Mai một dòng tranh cổ động

ANTĐ - Tranh cổ động - những tác phẩm từng là công cụ tuyên truyền phục vụ đắc lực cho các hoạt động chính trị, văn hóa… đang dần trở nên nhạt nhòa. Khi tranh cổ động ngày nay đang bị kỹ thuật đồ họa can thiệp, tranh vẽ thủ công với tâm huyết của thế hệ họa sỹ một thời dường như bị lãng quên… 

Tác phẩm“Không có gì quý hơn độc lập tự do” của tác giả Phan Thông (1967)

Sức lan tỏa của một dòng tranh

Tranh cổ động (hay còn gọi là tranh áp phích) là những sáng tác nhằm tuyên truyền, cổ động, quảng bá cho các hoạt động chính trị, văn hóa, thương mại… Ngay từ khi mới ra đời, tranh cổ động đã gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị và cuộc sống của người dân. Các tác phẩm gắn liền với tinh thần chiến đấu, lao động hăng say, sục sôi của dân tộc Việt Nam, tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Từ kêu gọi tổng tuyển cử, đồng lòng kháng chiến, tăng gia sản xuất, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt cho đến ca ngợi những tấm gương anh hùng, gương người tốt việc tốt…

Nhờ sức ảnh hưởng lớn của dòng tranh này, Xưởng tranh cổ động Trung ương được thành lập, với sự tham gia tích cực của Hội Mỹ thuật Trung ương, địa phương và nhiều tổ chức khác. Họa sỹ Đỗ Mạnh Cương - người có nhiều đóng góp cho Xưởng tranh cổ động, từng giành giải Nhất tranh cổ động toàn quốc năm 1977 nhớ lại, mỗi lần có đợt phát động sáng tác, anh em họa sỹ đều miệt mài, hăng say tìm cách thể hiện.

Những năm 1975-1976 sau thời kỳ giải phóng miền Nam, lớp lớp họa sỹ tự nguyện gia nhập phong trào vẽ tranh cổ động hòa cùng không khí phấn khởi, tự hào của cả nước. “Chúng tôi vẽ với tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết, ai có tranh được treo là hãnh diện vô cùng”.

Các họa sỹ có nhiều sáng tác chất lượng thời kỳ bấy giờ phải kể đến Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh Văn Thuận, Phạm Lung, Nguyễn Tiến Cảnh, Trường Sinh, Trần Mai, Lê Huy Trấp, Thục Phi… Mỗi người có một phong cách đặc trưng, chẳng hạn như họa sỹ Phạm Lung sử dụng màu rất ít, đơn giản nhưng tạo được ấn tượng, bắt mắt. Cũng theo họa sỹ Đỗ Mạnh Cương, tranh cổ động là minh họa cho khẩu hiệu nên ngôn ngữ phải cô đọng, dễ hiểu và có tính khái quát. Có một nguyên tắc là màu sắc được sử dụng trong tranh cổ động có tính tương phản cao, tác động mạnh mẽ đến thị giác. Bởi vậy, sáng tác tranh cổ động tưởng như đơn giản mà đòi hỏi người nghệ sỹ khả năng tư duy cao và sáng tạo trong cách thức thể hiện. 

Mai một dòng tranh cổ động ảnh 2
Tác phẩm “Trồng nhiều cam” của họa sỹ Đỗ Mạnh Cương
đoạt giải Nhất tranh cổ động toàn quốc năm 1977

Đâu rồi những tác phẩm có giá trị

Nếu như tranh cổ động từng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước thì ngày nay, không thể phủ nhận tranh cổ động đang mất dần vị thế vốn có. Sự phát triển của nhiều loại hình thông tin đã khiến sự xuất hiện của tranh cổ động ngày một thưa thớt. Công chúng xa rời, các họa sỹ cũng thờ ơ với việc sáng tác tranh cổ động. Dường như chỉ khi có đợt phát động nhân những sự kiện, ngày lễ lớn… thì mới lôi kéo được sự tham gia sáng tác của các họa sỹ.

Bên cạnh đó, nếu như trước kia, tranh cổ động thể hiện lối tư duy chặt chẽ, ý tưởng sâu sắc với quan điểm chính trị vững vàng của người cầm bút thì hiện nay, chất lượng dòng tranh này đang đặt ra một dấu hỏi lớn. “Nhiều tác phẩm nhạt nhòa về bố cục, nông cạn về ý tưởng nhưng vẫn xuất hiện nhan nhản ở các cuộc thi”, họa sỹ, tiến sỹ mỹ học Thế Hùng thẳng thắn nhận định. Những người cầm cân nảy mực ở các sân chơi đã khuyến khích nên hạn chế vẽ bằng vi tính, nhưng chính họ lại không thể phân biệt được đâu là tranh vẽ thật, đâu là tranh sao chép. 

Bên cạnh lớp họa sỹ tài năng và có tâm huyết, có không ít trường hợp lấy ý tưởng, ảnh của các tác giả khác để cắt ghép, biến thành tranh của mình. Theo họa sỹ Lai Thành, tranh cổ động đi theo xu hướng “ảnh hóa”, nhiều người sử dụng nguyên những bức ảnh vào trong tác phẩm rồi tùy ý thêm bớt, chỉnh sửa. Sự phát triển vượt bậc về kỹ thuật vẽ tranh đồ họa, tuy đem lại cách thể hiện đa dạng hơn cho loại tranh này nhưng vô tình khiến những bức tranh cổ động trở nên khô cứng, thiếu tư duy sáng tạo. Những tác phẩm có giá trị lớn về nội dung, tư tưởng giờ đã biến mất. Nhiều người mong muốn được tìm lại những tuyệt phẩm ngày xưa, chỉ biết tìm về ở khu vực phố cổ, nơi vẫn còn bày bán một số những bức tranh nguyên bản. Còn những họa sỹ đi trước vốn nặng lòng với cách vẽ truyền thống cũng chỉ biết ngậm ngùi: “Biết làm sao được…”.