Manh nha cuộc đua mới

ANTĐ - Thị trường cả nước rậm rịch vào mùa làm ăn cuối năm đang “nóng” dần với những hoạt động buôn lậu, nhập lậu, gian thương ở một vài cửa khẩu trọng điểm phía Bắc, biên giới Tây Nam. Cuối năm luôn là thời điểm “khát” vốn trên thị trường tăng mạnh nên các ngân hàng sẽ đua nhau mở “van” bơm vốn lưu thông để hỗ trợ doanh nghiệp nhập nguyên liệu, sản xuất kinh doanh phục vụ hàng hóa dịp cuối năm và tết, nhất là cho vay tiêu dùng, mua sắm.

Năm 2012, tăng trưởng GDP dự kiến 5,2%, tăng trưởng tín dụng cũng vào khoảng 5%, như vậy một đơn vị tăng trưởng tín dụng đã đảm bảo một đơn vị tăng trưởng GDP. Theo đánh giá của giới chuyên gia, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ngày càng tăng cao, chứng tỏ kiểm soát tăng trưởng tín dụng đi đúng hướng. Mọi năm, tăng trưởng tín dụng cao thì lạm phát càng tăng cao, còn năm nay lạm phát lại thấp. Trước đây, các ngân hàng chạy theo “tín dụng nóng”, cho vay ào ạt, nhưng năm nay đã thay đổi. Mặc dù thanh khoản đã cải thiện, ngân hàng dư vốn, song sự thái quá trong sử dụng vốn lâu nay với quá  nhiều rủi ro đã trở thành nỗi ám ảnh khiến ngân hàng không thể “vung tay quá trán”. Sau thời kỳ tăng trưởng nóng và hứng chịu rủi ro, hiện nay ngân hàng cho vay thận trọng hơn nhằm bảo toàn đồng vốn.

Trong bối cảnh, những doanh nghiệp vẫn trụ vững thì không muốn vay mới để đầu tư, còn những doanh nghiệp vẫn quen dùng vốn bừa bãi theo kiểu “vay nợ mới, nuôi nợ cũ”, thì đến thời điểm này rơi vào bế tắc. Tín dụng không còn “ngon lành” như trước, những món nợ cũ phải thanh toán sòng phẳng mới được vay mới. Nếu không trả xong thì ngân hàng sẽ phát mại tài sản. Đó là lý do vì sao ngân hàng dư thừa vốn mà vẫn khó cho vay, tín dụng không khơi thông được.

Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, hiện ngân hàng cho vay phổ biến 11-13%/năm và có nhiều chương trình tín dụng ở mức 9%/năm, với điều kiện dòng tiền của doanh nghiệp phải ổn định, tình hình tài chính lành mạnh, nhưng rất khó tìm được khách hàng. Ông này nhấn mạnh khi doanh nghiệp vừa yếu kém về năng lực tài chính, khả năng quản trị và thị trường tiêu thụ, thì ngân hàng hạn chế cho vay là tốt cho nền kinh tế, “đừng nên ép ngân hàng cho vay”. Về lý là thế, nhưng biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ với hiện tượng một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động, manh nha cuộc đua mới. Họ “âm thầm” áp dụng chương trình ưu đãi cho khách hàng với món tiền gửi từ 5.000USD trở lên với lãi suất cao hơn 2%/năm. Đồng Việt Nam cũng “nóng” lên với món tiền gửi từ 100 triệu VND trở lên với bất kể kỳ hạn nào đều được hưởng mức lãi suất 12%/năm. Nếu khách hàng có khoản gửi 1 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 13%. Một số chuyên gia cho rằng, động cơ cuộc đua lãi suất huy động là một mũi tên trúng nhiều đích. Đẩy mạnh huy động vốn nhằm giải quyết bài toán thanh khoản. Các ngân hàng muốn cải thiện cơ cấu nguồn vốn huy động vì lâu nay chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn.

Manh nha cuộc đua mới, một trần lãi suất huy động không phải để cho khách hàng vay, chứng tỏ sự ổn định thiếu bền vững trong thanh khoản của các ngân hàng. Trong khi doanh nghiệp đang “đói vốn” thì dòng tiền vẫn chạy lòng vòng không đưa vào sản xuất. Kết cục là doanh nghiệp vẫn không có vốn, không thể hoạt động, ngân hàng lại tiếp tục đóng cửa không cho vay.