Mất tiền mua lo

ANTĐ - Vài tháng nữa sẽ tốt nghiệp đại học Y Hải Dương nên dịp Tết này, Nguyễn Kim Phương (ở Mê Linh, Hà Nội) đòi mẹ dẫn đi xem bói để xem tài vận của mình ra sao. Qua một vài “cửa thầy”, em kết luận, xem bói chỉ là bỏ tiền mua lo…

- Là sinh viên mà xem ra em có vẻ mê tín?

- Thực ra em không mê tín hay tin vào chuyện số phận cho lắm. Nhưng sắp ra trường rồi, tự dưng cứ thấy lo lo nên cũng muốn đi xem thử để xem thầy phán công việc của mình năm nay có thuận buồm xuôi gió hay không. Em nghĩ đó cũng là tâm lý chung của rất nhiều người mỗi dịp đầu năm, bởi đến “cửa thầy” nào cũng đông nghịt, có khi xếp hàng cả buổi mới được diện kiến “thầy”. Chẳng riêng gì em, người đi xem bói còn thuộc đủ loại đối tượng, từ nông dân, người buôn bán, trí thức cho đến cả quan chức…

- Với nhiều người, xem bói đầu năm là để “giải quyết khâu tư tưởng”, song đi xem về thành ra lại mang lo lắng vào người?

- Điều này rất đúng. Có ngồi chứng kiến một buổi ở cửa thầy bói mới thấy một kịch bản rất giống nhau: khách đến bỏ tiền cho thầy bói để rồi được nghe thầy “dọa” là chính. Có người mặt tái mét khi bị thầy phán năm nay hạn nặng, phải cúng dâng sao giải hạn, lễ cúng lên đến hàng chục triệu đồng… Chẳng biết lời thầy phán đúng sai thế nào nhưng người bị thầy phán những điều không may mắn đều thấy rất lo lắng, hoang mang. 

- Thế mới thấy dân mình vẫn còn mê tín quá, sẵn sàng bỏ tiền để làm giàu cho những kẻ hành nghề phi pháp?

- Em thấy suy cho cùng, những gì thầy bói nói về tương lai, số phận dù đúng hay sai cũng chẳng thể làm thay đổi được cuộc sống của mình. Mất tiền đi xem bói đúng là bỏ tiền để mua lo vào người, thậm chí còn rước họa, hao tiền tốn của… Nhiều vị thầy bói dù chẳng có trình độ gì nhưng hàng ngày vẫn dùng miệng lưỡi của mình cùng vài trò lừa gạt để kiếm bộn tiền từ tâm lý mê tín của người dân. Thiết nghĩ, cần phải siết chặt quản lý hơn nữa tình trạng này, dẹp cho được nạn “bói toán” mê tín dị đoan.