Mai một làng lụa nghìn năm: Mập mờ đánh lận con đen

ANTĐ - Cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km, làng lụa Vạn Phúc, thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông nổi tiếng với nghề dệt lụa tơ tằm từ hơn nghìn năm trước. Song thời gian gần đây, thương hiệu lụa Vạn Phúc đang dần bị mai một, bởi kiểu kinh doanh mạnh ai nấy làm. 

Các cửa hàng san sát trong làng nghề khá vắng khách

Bán rẻ thương hiệu

Không khó để lý giải tại sao nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc đang mất dần uy tín và thương hiệu đối với khách hàng. Bởi lẽ, dễ dàng nhận ra tại nhiều cửa hàng lụa Vạn Phúc, các sản phẩm bày bán không phải là lụa “nguyên chất” mà được pha bằng các loại sợi công nghiệp. Các sản phẩm này có nhiều màu sắc, kiểu dáng bắt mắt và giá “mềm” hơn các sản phẩm chính thống. Chị Catherine Kate, một du khách người Anh băn khoăn: “Được một người bạn cho biết ở làng lụa Vạn Phúc có bán các sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống nên tôi đã tìm đến đây mua về làm quà cho bạn bè và người thân. Tuy nhiên, sau một hồi tham quan các cửa hàng, tôi không tài nào phân biệt được đâu là lụa tơ tằm Vạn Phúc. Bởi lẽ, chủ cửa hàng nào cũng giới thiệu sản phẩm của họ được làm từ lụa tơ tằm 100%, nhưng khi nhìn mặt vải và hoa văn tôi lại thấy chúng rất khác nhau”. Không chỉ khác nhau về chất lượng, chị Catherine Kate còn cho hay, cùng là một chiếc khăn choàng với mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu giống hệt nhau, nhưng mỗi cửa hàng mỗi giá, có cửa hàng là 500.000 đồng, nhưng ở một cửa hàng khác giá của nó lại là 280.000 đồng. Do sự chênh lệch về giá quá cao nên chị không biết phải trả giá thế nào cho hợp lý. Cuối cùng, sau cả một buổi chiều dạo qua quanh con phố lụa, chị Catherine đành thất vọng ra về.

 Là một người luôn dành tình yêu và sự trân trọng cho các sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống, bà Mai Lan, một Việt kiều Mỹ tâm sự: “Trước đây, mỗi khi có dịp tới Hà Nội, tôi lại tìm đến làng lụa Vạn Phúc để tham quan và chọn mua cho mình những sản phẩm đặc sắc, không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Song những năm gần đây, có dịp trở lại làng nghề truyền thống này, tôi đã không khỏi thất vọng vì sau nhiều năm, mô hình kinh doanh của các cửa hàng không có gì thay đổi. Các sản phẩm rất mờ nhạt, đơn điệu và chất lượng lụa cũng không được như trước…”.

Dù được mệnh danh là phố lụa, với hàng chục cửa hàng lớn, nhỏ nằm san sát nhau ngay trên trục đường chính của phường Vạn Phúc, nhưng điểm nổi bật mà chúng tôi nhận thấy đó là các sản phẩm được làm từ lụa tơ tằm bày bán trong các cửa hàng như khăn, quần áo, dép, túi xách... không chỉ kém phong phú về mẫu mã mà chất lượng của những sản phẩm này cũng không làm hài lòng khách hàng. Nhiều người cho biết, ngay tại “đại bản doanh” của lụa tơ tằm Vạn Phúc, chọn được thước lụa truyền thống, sắc nét, được dệt từ tơ tằm tự nhiên không phải là chuyện dễ.

