Mẹ tung, con hứng “kiếm” cả tỷ đồng

ANTĐ - Không nghề ngỗng gì, song với vẻ ngoài đạo mạo, Nguyễn Xuân Chính tự nhận là cán bộ Ban chỉ đạo quy hoạch đầu tư xây dựng vùng Thủ đô nên có khả năng “phù phép” về đất đai. Bằng thủ đoạn này, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người.

Nguyễn Xuân Chính tại phiên tòa

Quyết định… “quái thai”  

TAND TP Hà Nội vừa tiến hành phiên xét xử đối với Nguyễn Xuân Chính (SN 1981, trú ở số 265 phố Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS. Bị hại là những người có “máu mặt” trong giới kinh doanh bất động sản và cả nhân viên một phòng công chứng.

Tài liệu truy tố thể hiện, đầu tháng 7-2011, qua người giới thiệu, anh Nguyễn Văn Cường (trú ở quận Hai Bà Trưng) tìm gặp Nguyễn Xuân Chính để nhờ đối tượng này chuyển đổi giúp hơn 52.000m2 đất nông nghiệp tại huyện Gia Lâm sang đất trồng cây ăn quả với thời hạn 50 năm. Ngay khi gặp anh Cường, Chính đã tự nhận là Ủy viên dự khuyết Ban chỉ đạo quy hoạch đầu tư xây dựng vùng Thủ đô. Chính “tiếp thị”, với vị trí và quan hệ hiện có, đối tượng có thể giúp anh Cường thỏa mãn nhu cầu. Đổi lại, anh Cường phải bỏ ra khoản chi phí lên đến 8 tỷ đồng.

Tin tưởng Chính, anh Cường giao cho đối tượng bộ hồ sơ và 260 triệu đồng “đặt cọc”. Chỉ chưa đầy một tháng sau, Chính thông báo và giao cho anh Cường quyết định của UBND TP Hà Nội (bản photo copy) về việc chấp thuận cho chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp trên sang đất xây dựng trụ sở làm việc, chung cư, nhà chia lô và xưởng sản xuất… Nhưng oái ăm thay, quyết định ấy lại ghi sai vị trí dự án từ huyện Gia Lâm sang quận Long Biên. Anh Cường thắc mắc thì Chính lấp liếm rằng lỗi do đánh máy và ngay sau đó đối tượng đã “đính chính” lại bằng một quyết định giao đất khác.

Do không có đủ 8 tỷ đồng nên anh Cường buộc phải kêu gọi thêm đối tác. Từ đây, “chiêu” làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của Chính bị bóc mẽ, khi anh Cường và bạn xác minh nguồn gốc văn bản giao đất. Theo đó, Chính lên mạng “sưu tầm” một số quyết định của UBND TP Hà Nội, dùng phương pháp Scan để tạo thành một quyết định giao đất như thật, rồi photo copy thành nhiều bản giao cho “khổ chủ”. Ngày 

7-11-2011, khi Chính nhận thêm của anh Cường 300 triệu đồng nữa thì bị công an bắt quả tang. 

Bỏ lọt tội phạm?

Không chỉ lừa anh Cường, Chính còn lừa bán hàng nghìn mét vuông đất khác cho một nhà đầu tư để chiếm đoạt 6 tỷ đồng. Cụ thể Chính mua của một số người hơn 7.500 m2 đất nông nghiệp tại quận Hoàng Mai, nhưng lại dùng mẹ vợ là bà Phạm Thị Ngọc đứng tên trong hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi việc mua bán ấy còn chưa xong thì đối tượng đã “ban hành” quyết định giao đất của UBND TP Hà Nội cho mẹ vợ Chính cũng với thủ đoạn Scan trên máy vi tính. Chưa hết, Chính còn “chế” luôn cả “sổ đỏ” mang tên bà Phạm Thị Ngọc và thể hiện mục đích sử dụng hơn 7.500 m2 đất tại quận Hoàng Mai để xây dựng nhà ở, rồi rao bán qua kênh môi giới.

Cuối tháng 10-2010, thông qua một người quen biết, chị Nguyễn Thị Mai Hương (trú tại phố Lê Quý Đôn, quận Hai Bà Trưng) đã đồng ý mua 5 lô đất trong sơ đồ, “sổ đỏ” mang tên mẹ vợ Chính với giá gần 7,3 tỷ đồng. Tham gia góp vốn trong vụ mua bán đất này còn có chị Tạ Thị Hồng Vân (nhân viên một phòng công chứng tại quận Hai Bà Trưng) và chị Lâm Minh Ngọc, trú ở phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Trong quá trình chờ Chính làm thủ tục chia tách, sang tên “sổ đỏ”, chị Hương đã thay mặt những người mua đất giao cho đối tượng 6 tỷ đồng. Phải đến khi quá thời hạn bàn giao đất và “sổ đỏ”, chị Hương cùng những người góp vốn mới cay đắng nhận ra giấy tờ nhà đất mang tên bà Phạm Thị Ngọc chỉ là những tờ giấy lộn. Tính đến thời điểm phiên tòa được mở, Chính còn chiếm đoạt của các nhà đầu tư này 1 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, chị Hương cho rằng trong việc mua bán này, bà Phạm Thị Ngọc giữ một vai trò rất quan trọng, bởi người phụ nữ này biết rõ con rể làm giả giấy tờ nhà đất để lừa đảo nhưng vẫn nhiệt tình hưởng ứng. Bằng chứng là trước khi ký kết hợp đồng, chị Hương đã tìm đến nhà bà Ngọc xác minh thì được bà này xác nhận đó chính là tài sản của Chính nhờ bà đứng tên giúp. Trong quá trình mua bán đất, cả bà Ngọc và bố vợ Chính đều cùng ký tên vào mục người bán. Ngoài ra theo lời khai của chị Hương, phần lớn số tiền chuyển cho vị cán bộ Ban chỉ đạo quy hoạch đầu tư xây dựng vùng Thủ đô “rởm” đều được Chính yêu cầu chuyển trả thông qua một người thân khác của đối tượng... Sau hơn 1 ngày xét xử, tòa cho rằng cần phải làm rõ vai trò, mức độ tham gia của bà Phạm Thị Ngọc, đồng thời cần phải tiến hành đối chất giữa những người liên quan trong vụ án nên đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trước đó, cáo trạng xác định đối với hành vi làm giả quyết định giao đất và “sổ đỏ” của Nguyễn Xuân Chính chưa thỏa mãn tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” nên VKSND TP Hà Nội không đề cập xử lý về tội danh này.