Malaysia thiệt hại 252 triệu USD vì lừa đảo trực tuyến

ANTĐ - Trong năm 2015, người dân Malaysia đã thiệt hại tổng cộng 1,09 tỷ RM (hơn 252 triệu USD) vì các vụ lừa đảo trực tuyến, dù có nhiều thông tin được cảnh báo trên phương tiện truyền thông. Trang tin The Star đã chỉ ra 5 loại bẫy phổ biến để khuyến cáo người dân thận trọng hơn.

Malaysia thiệt hại 252 triệu USD vì lừa đảo trực tuyến ảnh 1Một buổi họp báo của cảnh sát Malaysia được tổ chức năm ngoái đã công bố ảnh những nghi phạm gốc Phi gây ra “bẫy tình yêu”

Phụ nữ là “con mồi” béo bở

Ông Mortadza Nazarene - người đứng đầu Cơ quan điều tra tội phạm thương mại quận Bukit Aman ở Thủ đô Kuala Lumpur cho biết, trong số các vụ lừa đảo trực tuyến năm ngoái, lừa tình dẫn đầu danh sách thiệt hại với 71 triệu RM (gần 18 triệu USD) tại Malaysia. Theo ông Nazarene, có  14.627 trường hợp lừa đảo qua internet vào năm 2015, so với 11.931 vụ vào năm 2014 với tổn thất 816 triệu RM. “Rất đáng báo động khi các vụ việc loại này có xu hướng tăng lên” - ông Nazarene cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời thông tin thêm, cảnh sát đã bắt giữ 610 kẻ lừa bịp hồi năm 2014 và 417 kẻ vào 2015.

90% nạn nhân trong những vụ lừa đảo liên quan tới đối tượng ở châu Phi là phụ nữ. “Con mồi” thường là những người cô đơn, cả tin, đang tìm kiếm tình yêu và cả những người được cho là có tính tham lam” - sĩ quan cảnh sát trên cho biết. Trong một trường hợp được dẫn ra, người phụ nữ 50 tuổi tên Marie, từng là giám đốc kinh doanh đã suýt mất 10.000 RM vì “tình yêu” 2 năm trước. 

“Tôi kết bạn với một người đàn ông qua trang mạng xã hội. Ông ta nói đang tìm một người bạn chân chính. Tình cảm của chúng tôi tăng lên sau 2 tháng liên lạc và ông ta nói muốn gặp tôi ở Malaysia” - bà Marie kể lại. Sau đó, bà nhận được cuộc gọi từ một công ty chuyển phát nhanh. Công ty này cho biết, một gói hàng được chuyển tới bà theo yêu cầu từ người đàn ông mà bà kết bạn được nói ở trên. Tuy nhiên, hàng bị kẹt lại ở hải quan và phải trả 10.000 RM để được nhận hàng. 

Một người bạn thân của Marie đã cảnh báo bà không nên chi tiền để nhận gói hàng. “Nhưng một người xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh cứ gọi cho tôi mấy lần sau đó để đàm phán về khoản tiền lấy hàng” - bà Marie nói. Cuối cùng, bà vẫn quyết định không chi tiền và gửi email cho “người tình” trên mạng với nội dung bà không cần món quà xa xỉ như thế, đồng thời đã báo cảnh sát về vụ việc này. 

Đa dạng bẫy lừa qua mạng

Hồi đầu năm nay, một nghiên cứu của Tập đoàn Telenor - công ty viễn thông đa quốc gia Na Uy với nhiều hoạt động ở châu Âu và châu Á cho thấy, Malaysia là quốc gia dễ bị tổn thương nhất do lừa đảo qua internet. Nghiên cứu này thăm dò 400 người, tuổi từ 18-65 tuổi tại 4 quốc gia là Malaysia, Ấn Độ, Singapore và Thái Lan. 

Trong khi Malaysia dẫn đầu với 46% số người được hỏi cho biết họ từng là nạn nhân của lừa đảo qua mạng, theo sau là Thái Lan với 43%. Hầu như những người thuộc 46% người Malaysia trên cho biết, họ dành gần 10 tiếng mỗi ngày để lang thang trên mạng và từng biết một người bạn hay người thân bị vướng vào bẫy lừa trực tuyến.

Trang The Star đã thống kê 5 loại bẫy lừa đảo qua internet để cảnh báo người dân. Cụ thể là: “Bẫy bưu kiện” - nạn nhân phải lòng đối tượng lừa bịp qua mạng xã hội và được hứa hẹn về một gói hàng để thể hiện tình cảm. Một “nhân viên hải quan” hay công ty chuyển phát nhanh sẽ liên lạc với nạn nhân đòi tiền thuế hoặc bảo hiểm đối với gói hàng. 

“Bẫy tình yêu” - nạn nhân bắt đầu một mối quan hệ tình cảm qua internet. “Người yêu” ngoại quốc sẽ bày tỏ ý muốn kết hôn, nhưng bị “bắt giữ” khi nhập cảnh. Nạn nhân được yêu cầu trả tiền để “người yêu” được thả. 

“Bẫy tiền đen” - kẻ lừa đảo thuyết phục nạn nhân rằng những tờ giấy có kích thước như tiền giấy có màu đen là tiền thật. Nạn nhân bị mê muội và trả tiền mua dung dịch “tẩy” chất nhuộm đen để có được những tờ tiền thật như hứa hẹn. 

“Bẫy đầu tư” - loại lừa đảo này xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ một cuộc điện thoại mời đầu tư tới một thư điện tử khuyến khích nạn nhân mua cổ phiếu. Nạn nhân sẽ được giới thiệu tới phần mềm siêu cờ bạc hoặc được hứa hẹn khấu trừ thuế hay hoàn lại tiền. 

“Bẫy Macau” - những đối tượng thường là người ở một số quốc gia Đông Nam Á, gồm         Indonesia, Lào, Philippines. Trong vỏ bọc là cảnh sát hay nhân viên ngân hàng, kẻ lừa đảo liên hệ với nạn nhân và nói rằng họ có hành vi vi phạm pháp luật, chẳng hạn như rửa tiền. Trong lúc hoang mang, nạn nhân sẽ chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo với mong muốn “tiền án” của mình được xóa bỏ.