Mặt sau của “thiên tai”

ANTĐ - Cơn bão số 5 mới chỉ lướt nhẹ qua Hà Nội, đã có tới 200 cây xanh bật gốc. Có ai giật mình không? Nhưng lần này thì khác, sự bức xúc trong dư luận dâng cao vì đã có người thiệt mạng vì cây đổ. Không quá đáng khi nhiều người lập tức tưởng tượng một ngày nào đó mình trở thành nạn nhân của những cái bẫy chết người “giăng” ở ven đường.

Vì sao ngay cả đến người dân cũng biết nguyên nhân khiến những cây xà cừ cả trăm năm tuổi đó đổ kềnh - bộ rễ chùm vốn đã ăn nông lại bị xén gọt không thương tiếc trong quá trình lắp đặt ống cáp, nước ngầm - nhưng các cơ quan hữu trách lại lờ đi như không biết? Sau cơn bão số 5, một số phóng viên báo chí đã thử khảo sát tại một số tuyến đường trung tâm và phát hiện chỉ trên 1,2km của phố Lò Đúc có tới gần 30 cây lớn đang chờ đổ mà nhân viên công ty cây xanh vẫn chưa xử lý hết. Người dân sống hai bên đường cứ vậy nơm nớp “sống trong sợ hãi” là bởi vậy cứ mỗi khi mưa lớn. 

Ngoài “tội” làm đổ cây, cùng thời điểm đó, cơn bão số 5 còn bị quy thêm “tội” gây ra sụt đất, tạo thành “hố tử thần” trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Đổ cho thiên tai là dễ nhất, vì thiên tai không phản biện được, nó cũng là thứ khó đề phòng và khắc phục. Nhưng rõ ràng chúng ta có thể nhìn ra yếu tố “nhân tai” song hành. Vấn đề là có ai nhận trách nhiệm và khắc phục hay không.

Quay lại với những cây xà cừ cổ thụ. Mưa bão, cây vẫn đổ như bao lần khác, nhưng giờ đây có người đã chết, liệu những cái “bẫy” đầy nguy hiểm đó có được cơ quan nào đứng ra khắc phục triệt để, cho dân được nhờ?

Tin cùng chuyên mục