Mâu thuẫn rất rõ giữa lời nói và việc làm

ANTĐ - Sự kiện thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Hoa Đông và tự ý hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông đã đi ngược lại chủ trương  tiếp cận bằng sức mạnh mềm mà nhiều nhà chiến lược Trung Quốc từng rao giảng. “Những hành động gần đây của Trung Quốc thể hiện rất rõ mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của họ”, bài viết mới  đây trên Thời báo Tài chính (Anh) đã làm rõ thêm về nhận định Trung Quốc đang đi ngược lại dòng chủ lưu trong quan hệ với Việt Nam.

Hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và hung hăng dùng các biện pháp 
bạo lực, Trung Quốc đang đi ngược lại nhiều cam kết mà Trung Quốc đã tham gia

Việc Trung Quốc gần đây hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông đã châm ngòi cho những phản ứng rất mạnh mẽ từ phía Việt Nam. Với những hành động mà giới chức Mỹ gọi là “khiêu khích” như thế này, Trung Quốc đang đi ngược lại dòng chủ lưu trong quan hệ giữa họ với Việt Nam. 

Tháng 10-2013, ông Lý Khắc Cường thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc. Chuyến đi này được dư luận coi là một phần trong nỗ lực rộng hơn mà Chính phủ Trung Quốc triển khai nhằm cải thiện quan hệ với các nước láng giềng ở Đông Nam Á khi đã tồn tại căng thẳng ở Biển Đông do tranh chấp chủ quyền biển đảo. Vào thời điểm đó, phát biểu ở Hà Nội, ông Lý Khắc Cường nói rằng, Trung Quốc và Việt Nam sẽ thành lập một nhóm làm việc để tiến hành thảo luận về triển vọng hợp tác phát triển hải dương chung giữa hai nước. Một chuyên gia của Trung Quốc là ông Ngô Sĩ Tồn - Giám đốc Viện Quốc gia về Nghiên cứu Biển Đông lúc đó cho rằng, hai bên thậm chí “đã đạt được sự đồng thuận để cùng kiểm soát khủng hoảng ở Biển Đông”, và sẽ “giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm trên biển”.

Nhưng chỉ 7 tháng sau, quan hệ giữa hai nước đã phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng sau khi Trung Quốc có một hành động mà Mỹ gọi là mang tính “khiêu khích”, khi quyết định di chuyển và hạ đặt giàn khoan dầu vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa vốn được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ và đưa nhiều tàu tới vùng biển trên để phản đối hành động của Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của mình. Trung Quốc hiện đang có tranh chấp về lãnh thổ với nhiều nước láng giềng, như với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, và với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông...

Mặc dù vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng không phải là mới, nhưng giới học giả vẫn phải cố gắng tìm lời giải cho hành động mà họ cho rằng đã làm chệch hướng những cải thiện trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Theo Giáo sư Carl Thayer - một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, hành động triển khai giàn khoan của Trung Quốc là “hoàn toàn bất ngờ”. Năm 1974, quần đảo Hoàng Sa của chính quyền Việt Nam Cộng hòa từng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép  sau một trận chiến chớp nhoáng. 

Trong khi đó, những năm gần đây, Việt Nam đã dịch chuyển quan hệ theo hướng xích lại gần hơn đôi chút với Mỹ. Năm 2012, ông Leon Panetta đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm quân cảng Cam Ranh sau gần 4 thập kỷ. Cần nhớ rằng, Cam Ranh là quân cảng quan trọng của Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines đã leo thang trong năm qua, nhưng Việt Nam có rất ít những hành động có thể coi là “chọc giận” Bắc Kinh. Theo ông Carl Thayer, phía Việt Nam không có bất cứ hành động nào khiến Trung Quốc phải quyết định trả đũa. Ông nói: “Điều này khiến việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông đã đẩy lùi mối quan hệ vốn đang ở vào quỹ đạo cải thiện tốt đẹp”.

Một số chuyên gia về Trung Quốc, trong đó có Giáo sư Robert Ross của trường Đại học Boston, tin rằng Bắc Kinh đang phản ứng lại những bước đi của Washington nhằm thể hiện quan điểm cứng rắn hơn đối với cái gọi là “tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc ngang nhiên đưa ra ở Biển Đông. 

Theo ông Taylor Fravel - một chuyên gia về Trung Quốc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), có thể Trung Quốc nghĩ rằng việc triển khai giàn khoan gần Hoàng Sa sẽ không gây ra phản ứng dữ dội từ phía Việt Nam như vậy, và phía Việt Nam càng không muốn hủy hoại mối quan hệ đang được cải thiện với Trung Quốc.

Trong năm 2013, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã cố gắng lôi kéo Đông Nam Á bằng sức mạnh mềm nhưng đến nay xu thế này đã thay đổi. Paul Haenle - Giám đốc Trung tâm Carnegie Thanh Hoa tại Bắc Kinh nhận định: “Những hành động gần đây, ví dụ như thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông và triển khai giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông, lại thể hiện rất rõ mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của họ”. Sự kiện ADIZ và giàn khoan Hải Dương 981 đã đi ngược lại cách tiếp cận của Trung Quốc nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với khu vực.