Mâu thuẫn vì làn sóng di cư

ANTD.VN - Làn sóng người di cư đang gây nên những tác động tiêu cực, khiến chính trường nhiều nước “nổi sóng”, thậm chí rơi vào bất đồng, đối đầu gay gắt.  

Người di cư vạ vật trên đường phố Thủ đô Berlin của Đức

Câu chuyện “cổ tích” mà nước Đức viết cho những người di cư bất ngờ bị tạm dừng khi chính quyền các địa phương không thể kiểm soát được tình hình trước làn sóng nhập cư ồ ạt lên tới 1 triệu người trong năm 2015. Thay vì kêu gọi các nước EU chìa tay với người tị nạn, giờ chính nước Đức đã phải phải áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn dòng người di cư.

Trong khi đó, một năm sau quyết định mở cửa tiếp nhận người tị nạn vào Đức, tỷ lệ             cử tri ủng hộ Thủ tướng A. Merkel đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Thái độ phản ứng của người dân với chính sách nhập cư của chính phủ đã khiến uy tín của bà A. Merkel rơi xuống vị trí thứ 6 về mức độ yêu thích trong thang điểm dành cho các chính trị gia Đức. 

Ở Mỹ, cộng đồng người di cư xôn xao khi hôm 1-9, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa D. Trump tuyên bố cứng rắn rằng nếu đắc cử sẽ trục xuất bất kỳ người nào cư trú tại Mỹ bất hợp pháp. Ông D. Trump nêu rõ: “Thông điệp của chúng tôi với thế giới là: Bạn không thể có địa vị hợp pháp hoặc trở thành công dân Mỹ bằng cách xâm nhập trái phép vào đất nước của chúng tôi”. Bên cạnh việc thành lập một “lực lượng đặc nhiệm về trục xuất”, ông D. Trump đề nghị tăng gấp ba lần số lượng nhân viên tuần tra biên giới, thậm chí còn đề xuất “cấm cửa” người Hồi giáo đến từ một số nước.

Tuyên bố của ông D. Trump đã vẽ ra một viễn cảnh u tối đối với 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp tại Mỹ. Cũng hôm 1-9, 3 nước Trung Mỹ là El Salvador, Honduras và Guatemala phải ngồi với nhau để tìm cách ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp và buôn người.

Di cư là vấn đề đã có từ lâu trong quá trình phát triển của thế giới, nhất là thời đại toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư quốc tế như chiến tranh, xung đột, an ninh, kinh tế và xã hội chậm phát triển. Tuy nhiên, lý do kinh tế vẫn là nguyên nhân chủ yếu. Kể từ giữa những năm 1970, số người di cư trên thế giới tăng nhanh chóng, năm 1975 là 77 triệu người, năm 1999 là 120 triệu người, năm 2000 là 150 triệu người và năm 2016 là 244 triệu người.

Bên cạnh một số yếu tố tích cực, ngày nay di cư quốc tế gây ra không ít phiền toái đối với những nước nhập cư. Sự phân biệt đối xử, sự chênh lệch về trình độ dân trí, sự khác biệt về văn hóa, xã hội là những mầm mống gây xung đột xã hội. Điển hình như các cuộc xung đột ở Pháp hồi năm 2005 do thanh thiếu niên nhập cư chủ yếu là người Arập và người châu Phi bất bình với sự phân biệt đối xử và mức sống thấp nên đã nổi lên phản kháng, thậm chí vi phạm pháp luật, gây nên tình trạng bất ổn về an ninh cho nước Pháp trong nhiều tháng liền.

Ở Mỹ, các cuộc biểu tình rầm rộ lên đến hàng triệu người mà phần lớn là người nhập cư đòi phải đảm bảo quyền lợi cho họ đã gây xáo trộn xã hội. Vấn đề nhập cư cũng gây ra nhiều cuộc tranh cãi ở các nước châu Âu. Hơn 1 triệu người di cư đến châu lục này trong năm 2015 đã khiến “lục địa già” phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Xem ra làn sóng di cư đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhiều nước và nếu không có sự phối hợp giải quyết, nó có thể trở thành vấn đề toàn cầu.