Mặn quá, nuốt sao nổi!

ANTĐ - Kinh tế có sức mạnh kéo xã hội đi lên, đồng tiền còn có “ma lực” cực mạnh có thể thay đổi, đảo ngược, đôi khi lật nhào cả những chuẩn mực tưởng chừng bất biến.

- Nghe ông mới mào đầu mà đã thấy chuyện có vẻ to tát quá. Tôi quen “dùi đục chấm mắm cáy”, mọi chuyện trên đời đều đơn giản, có gì mà phải phức tạp rối rắm cho mệt đầu.

- Nghĩ đơn giản không được, sống đơn giản cũng không xong. Có một tờ báo vừa mở một cuộc bàn tròn bàn về tiêu chuẩn người chồng thời nay. Rất được nhiều người quan tâm.

- Mỗi thời, con người ta có tiêu chuẩn chọn bạn đời khác nhau. Cũng đừng đi theo một khuôn mẫu nào cả, chẳng ai là hoàn hảo. Như thời tôi với ông, một người chồng chuẩn không cần chỉnh là: không hút thuốc, rượu bia; không trăng hoa, hết việc là về với vợ con, chịu khó chui vào bếp, hoặc giặt giũ, lau nhà…

- “Thần tượng” ấy sụp đổ từ lâu rồi. Cái sự chỉn chu không bia rượu, gái gú, chỉ biết có gia đình, không còn là nhất nữa đâu. Bây giờ “hình tượng” người đàn ông trong mắt phụ nữ là phải một chút phong trần, lạnh lùng, biết hút thuốc, uống rượu và biết tán tỉnh.

- Có nghĩa là lành quá hóa khờ, tức là phải “hư” một chút mới là… đàn ông đích thực?

- Ông nói gần đúng chuẩn rồi. Hư nhưng không hỏng, biết các thói hư nhưng không dấn thân vào thói hư. Thế mới là người đàn ông từng trải, đã nếm đủ mọi đắng cay cuộc đời.

- Thời buổi bây giờ quả là chẳng biết đâu mà lần. Không hiểu nổi vì sao có những quan niệm, những khuôn mẫu bỗng trở nên lỗi thời?

- Một tiến sĩ khoa tâm lý giáo dục lý giải rằng, xã hội càng đầy đủ vật chất, tiền của thì con người càng cảm thấy đời sống tinh thần tẻ nhạt, nhàm chán, ngay cả những nước thu nhập hàng chục ngàn đô la. Bởi thế người ta cảm thấy cuộc sống nhạt nhẽo, vô vị, cho nên phải cho thêm “muối” vào cho mặn.

- Riêng tôi thì thấy, hình như ở ta họ cho muối quá tay nên mặn đắng, mặn chát. Nhạt thì còn chữa được, chứ mặn quá… nuốt sao nổi.