Mặt trái lương tối thiểu

ANTĐ - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất mức lương tối thiểu năm 2014 lên tới 30% nhằm mục tiêu đáp ứng 75-80% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động, đến nay ý tưởng này bị gác lại. Hội đồng Lương quốc gia vừa bỏ phiếu kín lấy ý kiến về việc điều chỉnh lương tối thiểu. Kết quả là số thành viên nghiêng về mức tăng 15% chiếm ưu thế. Chủ tịch Hội đồng cho biết, cơ quan này đã tổ chức lấy ý kiến của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhưng hầu hết không đồng tình tăng lương vì kinh tế đang suy giảm, tăng lương sẽ đẩy họ lún sâu vào khó khăn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kiểu tăng lương “đến hẹn lại lên” định kỳ hàng năm, với mức tăng nhỏ giọt vài trăm nghìn đồng một lần, thực chất chỉ là để bù trượt giá. Thậm chí không thể bù được, trái lại sau mỗi đợt lương tăng, giá cả được dịp “té nước theo mưa”, tăng vọt. Tăng lương tối thiểu nhằm đảm bảo mức sống cho người lao động là một chủ trương lớn của Chính phủ, song việc tăng lương chưa hẳn đã làm cho mức sống của họ tăng lên mức tương ứng. Thực tế là phần lớn các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn lương tối thiểu khá nhiều. Khi Nhà nước quyết định tăng lương, nhiều doanh nghiệp chỉ tăng tượng trưng để người lao động cảm thấy “phấn khởi”. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu buộc doanh nghiệp phải tăng các khoản đóng bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong khi “miếng bánh” ngân quỹ doanh nghiệp ngày càng co hẹp. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tái sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất.

Theo thống kê, với mức tăng lương tối thiểu của năm 2013, tổng chi phí của toàn ngành công nghiệp đã tăng lên 2.500 tỷ đồng, trong đó người lao động phải tự đóng trên 800 tỷ đồng để nộp các khoản nghĩa vụ. Mặc dù doanh nghiệp đã trả lương thực nhận cao hơn nhiều so với lương tối thiểu, thì khi có quyết định tăng lương chung, họ vẫn phải trả thêm lương thực nhận cho người lao động. Doanh nghiệp nào có nhiều lao động, hệ số lương cao càng chịu thiệt nhiều hơn. Một thực tế rất đáng quan tâm là, việc tăng lương hàng năm nhưng giá trị tiền lương lại thấp hầu như ít mang lại tác động tích cực tới đời sống người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không tăng lương mà thay vào đó là một số giải pháp vĩ mô thì cái lợi mang lại cho người lao động còn lớn hơn nhiều so với mức chênh lệch thu nhập phát sinh từ việc tăng lương. 

Tăng lương tối thiểu lên cao, trong khi giá trị thực của đồng lương cứ teo tóp dần do giá cả hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, gas, nước cũng như giá các dịch vụ như học phí, viện phí… tăng trước hoặc tăng sau, thì rõ ràng mặt trái lương tối thiểu nhiều hơn mặt phải. Như vậy, lương tối thiểu và mức sống tối thiểu của người lao động chỉ càng doãng rộng hơn.