Máy bay NATO chở 100 người Mỹ bị buộc hạ cánh xuống Iran nhiều giờ

ANTĐ - Ngày 5-9, một chiếc máy bay chở khoảng 100 người, trong đó có nhiều người Mỹ, đã hạ cánh an toàn xuống thủ đô Dubai của các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, sau khi bị buộc hạ cánh trong nhiều giờ đồng hồ ở miền nam Iran.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chiếc máy bay do lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO tại Afghanistan thuê của hãng Fly Dubai và đang trên đường bay từ căn cứ không quân Mỹ ở Bagram, ngoại ô thủ đô Kabul của Afghanistan, đến Dubai, nhưng đã bị buộc phải hạ cánh ở Iran trong nhiều giờ.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Marie Harf cho biết, chiếc máy bay đã hạ cánh xuống Dubai, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng các máy bay chiến đấu của Iran đã được triển khai lên để áp tải và miêu tả vấn đề này là do sự cố liên quan đến kế hoạch bay.

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của tất cả các bên nhằm giúp hành khách đến đích một cách an toàn”, bà Marie Harf cho biết trong một tuyên bố.

Máy bay NATO chở 100 người Mỹ bị buộc hạ cánh xuống Iran nhiều giờ ảnh 1
Máy bay NATO chở 100 người Mỹ bị buộc hạ cánh xuống Iran nhiều giờ 


Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ và khu vực cho biết, phi công đã hạ cánh xuống thành phố Bandar Abbas của Iran sau khi được cảnh báo rằng máy bay sẽ bị chặn lại nếu không hạ cánh.

Một quan chức khu vực cho rằng sự cố phát sinh khi chiếc máy bay cất cánh từ sân bay Bagram chậm hơn so với thời gian dự kiến cất cánh nhiều giờ, và các nhân viên kiểm soát không lưu Iran không được thông báo kế hoạch bay "mới" khi nó tiến vào không phận Iran.

Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng, Iran đã yêu cầu máy bay trở lại Afghanistan, nhưng phi công trả lời rằng máy bay không đủ nhiên liệu để bay trở lại. Sau đó, Iran đã yêu cầu máy bay phải hạ cánh. Sau khi làm các thủ tục liên quan, máy bay đã được phép rời khỏi Iran lên đường sang Dubai.

Washington và Tehran không có quan hệ ngoại giao trong 3 thập kỷ qua kể từ khi xảy ra vụ đánh chiếm Đại sứ quan Mỹ tại Iran vào năm 1979 và sau đó là cuộc khủng hoảng con tin kéo dài suốt 444 ngày.