Mất 200 triệu đồng để nhận giấy báo trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân... giả

ANTĐ - Theo như hứa hẹn của Điệp, mỗi gia đình chỉ cần nộp vào từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng là có thể nhập học tại Học viện Cảnh sát nhân dân hoặc xin việc làm tại các đơn vị trực thuộc ngành Công an.

Do có quan hệ bạn bè thân tình từ trước với chị Lê Thu Hà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nên thông qua chị Hà, Nguyễn Văn Điệp, sinh năm 1984, trú tại xã Phương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, đã làm quen và biết chị Lê Thị Thu Huyền, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Bản thân không có công ăn việc làm ổn định, nên để có tiền chi tiêu cá nhân, Điệp đã lừa chị Hà và chị Huyền là Điệp có khả năng “chạy” việc vào các đơn vị trực thuộc ngành Công an và đi học tại trường Học viện Cảnh sát nhân dân. Nếu ai có nhu cầu thì mỗi trường hợp nộp cho Điệp từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng tùy theo vị trí “ngon” hay không để Điệp “quan hệ” và “chạy chọt”.

Điệp yêu cầu mỗi trường hợp nộp trước cho Điệp 100 triệu đồng tiền đặt cọc cùng với hồ sơ, sau một tháng sẽ có giấy báo nhập học hoặc quyết định tiếp nhận đi làm thì thanh toán nốt tiền cho Điệp theo thỏa thuận.

Đối tượng Điệp (trái) và Quân (phải)

Từ tháng 2/2015 đến nay, Điệp đã nhận của chị Hà hơn 20 trường hợp với tổng số tiền đặt cọc khoảng 7 tỷ đồng, còn hơn 20 trường hợp của chị Huyền là khoảng 4 tỷ đồng.

Trên thực tế, Điệp không có khả năng lo việc cũng như xin nhập học tại Học viện Cảnh sát nhân dân như Điệp đã hứa hẹn với chị Huyền và chị Hà. Chính vì vậy, để tạo lòng tin cho các bị hại, sau khi nhận hồ sơ và tiền đặt cọc, Điệp mang đến cửa hàng photocopy Minh Quân ở phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội, nhờ chủ cửa hàng là Lê Văn Quân, sinh năm 1986, trú tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, lên mạng internet tìm và lấy mẫu các quyết định tiếp nhận cán bộ và mẫu giấy nhập học của Học viện Cảnh sát nhân dân.

Căn cứ vào hồ sơ mà chị Hà, chị Huyền đưa, Điệp nhờ Quân đánh máy và scan con dấu, chữ ký của lãnh đạo Bộ Công an, tạo thành quyết định và giấy báo nhập học giả rồi mang đến đưa cho chị Huyền, chị Hà để gửi cho các thí sinh, người xin việc. Sau đó, Điệp nhận hết số tiền còn lại như đã thỏa thuận.

Tinh vi hơn, Điệp còn dùng “sim rác” để gọi điện cho các “thí sinh” và “ứng viên” xin việc theo số điện thoại có trong hồ sơ, giả làm thầy giáo và cán bộ tổ chức để hướng dẫn các “thí sinh” và “ứng viên” trúng tuyển mang giấy báo nhập học và quyết định nhận việc đến gặp tại khu vực gần các đơn vị trực thuộc ngành Công an, trường Học viện Cảnh sát nhân dân, và yêu cầu họ đưa các loại giấy tờ này cho Điệp, với mục đích hủy tài liệu và che giấu hành vi phạm pháp của mình.

Sau khi nhận được đơn trình báo của các bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội, đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy xét bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Điệp. Quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội cũng đã bắt giữ Lê Văn Quân, và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Điệp và Lê Văn Quân về hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. 

Đây cũng là bài học cảnh tỉnh đối với người dân. Việc tuyển dụng, tuyển sinh đều được thực hiện công khai, minh bạch, vì thế cần chuẩn bị cho mình các kiến thức, hồ sơ chuẩn xác về các mặt, không nên có ý định trúng tuyển, tuyển dụng nhờ "chạy chọt", cả tin dẫn đến "tiền mất, tật mang", và tạo cơ hội cho tội phạm phạm pháp, trục lợi.