bè cũng xa lánh tôi. Đồng tiền đã làm con người tôi đảo điên và bất chấp tất cả. Rồi cái gì phải đến đã đến. Ngày 01/3/2006, tôi bị bắt khi đang mua bán trái phép chất ma túy.

Vào trại tạm giam, lòng dạ tôi rối bời, buồn chán và tuyệt vọng làm tôi chỉ biết khóc. Lúc này hình ảnh mẹ và đứa con gái cứ hiện lên trước mắt tôi, tôi cố quên đi mà không sao quên được. Đang ở bên ngoài, tự do, thỏa thuê với trời xanh, nắng vàng và gió mát, nay vào buồng tạm giam tối lắm. Chỉ khi cán bộ mở cửa đưa cơm mới được tranh thủ ngó đầu ra nhìn trời. Ôi! Giá như tôi biết nghe lời mẹ thì giờ đây tôi đang thỏa sức tự do.

Tại sao khi mất tự do rồi, con người ta mới thấy tự do quý giá nhường nào. Trong suốt thời gian bị tạm giam, tôi ở chung với hai chị người Bắc Giang. Khác với tôi, lần đầu cán bộ đưa hai chị này vào, tôi thấy cán bộ cầm theo cái hai cái vòng sắt. Tôi vô cùng ngạc nhiên và hoảng sợ khi hai chị ấy bị khóa chân bằng cái vòng sắt ấy vào nền xi măng. Sau tôi mới biết, hai chị ấy đi xử sơ thẩm về, với mức án tử hình do buôn bán một lượng lớn ma túy nên phải cùm. Từ đó, tôi thấy mình còn may mắn hơn hai người kia, còn không phải cùm, và nghĩa là mình còn được sống.

Ngày ra Tòa đã đến. Tôi dậy thật sớm và chuẩn bị tinh thần đứng trước vành móng ngựa. Từ xe thùng bước xuống sân tòa án, tôi thấy hầu hết những người trong gia đình có mặt. Duy chỉ bóng dáng mẹ là thiếu vắng. Tôi biết, mẹ vẫn giận tôi. Thương và nhớ mẹ da diết, nhưng giả sử nếu mẹ có đến hôm ấy, thì chưa chắc tôi đã có đủ can đảm đứng trước vành móng ngựa vì tôi đã hắt bỏ niềm tin yêu của me dành cho tôi. Chắc chắn mẹ tôi đã rất yếu vì suy nghĩ và buồn phiền bởi đứa con gái không nghe lời mẹ nên đến nông nỗi này. Tòa tuyên án phạt 7 năm tù giam, đó là cái giá mà tôi phải trả. 7 năm, một thời gian đằng đẵng biết khi nào mới hết. Càng nghĩ, tôi càng lạnh sống lưng.

Mẹ ơi! Con đã tìm lại được chính mình

Về lại Trại Tạm giam, đêm nằm mà tôi không sao ngủ được. Tôi tự cật vấn, tại sao mình lại làm khổ bản thân và gia đình thế này? Tự hỏi rồi tự trả lời. Tất cả là tự tôi gây ra và không ai khác, giờ đây tự tôi phải đối mặt với thực tại, phải tích cực cải tạo để chuộc tội lỗi mình gây ra. Hai tháng sau, tôi được chuyển lên phân trại đi lao động. Những ngày đầu, tôi được học nội quy, quy chế của Trại. Tôi trăn trở với công việc sắp tới. Tôi vốn là một người lao động chân tay không thiếu việc gì, không ngại khó khăn, gian khổ. Nhưng đã một thời gian dài, đồng tiền tội lỗi đã biến tôi thành con người lười biếng, lì lợm. Giờ đây, năm tháng lao động, cải tạo dài đằng đẵng thế này liệu tôi có đủ sức vượt qua?

Những ngày đầu ra lao động là những ngày cuốc đất chuẩn bị cho một mùa rau mới. Trời ơi! Đất sao mà rắn thế hả trời? Tay tôi phồng rộp và rát bỏng. Thông cảm với cảnh mới ra lao đông của tôi, các chị cùng tổ đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Hàng ngày, các chị lấy lá nhọ nồi giã lấy nước cho tôi ngâm tay cho nhanh mọc da non. Rồi những thửa đất tươi, mịn lên luống; những hạt nhỏ li ti được gieo xuống. Thế rồi chẳng bao lâu, hạt đội đất nảy mầm, những vạt xanh mờ đậm dần và kín đất.

