Mất tiền đi làm nô lệ xứ người

ANTĐ - Mang giấc mộng thoát cảnh đói nghèo, hàng chục phụ nữ nông dân xứ Thanh đã bấm bụng đi vay ngân hàng lấy tiền ký hợp đồng đi XKLĐ tại Syria. Nhưng sau 5 năm trời, cái họ mang về được Việt Nam chỉ là thân xác tàn tạ và nỗi sợ hãi khủng khiếp của những trận chiến đẫm máu nơi xứ người…

Vợ chồng chị Lan ngày sum họp

Trở về từ cõi chết 

Suốt những ngày qua cả nhà anh Phạm Văn Chiêu, chồng chị Lê Thị Thảo ở thôn Chí Cường, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) vui như Tết. Ở cái thôn này, gia đình anh Chiêu là những người thường xuyên theo dõi tin tức chiến sự tại Syria trên truyền hình nhất bởi nơi ấy có người vợ của anh bặt vô âm tín từ lâu. Ngày chị Thảo đặt chân xuống sân bay Nội Bài, anh Chiêu mới dám tin là vợ mình còn sống. Lúc ấy, không kìm nổi cảm xúc của mình, anh tuyên bố: “Từ giờ dù có chết đói, tôi cũng không để vợ đi XKLĐ thêm 1 lần nào nữa”. Những ám ảnh về lời kêu cứu của vợ qua điện thoại, những cơ cực mà chị Thảo phải trải qua khiến cho nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng dường như bám chặt lấy anh suốt mấy năm ròng.

Còn chị Thảo, mỗi khi nhắc đến những ngày bơ vơ nơi xứ người, nước mắt lại lăn dài trên má, kể về những ngày cơ cực đó chị vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Tháng 3-2008, qua một người môi giới có tên là Đào ở thị xã Bỉm Sơn, chị quyết định sang Syria làm nghề giúp việc. Chị kể: “Lúc ấy họ hứa trả lương cao lắm, những 500 USD/tháng, công việc lại không quá vất vả nên vợ chồng em đã không ngần ngại đi vay ngân hàng lấy 30 triệu đồng làm thủ tục xuất ngoại để đổi đời”. Thế nhưng giấc mộng thoát nghèo đã tan như bong bóng xà phòng khi chị Thảo đặt chân tới xứ người. “Em được công ty môi giới đưa đi làm giúp việc gia đình. Công việc quần quật cả ngày nhưng lại chỉ được nhận lương 150 USD/tháng, không như những gì họ đã kí kết trong “hợp đồng” – chị Thảo nói.

“Cổ cày vai bừa” được 1 năm chị Thảo chuyển chủ. Nhưng chủ mới còn tệ bạc hơn, chị chỉ được nuôi ăn mà không hề nhận được đồng lương nào. Suốt ngày chỉ ở trong nhà chẳng được ra ngoài, có muốn tìm cảnh sát kêu cứu cũng đành chịu, đến ngay cả việc chị Thảo xin gọi điện thoại về quê cũng bị cấm nốt. Đã đôi lần chị Thảo tìm cách bỏ trốn nhưng bất thành. Khi chủ bắt về chị lại lãnh những trận đòn thừa sống thiếu chết. 

Cuộc đời nô lệ ấy của chị Thảo kéo dài những 5 năm. Cho tới một ngày nhờ sự trợ giúp của một vị hàng xóm tốt bụng, chị trốn thoát được và lần mò quay trở về trụ sở của công ty môi giới. Lúc này cả đất nước Syria chìm trong lửa đạn của nội chiến. Chẳng có ai quan tâm tới số phận một người nước ngoài lạc lõng, bơ vơ như chị. Tình người duy nhất chị nhận được ở đây là 1 nhân viên công ty đã đưa chị lên Thủ đô Damascus và thả ở đó với 2 bàn tay trắng. “Đó là một thành phố kinh hoàng. Đường sá vắng tanh, thi thoảng có vài chiếc xe chở đầy lính lao bạt mạng. Súng nổ khắp nơi, em cứ đi lang thang và cuối cùng cũng gặp được một viên cảnh sát. Sự giúp đỡ mà anh ta mang đến là đưa em vào trại giam. Ở đó chủ yếu là người Philippines, Indonesia, châu Phi… nhưng dù sao thì nơi đây cũng còn an toàn hơn là lang thang trên đường dưới tên rơi đạn lạc. Sau hơn 5 tháng sống trong tuyệt vọng, cuối tháng 4-2013 em được đưa về Đại sứ quán Philippines. Và nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Việt Nam cùng với Tổ chức di dân quốc tế nên bây giờ em mới có thể ngồi đây và kể lại câu chuyện này” - chị Thảo kể trong nước mắt.

Lá đơn anh Chiêu tố cáo kẻ lừa đảo  XKLĐ
và nhờ cơ quan chức năng cứu vợ

Xin cạch đến già

Một phụ nữ khác có hoàn cảnh tương tự như chị Thảo là chị Dương Thị Lan ở xóm 6, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn. Chị Lan đi XKLĐ sang Syria từ năm 2007 cũng hết sức dễ dàng mà mãi sau này chị mới biết mình đã được đưa đi XKLĐ chui theo đường du lịch. Quần quật mấy năm trời làm việc cho chủ, chị Lan cũng trở về với hai bàn tay trắng. Khi chiến sự nổ ra ở đất nước này, một buổi sáng thức dậy chị Lan thấy chỉ còn duy nhất mình chị bị nhốt trong ngôi nhà vắng hoe. Chủ nhà đã bỏ mặc người giúp việc để đưa gia đình đi chạy loạn. “Đó là những ngày thực sự kinh hoàng. 3 ngày liền bị nhốt, không cơm ăn nước uống, em gào thét xin giúp đỡ nhưng chẳng có ai đến cứu. Mãi tới ngày thứ 4 một người đàn ông đi qua thấy vậy đã giúp em gọi cảnh sát và sau đó đưa em tới trại tỵ nạn”.

Kể đến đây bất chợt chị Lan rùng mình: “Em mang được xác về là may mắn lắm rồi. Anh tính, thành phố nơi em ở là một bãi chiến trường. Ngày ngày tiếng súng nổ rầm rầm trên đường phố. Xe cộ, xác chết nằm la liệt trên đường không ai thèm chôn thì một mạng người nước ngoài như em có nghĩa lý gì? Không bị quân lính phe này thì cũng bị phe bên kia bắn. Tệ hại hơn là gặp bọn cướp”.

Cũng nhờ Đại sứ quán Philippines liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ, chị Lan mới an toàn trở về. Người mừng nhất trong gia đình chị Lan chính là anh Lê Xuân Sơn - chồng chị. Anh Sơn đỏ hoe mắt ân hận: “Ngày xưa, khi nghe những người môi giới thuyết phục, chỉ tuyển phụ nữ sang Syria làm giúp việc, chính tôi đã động viên vợ cố gắng đi XKLĐ một vài năm kiếm tiền trợ giúp gia đình. Ai dè sự động viên ấy suýt nữa đưa vợ tôi vào chỗ chết. Nợ thì bây giờ vẫn chưa trả hết, nhưng thôi, thà ở nhà rau cháo mà có vợ có chồng còn hơn đi lao động chui bên xứ người. Tiền thì chưa thấy đâu mà có ngày mất mạng”.