Mạnh dạn cắt giảm

ANTĐ - “Báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 -Thách thức còn ở phía trước” của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa được công bố vào những ngày cuối kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chỉ rõ những khó khăn, thách thức mà kinh tế phải đối mặt và tìm giải pháp vượt qua trong những năm tới. Một trong những nội dung quan trọng của báo cáo nhấn mạnh, khu vực doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn kinh tế.

Đánh giá hiệu quả của Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù tái cơ cấu mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã triển khai được gần hai năm, song đến nay vẫn diễn ra hết sức chậm chạp. Một loạt rủi ro đã được Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn ra, nhất là rủi ro từ việc giảm thu ngân sách nhà nước, rủi ro từ việc tăng thâm hụt ngân sách và nợ công khi Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử trường hợp của Vinashin, hiện nhóm các chủ nợ đang đề nghị hoán đổi toàn bộ số nợ 600 triệu USD của tập đoàn này thành trái phiếu chính phủ có sự bảo lãnh của Bộ Tài chính.

Nếu đề nghị này được chấp thuận thì cộng với khoản 750 triệu USD trái phiếu quốc tế mà Chính phủ vay về cho Vinashin vay lại, ngân sách nhà nước có thể phải gánh một khoản nợ là 1,35 tỷ USD cho vay Vinashin. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế kết luận, có hai nguyên nhân chính khiến cho khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả. Đó là quy mô quá lớn, trong khi mô hình quản lý có quá nhiều đầu mối và kém minh bạch. Quy mô doanh nghiệp nhà nước quá lớn dẫn đến tình trạng chèn ép khu vực kinh tế tư nhân và khó có thể hạn chế các thuộc tính phi kinh tế. Khi khu vực kinh tế nhà nước quá lớn, Chính phủ khó bố trí những chuyên gia tài giỏi và tận tâm để kiểm soát hoạt động của các nhà quản lý, điều hành trong doanh nghiệp. Hơn thế, với nhiều đầu mối quản lý cồng kềnh, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước rất khó giám sát, chủ yếu chỉ căn cứ vào báo cáo của doanh nghiệp. Sau khi “mổ xẻ” yếu kém, hạn chế, bản báo cáo kinh tế vĩ mô 2013 nhận định sự đáng lo ngại về tình hình nợ công của nước ta tăng nhanh. Hệ quả là việc chi trả nợ gốc và nợ lãi ngày càng nặng hơn. Ước tính, trong hai năm gần đây, mỗi năm nước ta phải trả hơn 60.000 tỷ đồng nợ gốc và gần 40.000 tỷ đồng nợ lãi, tức là hơn 50% chi đầu tư phát triển mỗi năm từ ngân sách.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, được kỳ vọng là một trong ba mũi đột phá tái cơ cấu kinh tế trong bối cảnh thách thức trong năm 2014 còn nhiều. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị, cần có quyết sách mạnh mẽ, cần mạnh dạn cắt giảm không chỉ số lượng mà cả quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Phải chăng, quyết tâm cắt giảm số lượng và quy mô là để gia tăng chất lượng và hiệu quả vận hành, để quá trình “tái cơ cấu” thực sự tạo ra đột phá có ý nghĩa.