Nhiều năm gắn bó với những thước lụa mềm mại truyền thống trong các thiết kế của mình, chị Mai Hương - một nhà thiết kế áo dài có tiếng ở Hà Nội chia sẻ, trước mắt, những người dân làng nghề Vạn Phúc vẫn có đất sống nhưng nếu cứ để tình trạng sản xuất, kinh doanh lộn xộn, thiếu quy hoạch như hiện nay, không sớm thì muộn chính những người dân sẽ đánh mất thương hiệu mà nhiều đời trước cha ông họ đã nỗ lực gây dựng…

Những khung dệt lụa như thế này ngày càng ít dần

Tự làm khó mình…

Chị Nguyễn Thuý N, chủ một cửa hàng ở đây cho biết, tùy theo chất lượng, mẫu mã mà lụa tơ tằm Vạn Phúc được bán với nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ, loại lụa sa tanh 100% tơ tằm, dày và bóng có giá dao động từ 250.000 - 350.000 đồng/m. Với loại  mỏng hơn, nhưng vẫn là 100% tơ tằm, lụa có giá khoảng 170.000 - 200.000 đồng/m. Loại lụa có chất lượng thấp, hoặc pha 50 - 70% sợi tổng hợp có giá từ 80.000 - 100.000 đồng/m.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vì không phát triển được thương hiệu có gia đình đã bán khung dệt, nhưng cũng có những gia đình vì tiếc nên giữ lại, mỗi lúc nhớ nghề hoặc khi có người đặt hàng, họ lại cho máy chạy. Mặc dù vẫn còn nhiều người yêu nghề, nhưng họ không thể tự vực nghề truyền thống của mình trong giai đoạn kinh tế nhiều biến động như hiện nay. Phần lớn các gia đình còn sống được với nghề lụa đều tự sản xuất, tự tìm địa điểm tiêu thụ. Chính vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của các gia đình chủ yếu mang hình thức sản xuất nhỏ lẻ, không có định hướng ngày càng phổ biến.

Sau một ngày rong ruổi khắp các cửa hàng ở làng lụa Vạn Phúc, chúng tôi đã tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, năm nay đã ngoài 70 tuổi - một người đã gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ để tìm hiểu về nghề dệt lụa truyền thống trong làng. Nói về nguy cơ mai một nghề, ông Chỉnh ngậm ngùi, nghề truyền thống nói chung, không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là nét đặc trưng văn hóa, là niềm tự hào của dân tộc. Chẳng vậy mà, nghề dệt lụa đã từng giúp người dân nơi đây có đời sống khấm khá. Trước đây, lụa Vạn Phúc đã từng được giới thiệu, quảng bá cho văn hóa Việt Nam, ở một số nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Canada, Hà Lan, CH Czech,… Tuy nhiên, do mẫu mã không phong phú, chất lượng chưa cao nên sau đó hàng đã không xuất được. Tuy lụa Vạn Phúc vẫn có mặt ở nhiều cửa hàng trung tâm Hà Nội như Hàng Gai, Hàng Trống,… để thuận tiện cho việc mua sắm của khách nước ngoài, nhưng nhiều vị khách vẫn muốn tìm đến tận nơi, để được tận mắt chiêm ngưỡng quy trình dệt ra những vuông lụa đẹp và để mua được tận gốc sản phẩm. Do vậy, việc lưu giữ, phát triển làng nghề Vạn Phúc đang cần được quan tâm một cách đúng mức. 

Khách du lịch tới Việt Nam rất muốn mua các sản phẩm truyền thống về làm quà. Với nguồn nguyên liệu sẵn có, thị trường tiêu thụ thuận lợi là những điều kiện cơ bản giúp lụa tơ tằm Vạn Phúc trở thành một trong những mặt hàng truyền thống quảng bá văn hoá đặc sắc của người Hà Nội với bạn bè quốc tế. Song, trên thực tế ước mơ về một thương hiệu uy tín đối với khách hàng trong và ngoài nước đang ngày một xa vời. Bởi, không ít các cửa hàng do chỉ quan tâm đến yếu tố lợi nhuận đã bày bán những sản phẩm kém chất lượng, mà trong số đó phải kể đến các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc…