Mai một làng lụa nghìn năm: Tham bát bỏ mâm

ANTĐ - Đến Vạn Phúc những ngày này, không ít người vốn yêu lụa Vạn Phúc thấy chạnh lòng trước sự vắng vẻ, đìu hiu của một làng nghề đang thoi thóp. Như một số làng nghề khác, hiện có không ít xưởng dệt ở Vạn Phúc phải ngừng hoạt động.

Bên cạnh những thước lụa tơ tằm Vạn Phú, không ít mặt hàng trôi nổi, hàng Trung Quốc vẫn được bày bán

Thật giả lẫn lộn

Dạo qua các cửa hàng ở làng lụa Vạn Phúc chúng tôi thấy đối lập với sự đơn điệu của các sản phẩm từ lụa, quần áo may sẵn, khăn quàng cổ được làm từ các loại vải khác nhau được bày bán tràn lan. Những trang phục này khá phong phú về kiểu dáng, từ trang phục mặc ở nhà như đồ bộ, áo yếm, quần lửng đến áo đầm công sở, đầm dạo phố, sơ mi nam… Bên cạnh mặt hàng lụa được sản xuất tại địa phương, hầu hết các cơ sở kinh doanh ở đây đều bán thêm “lụa ngoại” có nguồn gốc từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, song hàng Trung Quốc chiếm phần lớn. Tuy vậy, khi những loại lụa này được bày bán xen kẽ nhau và nếu không tinh mắt, khách hàng sẽ mua phải hàng kém chất lượng được sản xuất từ chất liệu sợi tổng hợp pha trộn với sợi tự nhiên, dễ phai màu và không bền được bán với giá lụa Vạn Phúc. Do có màu sắc bắt mắt, mẫu mã đa dạng, giá thành thấp nên hàng Trung Quốc tiêu thụ nhanh hơn nhiều so với hàng chính thống.

Chị Nguyễn Thị H -  chủ một cửa hàng bán vải, quần áo, đồ phụ kiện tại phố Lụa cho biết, bên cạnh số ít hộ dệt lụa tơ tằm chính hiệu, thì nhiều gia đình đã chuyển sang dệt lụa pha, dệt vừa nhanh, giá thành hạ lại dễ bán. Để duy trì sản xuất, một số cơ sở đã dần chuyển sang nhập sợi và cả hóa chất nhuộm của Trung Quốc. Đây là lý do vì sao trong làng có tới trên 60% cửa hàng bày bán hàng Trung Quốc và phần lớn là hàng pha.  

Cũng theo chị H, để nhận biết đâu là lụa tơ tằm “xịn”, đâu là lụa giả nhái, hàng pha kém chất lượng là không dễ vì cùng một loại tơ, máy dệt tương tự nhau, hàng nhái được sản xuất ngày càng tinh vi khiến ngay cả người trong nghề cũng khó phân biệt. Hiện nay lụa Vạn Phúc thông thường chia làm hai loại chính, loại cao cấp là sa tanh được làm từ 100% sợi tơ nguyên chất, có thể chập đôi, hoặc chập ba rồi se lấy sợi để dệt. Hoặc loại được pha với tỉ lệ 30%, 50%, 70% giữa tơ tự nhiên với sợi tổng hợp như cotton hay tơ nhân tạo (được làm từ sợi visco, polyester). Ngoài ra, khách hàng có thể phân biệt được sản phẩm dựa vào cảm quan khi cầm hai tấm lụa. Lụa Vạn Phúc dày nhưng mềm, mặt vải chặt, bóng, khi cầm sẽ có cảm giác nhẹ hơn vì được làm từ chất liệu tơ tằm, khi xé 2 mép luôn quăn. Lụa nhái thường mỏng, sợi tơ dệt nhỏ hơn, mật độ sợi thưa hơn, độ mịn và độ mềm mại kém. Hơn nữa, khách hàng có thể thử bằng cách đốt sợi lụa, nếu lụa 100% nguyên chất khi cháy sẽ có mùi khét như mùi tóc cháy. Lụa pha sợi visco khi cháy để lại tàn cứng, còn lụa pha sợi tổng hợp như cotton thì cháy không có mùi khét.

Giải pháp “cứu” làng lụa

Ông Phạm Khắc Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, cách đây khoảng 10 năm, Hiệp hội đã có quy định cấm các hộ kinh doanh không được bán sản phẩm lụa có xuất xứ từ nơi khác. Song do vấn đề này trái quy định, lại không khả thi nên từ lâu không còn áp dụng. Ưu điểm của lụa Vạn Phúc là ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như long phượng mây bay, lưỡng long song thọ, song hạc, các loại hoa cúc cũ, cúc mới, hoa nhỏ, triện thọ, hồng thọ, tre trúc... khiến các bộ trang phục trở nên sống động, bền đẹp. Nét độc đáo để phân biệt lụa Vạn Phúc là có hai mặt, khách hàng có thể may theo mặt vân dọc, hoa chìm hay vân ngang, hoa nổi. Với những loại hoa văn cầu kỳ, một ngày thợ chỉ có thể dệt khoảng 2 - 3m, trong khi đó cùng thời gian lụa thông thường có thể dệt được khoảng chục mét. Việc sản xuất ra một tấm lụa “xịn” thông thường phải mất 1,5 lạng tơ. Do giá tơ ngày càng cao, thành phẩm rất đắt nên tiêu thụ rất chậm khiến các hộ sản xuất thiếu mặn mà.

Điều đáng nói là hầu hết sản phẩm may sẵn hay vải lụa tại làng Vạn Phúc không có nhãn mác, hoặc nếu có chỉ ghi nội dung chung chung. Việc đóng dấu tên tuổi, niêm yết thương hiệu của nơi sản xuất vào sản phẩm còn chưa phổ biến. Điều này đã tạo ra sự nhập nhèm, lẫn lộn giữa hàng trôi nổi với hàng chính thống. Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội đã vận động người sản xuất dệt thương hiệu, địa chỉ sản xuất vào biên lụa. Tuy nhiên, cái khó là hiện nay đa phần người sản xuất ra vải chỉ làm hàng mộc, trong khi đó chỉ có hộ nào sản xuất từ đầu đến cuối đi giao cho các cửa hàng mới in tên thương hiệu của mình vào. 

Cũng theo ông Hà, cả làng nghề hiện có khoảng 100 gia đình với trên 230 máy dệt đang hoạt động. Để xác định thương hiệu du lịch Vạn Phúc là du lịch làng nghề, chính quyền phường Vạn Phúc đã và sẽ triển khai nhiều biện pháp như liên hệ với ngân hàng chính sách cho một số hộ làm nghề có điều kiện khó khăn được vay vốn (đã có 40 hộ được vay với số tiền 800 triệu đồng). Bên cạnh đó, sắp tới địa phương sẽ ban hành quy định mọi hộ kinh doanh phải chia ô rõ ràng trong việc bày bán sản phẩm, để khách có thể phân biệt được rõ ràng đâu là lụa Vạn Phúc đâu là sản phẩm khác. Để khuyến khích các hộ kinh doanh, Sở VH-TT&DL sẽ là đơn vị kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho những cửa hàng bố trí sản phẩm rõ ràng, minh bạch và chọn cửa hàng đó làm điểm đến của khách du lịch. Khi được chọn, chủ cửa hàng sẽ phải làm cam kết, nếu khách hàng có khiếu nại thì sẽ bị tước giấy chứng nhận và có trách nhiệm bồi thường cho khách. 

Để gìn giữ và phát triển nghề lụa, hiện Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc đã xây dựng được đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi dựng khung, phát triển mẫu, dệt logo thương hiệu vào biên vải để sẵn sàng hỗ trợ các gia đình có nhu cầu. Ngoài ra, Hiệp hội còn phối hợp với một số đơn vị khác mở lớp học bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về nghề dệt và sửa chữa máy dệt. Bên cạnh đó, Hiệp hội sẽ tham gia hỗ trợ để quảng bá sản phẩm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Để thương hiệu lụa Vạn Phúc đứng vững và ngày càng phát triển, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thì các hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu, tránh tình trạng vì lợi nhuận trước mắt mà làm mất đi nghề truyền thống cha ông đã phải mất hàng nghìn năm gây dựng.