Nhìn thấy thành quả công sức của mình, tôi thấy quý giá lao động biết bao. Niềm vui đã hoài thai trong tôi còn nỗi buồn cũng dần dần hoang hóa... chẳng cần nhiều thời gian, chính lao động đã trả lại cho tôi những giá trị làm người. Tôi không những quen dần với công việc mà bất cứ việc gì cán bộ giao cho tôi cũng hoàn thành thật tốt. Hàng tháng bình xét thi đua, tôi đều đạt tiêu chuẩn "Phạm nhân cải tao tích cực". Mỗi khi có các nhà báo về công tác, tôi đều được cán bộ giới thiệu, được bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình. Đó là điều tôi tự hào và vui sướng vì tôi đã không làm uổng công lao của cán bộ quản giáo đã ân cần, chỉ bảo, giúp tôi có niềm tin vào cuộc sống, vào chân lý và lẽ phải.

Năm 2007, một bị can nữ người Hải Phòng bụng chửa vượt mặt bị bắt vào Trại vì tội vận chuyển hơn 40 bánh heroin. Mọi người chỉ nghĩ chị ta lợi dụng cái bụng mang thai của mình để buôn bán vận chuyển ma túy chứ không thể ngờ đến ngày đẻ rồi mà chị ta vẫn lao đi buôn cái chết trắng ấy. Vào trại chưa được một tuần thì chị ấy trở dạ. Cũng là đàn bà đã từng sinh nở, tôi không thể quên được hai hàng nước mắt của con người ấy khi đón nhận túi tã lót và quần áo sơ sinh từ tay người quản giáo.

Những người quản giáo ấy, họ còn trẻ lắm, họ chưa có gia đình, chưa có con. Tã lót, quần áo sơ sinh ấy, họ đi xin vội của những người đang nuôi con nhỏ cho một sinh linh sắp chào đời. Rồi chúng tôi, những phạm nhân được đón chào, được chăm lo cho cháu bé ấy. Không ai bảo ai, nhưng tôi tin chắc rằng, ngay cả mẹ đứa bé - kẻ tội phạm đáng án tử hình ấy cũng ân hận và cay đắng khi nhận ra rằng: Thiên thần bé nhỏ này nào có tội tình gì mà phải sinh ra ở trong tù? Chính người mẹ của bé đã rắp tâm làm như vậy. Mai này lớn lên, trong giấy khai sinh của bé ghi: Nơi sinh là Trại Tạm giam Hòa Bình thì nó nghĩ sao?

Không biết do quá ân hận vì tham ác nên để con sinh ra trong tù, hay vì quá sợ bản án phải đối diện mà người mẹ ấy hoang mang, lo sợ nhiều khi quên cả cho con bú. Trước thực tế này, chính cán bộ quản giáo đã động viên sản phụ yên tâm nuôi con và động viên chúng tôi chăm sóc, giúp đỡ hai mẹ con chị ấy. Những âm mưu đen tối của tội phạm đối diện với nghĩa cử đầy tình người của cán bộ quản giáo mà ở giữa là một sinh linh bé nhỏ đẹp như thiên thần đã như một sức mạnh nguyên tử công phá những cái đầu đen tối của chúng tôi. Sự ân hận trong chúng tôi sâu đậm bao nhiêu thì niềm tin hướng thiện của chúng tôi lại nhân lên bấy nhiêu.

Chính mẹ đứa bé đã nói trong nước mắt với tôi rằng: "Khi nào hết án, nhờ Quang đến Trại đón đứa bé về nuôi, vì chị không muốn nó phải lớn lên trong nhà tù, mà gia đình chị thì không có ai nuôi cháu được". Sau đó người đàn bà ấy chuyển đi trại giam khác, trước khi nhập trại mới, chị ấy còn gửi lời người cán bộ dẫn giải mình về cám ơn Ban Giám thị, cán bộ quản giáo Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình và nhắn với tôi là chị ấy chờ tôi đến đón con chị ấy.

