Mẹ nhất quyết chia tay, vì bố chỉ là 'công chức quèn'

ANTĐ - Mẹ mình là người phụ nữ ích kỷ, mẹ cậy mẹ kiếm được nhiều tiền hơn bố, nên coi thường và chia tay bố. Mẹ nghĩ mình chỉ cần ăn, mặc, nên cho mình đầy đủ, nhưng mẹ lại quên rằng mình cần có bố

Có hàng chục lý do khác nhau để chị em phụ nữ trở thành "người mẹ nuôi con một mình như góa bụa, ly hôn, ly thân và cả chủ động có con khi không kết hôn. Có đúng là khi người phụ nữ có điều kiện kinh tế để lo cho con có một cuộc sống đầy đủ, họ không cần người đàn ông hay họ cũng có những khó khăn mà không thừa nhận, dù trong lòng biết rằng, "Chòng chành như nón không quai...".

Tôi có một khách hàng nữ, mỗi khi có chuyện vui buồn của gia đình hay trong cuộc sống riêng tư đều gọi điện trao đổi với nhau, lâu dần thành như người nhà. Năm 2009, cô quyết định chia tay người chồng mà theo cô là "dở ông dở thằng", dù trước đó cô cũng đã xin ý kiến của các nhà tư vấn. Cô sợ tôi là đàn ông, nên trong khi tư vấn dễ có chuyện bênh người cùng giới, nên cô đã nói chuyện với hầu hết các chuyên viên tư vấn của chúng tôi, nam có, nữ có, trẻ có, già có.

Tất nhiên, chúng tôi không ai xui cô bỏ chồng, cũng không cố gắng bảo cô "nghiến răng mà chịu" chỉ phân tích cho cô thấy rằng không có con người nào hoàn hảo, không có cuộc hôn nhân nào thực sự được coi là mĩ mãn, chỉ có những người biết "gạn đục khơi trong", nhìn nhận mọi vấn đề theo hướng tích cực, biết chấp nhận nhau thì cuộc hôn nhân mới có thể bền vững. Vậy mà cuối cùng cô quyết định theo ý của mình là "thà ở một mình, tập trung làm ăn, kiếm tiền nuôi cho con ăn học tử tế, bù đắp cho con sự thiếu hụt khi không có cha, còn hơn phải chung sống trọn đời với người đàn ông không có ý chí phấn đấu, chấp nhận làm anh công chức quèn".

 

Bẵng đi một thời gian dài không liên lạc với nhau, tôi đinh ninh rằng cô đã tái hôn với một đại gia nào đó hay một người chồng xứng đáng là người chồng". Vậy mà cuối tháng 5 vừa rồi, cô lại gọi điện cho tôi, đòi gặp để "em muốn tâm sự với bác về chuyện cũ của em". Hóa ra cô vẫn một mình nuôi con, nhưng giờ đây cô còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới trong cuộc sống.

"Giá ngày ấy em không hiếu thắng, em biết nghe lời "bác", kiên nhẫn hơn, không cầu toàn, không quá khích, thì em không phải ân hận như lúc này. Giá được làm lại từ đầu, em sẽ không ly hôn. Em quá chủ quan khi cho rằng cứ có đủ điều kiện kinh tế thì phụ nữ không cần ai nữa và người mẹ có thể bù đắp cho con tất cả khi nó thiếu vắng người cha. Bây giờ em hiểu nuôi đứa con không chỉ cần có ăn". Cô hẹn gặp tôi cũng chỉ để dốc bầu tâm sự và cuộc trò chuyện về cuộc sống của mẹ con cô sau ly hôn đã được cô khơi mào như thế.

