Máy bay ném bom chiến lược T-22M3 Nga bất ngờ điều sang Belarus để làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Máy bay ném bom chiến lược T-22M3 Nga bất ngờ được điều sang tuần tra trong không phận Belarus nhằm ủng hộ đồng minh, trong bối cảnh nước này đang có mâu thuẫn nghiêm trọng với Liên minh châu Âu (EU) vì vấn đề người di cư.

Hai máy bay ném bom Tupolev Tu-22M3 Nga vừa cử sang Belarus có thể được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, bao gồm loại tên lửa siêu thanh được thiết kế để tránh hệ thống phòng không tinh vi của phương Tây.

Động thái của Moscow xảy ra khi liên minh 27 quốc gia châu Âu cân nhắc trừng phạt Minsk vì vấn đề mà họ gọi là cuộc khủng hoảng nhân tạo, trong khi Belarus phủ nhận.

Ước tính có tới 3.000 đến 4.000 người di cư tập trung gần biên giới Belarus - Ba Lan và hơn 10.000 người đang ở nhiều khu vực của Belarus để chuẩn bị vượt biên. Dù bị đẩy lùi bằng hơi cay, người di cư mắc kẹt ở Belarus cố tìm đường sang Ba Lan trong đêm.

Một người di cư kể với Daily Mail rằng những người lính Belarus nổ súng đe dọa phụ nữ và trẻ em. Họ khá sợ hãi, tìm cách tránh và tiến về phía Anh với hy vọng được an toàn. Trong khi đó, một người đàn ông đến từ Syria cho biết ông bị lính biên phòng Belarus đánh gãy mũi, mắt bầm tím, xuất huyết.

Chính quyền Ba Lan tăng cường lực lượng biên phòng. Nước này đóng cửa biên giới và điều 12.000 quân đến tới bảo vệ 416 km đường biên với Belarus do lo ngại tình trạng di cư ồ ạt đe dọa sự ổn định và an ninh của toàn EU. Quan chức phụ trách nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các nước liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng, tránh làm tình hình thêm nghiêm trọng.

Máy bay ném bom chiến lược T-22M3 Nga với uy lực khủng khiếp

Máy bay ném bom chiến lược T-22M3 Nga với uy lực khủng khiếp

Máy bay ném bom Tu-22M3 đi vào hoạt động từ năm 1983, trong khi phiên bản hiện đại hóa Tu-22M3M ra mắt năm 2018. Mẫu oanh tạc cơ này chức năng chủ yếu là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay đối phương, khiến nó có biệt danh "sát thủ diệt tàu sân bay".

Vũ khí chính của Tu-22M3 là ba tên lửa diệt hạm hạng nặng Kh-22 với tầm bắn 600 km hoặc 10 tên lửa đạn đạo chống hạm Kh-15 có khả năng đánh trúng mục tiêu từ cách 300 km, trong khi biến thể Tu-22M3M còn có thể mang 4 tên lửa hành trình siêu vượt âm Kh-47M2 "Kinzhal".

Sự xuất hiện của Tu-22M3 và Tu-22M3M từng khiến hải quân Mỹ cảm thấy bất an, do chúng mang theo những tên lửa diệt hạm tầm xa với kích thước lớn, trong khi Washington không sở hữu vũ khí nào có tính năng kỹ chiến thuật tương đương.