Mây báo bão trên bầu trời kinh tế Trung Quốc

ANTĐ - Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc 2012 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tương lai của Trung Quốc và rằng "định hướng và chính sách trong công cuộc cải cách của Trung Quốc, cũng như việc mở cửa ra thế giới bên ngoài không thay đổi. " Tuy nhiên, Les Echos – một tờ báo Pháp lại nhận xét: “Không có ngày nào không có mây đen trên bầu trời kinh tế Trung Quốc”. Đó là vì những thông tin kém khả quan liên tiếp xuất hiện từ đầu năm đến nay khiến những dự cảm không lành về việc “hạ cánh” của nền kinh tế thứ hai dần trở thành hiện thực.

Theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, hơn 30 năm cải cách và mở cửa đã chứng tỏ rằng sức tăng trưởng và sự tiến bộ của Trung Quốc không thể tách rời khỏi thế giới.

Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 10%/năm trong hơn hai thập kỷ qua, ngay trong giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nền kinh tế này vẫn đạt mức tăng 9,2%. Sự kiện Trung Quốc tiếp quản vị trí nền kinh tế lớn thứ hai từ tay Nhật Bản vẫn không xua tan đi nỗi lo lắng từ lâu đã ám ảnh các chuyên gia kinh tế về mô hình “phát triển bong bóng” với phương châm tăng trưởng bằng mọi giá của Bắc Kinh. Thậm chí chuyên gia James Kynge đã sử dụng hình ảnh “voi cưỡi xe đạp” để mô tả hiện trạng kinh tế Trung Quốc!

Trung Quốc nắm trong tay nhiều ưu thế: nguồn cung hàng hóa dư dật, nhân lực dồi dào, tài chính rủng rỉnh và sự phát triển của công nghệ sẽ đảm bảo để kinh tế Trung Quốc đi lên. Và quan trọng hơn, với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc có thể tạo ra một thị trường nội địa lớn để hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng ở cả trong và ngoài nước, và bù đắp cho hoạt động xuất khẩu sa sút. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và hệ quả của nó đang  buộc Trung Quốc thấy cần cải tiến phương thức tăng trưởng - vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu các loại hàng hóa không có giá trị gia tăng và các ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm môi trường và "ngốn" nhiều vốn.

Đầu tháng 3, Bắc Kinh chính thức tuyên bố hạ mục tiêu tăng trưởng xuống còn 7,5% - mức thấp nhất 13 năm qua, vài ngày sau, số liệu cho thấy thị trường bất động sản đã mất giá tại 45/70 thành phố vừa và lớn trong khi lượng nhà bán ra trong 2 tháng đầu năm giảm tới 20,9% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Việc bất động sản chiếm tới 13% GDP làm dấy lên lo ngại sự sụp đổ của thị trường nhà đất sẽ khiến kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ nghiêm trọng. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 2 chỉ đạt 7.7 tỉ USD – đánh dấu tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp phản ánh sự kém hấp dẫn của kinh tế Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Adrian Mowat, chiến lược gia hàng đầu của JPMorgan Chase & Co nhận định các số liệu trên cùng với doanh số bán ô tô, sản lượng xi măng, sản lượng thép, giá cổ phiếu ngành xây dựng sụt giảm đáng kể trong thời gian qua cho thấy “Trung Quốc đã ở trong vòng xoáy suy thoái”. 

Ngày 20-3, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ tiến hành đợt tăng giá nhiên liệu mạnh nhất kể từ tháng 6-2009, trong bối cảnh giá dầu thế giới đang trên đà “leo thang”. Động thái trên của Trung Quốc càng làm tăng thêm mối lo ngại về nguy cơ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại. Sự lao dốc của kinh tế Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành sự thật trong khoảng thời gian không xa và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Trung Quốc nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Châu Âu sẽ mất đi một đối tác thương mại chính yếu, Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ bị chủ nợ bán tháo trái phiếu kho bạc, gây hỗn loạn thị trường tài chính. Nga, Australia và các nước Trung Đông bị thất thu một nguồn tiền không nhỏ từ việc bán nguyên, nhiên liệu cho Trung Quốc. Ngoài ra, các quốc gia châu Á, Mỹ Latinh phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều nhất. Một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc hoàn toàn có thể biến thành một khủng hoảng toàn cầu. 

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia cũng cho rằng Bắc Kinh vẫn còn thời gian để xử lý những nguy cơ đang tiềm ẩn trong nền kinh tế hiện nay. Trong một phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng dự trữ Australia Glenn Stevens nhận định, Chính phủ Trung Quốc sẽ xử lý được xu hướng đi xuống của nền kinh tế quốc gia để tránh nguy cơ hạ cánh "cứng" và duy trì sức tăng trưởng mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, ông Stevens cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cần tìm ra một mô hình mới để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường nước ngoài (đối với các hàng xuất khẩu giá rẻ) và dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa.

Nền kinh tế Trung Quốc có hạ cánh an toàn được hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ làm hết khả năng để đảm bảo cho quá trình chuyển giao chính trị sắp diễn ra không bị cản trở bởi một cuộc suy thoái kinh tế.