Phụ nữ bao giờ cũng thế, làm điều gì cũng suy tính hơn thiệt không phải cho mình, mà trước tiên là cho con. Tôi đoán rằng cô gặp chuyện không vui trong việc chăm dạy con, nên chủ động hỏi thẳng. Tự nhiên cô ứa nước mắt, mở túi da đem theo bên mình, lấy khăn giấy chấm nước mắt. Bình tĩnh lại một chút, cô nói:

- Em xin lỗi anh, em buồn quá, nên không cầm được nước mắt. Con gái em năm nay 14 tuổi rồi, nhưng em cảm thấy nó không còn là con của mình nữa. Hồi mới ly hôn, em dồn hết tình thương yêu cho nó, chiều chuộng nó đủ thứ, chẳng tiếc tiền mua sắm, bù đắp cho nó. Vậy mà em phát hiện nó viết nhật ký, nó viết rằng mẹ mình là người phụ nữ ích kỷ, mẹ cậy mẹ kiếm được nhiều tiền hơn bố, nên coi thường và chia tay bố. Mẹ nghĩ mình chỉ cần ăn, mặc, nên cho mình đầy đủ, nhưng mẹ lại quên rằng mình cần có bố. Ngày trước, mỗi khi mẹ la mắng mình đủ điều, mình tức tưởi khóc thì bố xuất hiện như một vị cứu tinh. Bố không nói nhiều, những bố nghiêm khắc và đúng mực. Bố là "pháp luật", nhưng khoan dung. Còn bây giờ mình trở thành "cái thùng nước gạo" để mẹ trút vào đấy tất cả những nỗi bực dọc mà mẹ mang từ đâu về, mình chịu trận mà chẳng có "pháp luật bố" để giải quyết".

Hôm nó bị tai nạn giao thông, tuy nằm trên giường bệnh viện với những vết thương ở chân, ở trán, vậy mà nó dặn em: "Mẹ không được gọi điện cho bố báo con bị tai nạn. Con không muốn con trở thành gánh nặng mà bố phải mang. Tại sao lúc vui vẻ, khỏe mạnh thì không sao, cứ thấy con ốm đau, mẹ lại gọi cho bố, cứ như để "bắt vạ" bố vậy? Để khi nào con khỏe, con sẽ gọi điện báo cho bố biết chuyện, còn bây giờ thì không". Thấy con bé mới ít tuổi mà đã có suy nghĩ già dặn như người lớn, tôi động viên mẹ nó: "Thế là con em trưởng thành rồi đấy, nó có lý của nó đấy chứ". Cô gượng cười: "Vâng, em biết, nhưng nó càng lớn, càng trưởng thành, càng độc lập, em lại thấy buồn bởi biết rằng sẽ có lúc nó rời khỏi tay em. Em không thay thế được bố nó... Con bé vẫn thương bố, bênh bố chằm chặp, nó vẫn bí mật liên lạc, trò chuyện với bố. Nó viết lời nhắn cho bố nó rằng: "Mẹ bỏ bố, nhưng con vẫn cần bố, dù chúng ta không còn ở một nhà".

Tôi và cô vẫn đang sa đà vào câu chuyện của "con bé", thì chuông điện thoại của cô reo. Cô nhìn số điện thoại hiện lên, rồi bấm phím tắt. Tôi hỏi: "sao em không nghe máy đi", cô cười nhạt, nói: "em chán hết cả rồi". Tự nhiên, sau cuộc điện thoại bị từ chối ấy, câu chuyện của chúng tôi lại chuyển hướng. Cô tâm sự rằng, từ khi cô ly hôn, cô trở thành "miếng mồi" của những người đàn ông không nghiêm túc quấy rối, gạ gẫm, tán tỉnh. Họ nghĩ rằng cô sống một mình, chắc chắn sẽ khát khao tình cảm đàn ông, mà không có bất cứ sự ràng buộc nào, nên rất "ngon ăn".