 Ảnh minh hoạ

Kỷ niệm trong những ngày thụ án của tôi thì nhiều lắm. Thời gian cứ thế trôi qua. Nhưng càng nghĩ tôi càng thấy lương tâm mình không thể tha thứ cho tội lỗi mình đã gây ra. Tuy không mang tội giết người, nhưng biết bao gia đình, cha mẹ đã phải mất đi những đứa con vì cái chất ma túy mà chúng tôi gieo rắc. Thật dã man khi những đứa trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ bởi bố mẹ chúng làm bạn với cái chết trắng. Chính trong bóng tối của nhà giam, tôi tìm ra ánh sáng. Ánh sáng ấy chính là chân lý và lẽ phải. Và từ đây, tôi mới mong tìm lại phần nào sự thanh thản tâm hồn mình. Niềm tin hướng thiện ấy giúp tôi rất nhiều trong lao động, cải tạo. Từ đó, tôi đã được xét giảm án trong kỳ ân xá gần đây.

Mẹ ơi! Xin mẹ hãy chờ con về mẹ nhé!

Những ngày này, khi mà thời gian thi hành án của con sắp hết, thì lại chính là những ngày con nhớ thương mẹ nhiều nhất. Ước gì con được tự do và có đôi cánh để bay ngay về với mẹ, vì con biết mẹ đã yếu lắm rồi. Con ước ao những ngày tháng cuối của cuộc đời mẹ sẽ có con ở bên cạnh. Con nhớ lắm cái ngày con bị ốm nặng phải ra Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị. Nằm trên giường bệnh, con không tin ở tai mình khi nghe tiếng mẹ đang hỏi thăm con ngoài hành lang. Con bật dậy gọi "Mẹ ơi! Con đang ở đây". Mẹ chạy vào ghì chặt con vào lòng vừa khóc vừa nói: "Mẹ thương con lắm, Quang ơi! Không biết mẹ có sống được để chờ ngày con về hay không? Con cố gắng chữa bệnh cho mau khỏi rồi vào cải tạo nốt để vế với me, con nhé!".

Dạo này, nhiều đêm con giật mình tỉnh dậy bởi giấc mơ hãi hùng là mẹ không chờ con nữa. Ngực con nghẹn lại. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng cứ thế trào ra. Thương mẹ mà con cắn răng không cho tiếng khóc bật thành lời vì sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của các bạn tù. Khi định thần, con mừng luýnh quýnh vì đó chỉ là giấc mơ, giấc mơ thôi mẹ nhỉ!

Mẹ ơi! Bản án của pháp luật là cái giá phải trả của con và tất cả những kẻ phạm tội, điều ấy thì ai cũng rõ. Nhưng cái bản án của lương tâm mới là cái giá đắt đỏ khủng khiếp của những người tù. Những đứa con bé bỏng mình không được nâng niu, ôm ấp; Bố mẹ già mình không được phụng dưỡng sớm khuya. Con gái thân yêu đi lấy chồng mình không được đón nhận cơi trầu của nhà trai. Đứa cháu ngoại đầu tiên ra đời mình không được đón nó từ bệnh viện về... Đó chính là nghĩa vụ tối thiểu nhưng đầy hạnh phúc của một con người mà tự mình tước đoạt. Điều này con thấm thìa lắm! Con muốn mở lòng mình xin mẹ tha thứ cho con. Con lại muốn qua đây để mang đến mọi người một thông điệp: "Hãy nâng niu, gìn giữ tự do. Đừng để khi mất tự do mới cay đắng nuối tiếc hạnh phúc thường ngày".

Sinh ra, lớn lên rồi phạm tội ở Hòa Bình và thi hành án ở Trại Tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình. Mà ở Hòa Bình không ai là không biết câu: "Bên kia nghĩa địa, bên này Trại giam". Chính thế, con đã chứng kiến những trường hợp phạm nhân nằm trong nhà giam mà nghe tiếng kèn, tiếng trống réo rắt trong đám ma của chính bố, mẹ mình chứ nào đâu có được đưa tiễn. Hỏi có hình phạt nào nặng hơn thế, đau hơn thế, mẹ ơi!

Cúi đầu lạy Trời, lạy Phật, hãy cho con có cơ hội để được báo hiếu mẹ, dù chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi để mẹ thanh thản trước lúc ra đi. Và cũng là để chính con tìm lại chút thanh thản trong những tháng năm còn lại của cuộc đời. Con quyết tâm cải tạo thật tốt để được giảm án dịp 2/9/2012 là con được về bên mẹ. Mẹ vô vàn yêu quý của con ơi! Xin mẹ hãy đợi con về mẹ nhé!

Ghi theo lời của phạm nhân Nguyễn Thị Quang (Trại Tạm giam Công an Hòa Bình)