Mang họa vì tự ý truyền dịch, uống thuốc bổ

ANTĐ - Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt trùng với thời điểm mùa thi khiến cho trẻ em, người già và nhất là các thí sinh dễ bị suy nhược, đổ bệnh. Để nâng cao thể trạng cho trẻ, nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc bổ, vitamin hoặc truyền nước, truyền nước hoa quả cho các em song theo các chuyên gia, việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy hại.

Cung cấp đủ dinh dưỡng, tránh nóng là cách làm tốt nhất để phòng bệnh 
cho trẻ em mùa nắng nóng
(Trong ảnh: Bệnh nhân nhi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương)

Bồi bổ quá… hóa bệnh

Khoảng hơn 2 tuần nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến cho các bệnh viện trở nên ngột ngạt hơn vì lượng bệnh nhân, nhất là nhóm đối tượng người già, trẻ nhỏ đổ bệnh tăng cao. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám 2 tuần qua tăng bình quân khoảng 20% so với trước. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, vào thời điểm này mỗi ngày tiếp nhận 2.000-3.000 bệnh nhân, cao điểm có ngày lên tới 3.500. Tương tự, tại khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai hiện mỗi ngày cũng có 200-300 trẻ vào khám.  

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nắng nóng bất thường khiến trẻ em mỏi mệt, ăn ít, sức đề kháng giảm nên rất dễ đổ bệnh. Bên cạnh đó, trẻ nằm điều hòa để nhiệt độ quá lạnh, chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng với ngoài trời quá cao cũng dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Đáng lo ngại là có tới 1/3 số bệnh nhân trước khi đến viện đã tự ý điều trị tại nhà. Phổ biến nhất là việc tự ý mua thuốc hạ sốt, kháng sinh cho trẻ uống. Ngoài ra, thấy trẻ ăn ít, nhiều phụ huynh mua thuốc bổ, các loại vitamin cho trẻ uống với hy vọng có thể thay thế được thực phẩm… Hậu quả là nhiều trẻ sau khi được tự ý điều trị như vậy đã không khỏi mà còn nặng hơn, gặp phản ứng phụ nguy hiểm.

Thời tiết nắng nóng hiện nay lại trùng với mùa thi của học sinh các cấp, các thí sinh chịu nhiều áp lực, căng thẳng trí óc, ăn uống không ngon miệng nên cũng rất dễ bị mệt mỏi, suy nhược, đổ bệnh. Một số phụ huynh khi thấy con em mình mệt mỏi, ăn ít, suy nhược đã tự ý mua thuốc bổ cho trẻ uống, thậm chí mua các loại nước dịch truyền, hoa quả tổng hợp về truyền cho con… Mới đây, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nữ bị sốc dịch truyền do tự ý truyền nước hoa quả tại nhà. Qua tìm hiểu, cô bé này vốn có sức khỏe yếu, bố mẹ em muốn con gái có sức khỏe tốt hơn trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã nhờ một chị y tá gần nhà mua 2 chai nước hoa quả (giá 80.000 đồng/ chai) để về nhà truyền cho em nhưng mới truyền được hơn 1 chai thì thấy em có biểu hiện tím tái, co giật nên vội đưa vào bệnh viện. 

Tránh những sai lầm đáng tiếc

Bác sĩ Ngô Mai Xuân, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, vào những ngày thời tiết nắng nóng như hiện nay, bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm não, say nóng, say nắng… luôn gia tăng. Với riêng các đối tượng là thí sinh phải bước vào những kỳ thi căng thẳng trong mùa hè, kinh nghiệm hàng năm cho thấy năm nào cũng có nhiều trẻ phải vào viện khám, cấp cứu vì đổ bệnh, trong đó nhiều ca mắc bệnh nặng hơn vì chăm sóc, bồi bổ sức khỏe không đúng cách hoặc tự ý điều trị không tuân theo chỉ định của bác sĩ.  

Trong số đó, việc người nhà tự ý chăm sóc, bồi bổ sức khỏe cho trẻ, cho các em học sinh bằng biện pháp dùng thuốc bổ, vitamin, truyền nước, truyền nước hoa quả… là những sai lầm rất phổ biến. Bác sĩ Ngô Mai Xuân phân tích, cần phải thấy rằng tất cả các loại thuốc bổ hay vitamin dù có lợi cho sức khỏe song trước hết nó vẫn là một loại thuốc, chỉ dùng khi có bệnh và dùng theo đúng liều lượng, chỉ định của bác sĩ. Ngay cả các loại vitamin nhóm B, C như B1, B2, B6, B12, C… khá lành tính và có thể tự mua về uống tại nhà nhưng vẫn phải tuân theo liều lượng hướng dẫn và tuyệt đối không được lạm dụng, sử dụng kéo dài. Những loại vitamin khác, nếu dùng tùy tiện có thể gây phản ứng phụ khó lường, chẳng hạn dùng tùy tiện vitamin D2 có thể gây sỏi thận, dùng vitamin A quá liều có thể gây ngộ độc, dùng vitamin PP không theo đúng chỉ định có thể bị dị ứng. Riêng việc tự ý truyền nước hay truyền nước hoa quả tại nhà là rất nguy hiểm, có thể gây sốc dịch truyền, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Ngô Mai Xuân khuyến cáo, trong những ngày nắng nóng hiện nay, mọi người, nhất là các sĩ tử phải bước vào mùa thi căng thẳng cần phải chú ý chăm sóc sức khỏe đúng cách. Quan trọng nhất là phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều loại hoa quả, trái cây tự nhiên và có biện pháp tránh nắng, không để các tia cực tím từ ánh nắng mặt trời tiếp xúc trực tiếp với da khi phải đi ra ngoài trời vào lúc nắng gay gắt. Nếu người bệnh có biểu hiện bị say nóng, say nắng cần phải lập tức đưa vào chỗ thoáng mát, cởi bớt quần áo, chườm mát và cho uống nước ngay. Còn nếu muốn chăm sóc sức khỏe bằng cách cho uống thuốc bổ, vitamin, truyền nước hoa quả thì phải tuân theo đúng chỉ định của thầy thuốc.