Cánh đàn ông có vợ rồi thì mon men làm quen, rồi giả vờ nhân nghĩa, cảm thông, thương xót... Có những anh bẻm mép, đưa ra lý luận rằng, "việc gì em phải khổ, hôn nhân không phải là cứu cánh, không phải là điều duy nhất mang lại hạnh phúc cho con người. Em hãy cứ sống thật với lòng mình, ai thương em, chia sẻ với em được đến đâu, em hãy mở lòng đón nhận, đừng nghĩ rằng cứ phải tiến đến hôn nhân mới là yêu thương thật lòng". Nói quanh quẩn, cuối cùng anh ta rủ cô đi công tác cùng anh trong miền Nam cho khuây khỏa.

Cả những thanh niên chưa vợ cũng đến với cô. Họ nhanh chóng chuyển xưng họ từ chị em sang nói trống không, rồi có anh bạo mồm nhắc cô: "khi nào có chuyện gì, cứ nhắn tin cho anh nhé". Gần đây có một cậu thanh niên kém cô chục tuổi, quen biết vài hôm anh ta đã khoe thành tích "tiêu diệt máy bay bà già" của mình, có ý gạ gẫm rằng "nếu chị cần tình, em sẽ cho không". Khi người phụ nữ đơn thân, có từ chối những kiểu gạ gẫm, tán tỉnh nhăng cuội, đàn ông không tin rằng mình không thích, họ chỉ nghĩ mình "giả vờ chảnh", có anh khi bị từ chối, đã nói thẳng "thích bỏ mẹ lên rồi còn sĩ diện" khiến cô tức trào nước mắt.

Trong cơn mưa đầu mùa vừa qua, nhà cô bị mất điện, cô gọi bác hàng xóm sang nhờ nối giúp cái đoạn dây điện bị đứt. Bác vừa sang, cô đã nghe thấy tiếng bác gái nói đổng từ nhà bên vọng sang "Đêm hôm mưa gió, tắt điện lại gọi chồng người ta sang làm gì”. Kể đến đoạn này, cô nghẹn ứ vì xúc động, rồi nói: "Phụ nữ sống một mình không dễ anh ạ, lúc nào cũng có người nghĩ xấu về mình".

Nghe cô trải lòng về cuộc sống không dễ dàng của những phụ nữ nuôi con một mình, tôi muốn động viên cô mấy câu, nên nói:

- Anh biết em là người phụ nữ đàng hoàng, có lòng tự trọng, nhưng không phải không có những phụ nữ khó giữ lập trường vững vàng khi sống trong cảnh nuôi con một mình. Có người tặc lưỡi nghĩ rằng mình chẳng có gì để mất, ai thương đến đâu đáp lại đến đó. Cũng có người do yếu đuối, rơi vào cảnh "trăm mối tối nằm không" hay biết rằng không phải, nhưng vẫn chấp nhận cặp bồ với người đàn ông đã có vợ, khiến cho cuộc sống càng trở nên bế tắc hơn.

Tôi vừa dứt lời, cô nói luôn: "Đúng bác là chuyên gia tư vấn tâm lý thật, đoán được tình trạng của khách hàng qua nét mặt! Em không cứng rắn như anh nghĩ đâu. Em muốn xin ý kiến anh về chuyện của em đấy. Em gặp anh ấy và nảy sinh tình cảm, dù anh ấy hơn em nhiều tuổi, nhưng lại là người đàn ông thành đạt, hào hoa, đúng mẫu người đàn ông mà em ngưỡng mộ. Anh ấy hiểu em, thương em, hỗ trợ em rất nhiều về kinh tế và tình cảm. Chỉ tiếc rằng anh ấy đã có vợ".

Tiếng chuông điện thoại của cô lại reo, lần này thì cô nghe mấy ngay, nói nhỏ nhẹ, nhưng rất tình cảm. Xong, cô quay sang xin lỗi tôi để khi khác tư vấn tiếp, còn lúc này người đàn ông có vợ, người "bạn trai" của cô đã gọi điện nhắc cô đến chỗ hẹn.

Cô chào tôi rồi vội vã lao ra khỏi quán theo "tiếng gọi của tình yêu". Quả thực, làm người phụ nữ đơn thân, người mẹ nuôi con một mình thật không dễ!