Mang nợ vì gà đồi Yên Thế

ANTĐ - Được kỳ vọng sẽ là vựa gà “sạch” cung cấp cho thị trường Hà Nội khi gà thải loại, nhập lậu gần như được quét sạch, nhưng người chăn nuôi gà ở huyện Yên Thế đang bị  thua lỗ khi giá gà bấp bênh, xuống  thấp. 

Dù giá gà đang rất cao nhưng không mấy hộ dám nuôi nhiều

Thua lỗ kéo dài 

Sự vào cuộc quyết liệt của các ngành các cấp đã gần như quét sạch gà thải loại nhập lậu trên thị trường trong nước. Cùng với đó, việc ký kết đưa gà đồi Yên Thế về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở đây tưởng như sẽ đổi đời nhờ con gà. Tuy vậy, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi gà đồi Yên Thế bắt đầu xâm nhập thị trường đầy tiềm năng Hà Nội thì không ít hộ nuôi đã phải cầm cố sổ đỏ, nợ ngân hàng chồng chất vì thua lỗ. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, giá gà đồi Yên Thế đã lên mức cao kỷ lục, loại ngon ở mức 80.000 đồng/kg gà lông, song nghịch lý, khi giá gà cao cũng là lúc nông dân chẳng còn mấy gà để xuất ra thị trường.

Ông Phạm Công Vân, Phó trưởng BCĐ phát triển chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi huyện Yên Thế cho biết, từ tháng 4 trở lại đây, giá gà đồi tăng rất nhanh, hiện ở mức 65-70.000 đồng/kg gà lông, loại ngon ở mức 75-80.000 đồng/kg. Toàn huyện hiện có 3,4 triệu con gà với hơn 10.000 hộ nuôi, trong đó 2.000-3.000 hộ nuôi quy mô lớn, từ 1.000 con trở lên. Số lượng này theo ông Vân đã giảm khá nhiều, từ 1-1,2 triệu con so với hồi cao điểm.  Cả năm 2013, toàn huyện tiêu thụ 12,8 triệu con gà. Trong 6 tháng đầu năm, huyện Yên Thế cũng xuất đi 5,3 triệu con, chiếm đến 50-70% tổng lượng gà xuất về thị trường Hà Nội. Tuy vậy, hầu hết số gà này được xuất vào chợ Hà Vỹ dưới dạng gà lông, còn gà chế biến, tiêu thụ vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ rất khiêm tốn, chỉ khoảng 4%.

Song không phải bỗng nhiên mà giá gà đồi Yên Thế  lại cao vọt trong vài tháng qua, đây không phải tín hiệu tốt từ thị trường khiến người nuôi gà vui mừng. Nguyên nhân sâu xa là do lượng cung giảm mạnh. Cụ thể, gần 10 tháng liên tục, giá gà rơi xuống mức thấp, dưới giá thành sản xuất. “Suốt từ những tháng cuối năm 2013 sang đến đầu năm 2014, giá gà đồi Yên Thế xuất bán chỉ được 40-45.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã ở mức 50.000 đồng/kg. Giá trứng gà xuất ra cũng chỉ được 1.000 đồng/quả. Bởi vậy, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ đã giảm đàn hoặc bỏ chăn nuôi gà”, ông Vân bày tỏ. 

Vẫn thiếu định hướng

Anh Hà Văn Nghị, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm cho biết, hiện anh có 2ha đồi vừa trồng vải vừa thả gà mía lai và gà ri lai, tổng đàn hiện là 1.500 con gà thịt. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã xuất được 1.000 con với giá 55.000 đồng/kg và 70.000 đồng/kg. Tuy đàn gà vừa xuất được giá cao kỷ lục, nhưng anh Nghị vẫn không vui vì trong suốt năm 2013, gia đình anh thua lỗ cả trăm triệu đồng. “Năm 2013, giá gà xuống quá thấp. Mặc dù tôi đã chủ động giảm đàn, cả năm 2013 xuất bán được 4 đàn gà thì mỗi đàn lỗ 25 triệu đồng, chưa kể công sức lao động bỏ ra. Không ít hộ chăn nuôi còn lỗ nặng hơn, từ 300-400 triệu đồng”.  Cũng bởi số nợ cả trăm triệu đồng của năm 2013 vẫn còn đó mà sang năm 2014, anh Nghị rất dè dặt trong việc tái đàn, mở rộng số lượng. “Gia đình vẫn bỏ trống nhiều chuồng, nếu chăn nuôi hết sức có thể lên tới 6.000 con gà, nhưng vừa làm vừa phải nghe ngóng thị trường, mù mờ lắm, chẳng biết cung cầu ra sao”.

Cũng như anh Nghị, đến thời điểm này giá gà đạt mức cao kỷ lục nhưng không mấy hộ dám mạnh dạn tái đàn với số lượng lớn. Theo anh Nghị, các ngành chức năng mà cụ thể là ngành Công Thương và NN&PTNT cần tính toán được nhu cầu thị trường từ đó đưa ra định hướng để người chăn nuôi chủ động. “Chúng tôi chăn nuôi mà luôn bị động, rủi ro quá lớn, chuyện thua lỗ do thừa gà, thừa trứng đã thành cơm bữa”, anh Nghị bày tỏ. Còn ông Vân cho hay, cách đây một thời gian, Cục Chăn nuôi và Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đã làm việc với huyện Yên Thế về tình hình chăn nuôi gà đồi trên địa bàn, song đến nay, vẫn chưa có ngành nào đưa ra được định hướng thị trường để người chăn nuôi chủ động sản xuất. 

Huyện Yên Thế đã xác định gà là vật nuôi chủ lực trong chăn nuôi cũng như phát triển kinh tế của toàn huyện, phát triển vùng gà hàng hóa với quy mô lớn. Tuy vậy, với kiểu chăn nuôi luôn ở thế bị động, phụ thuộc như hiện nay, sẽ còn nhiều hộ nông dân Yên Thế rơi vào cảnh nợ nần, thua lỗ khi gà đồi rớt giá.