Mạch ngầm nguy hiểm

(ANTĐ) - Kiến nghị của các điều tra viên Trung Quốc xin lệnh bắt thêm một số giám đốc điều hành thép bản địa bị nghi đã trao các bí mật thương mại cho Tập đoàn khai mỏ Rio Tinto (liên doanh Anh - Australia) cho thấy tình báo công nghiệp đang thách thức sự phát triển.

Mạch ngầm nguy hiểm

(ANTĐ) - Kiến nghị của các điều tra viên Trung Quốc xin lệnh bắt thêm một số giám đốc điều hành thép bản địa bị nghi đã trao các bí mật thương mại cho Tập đoàn khai mỏ Rio Tinto (liên doanh Anh - Australia) cho thấy tình báo công nghiệp đang thách thức sự phát triển.

Công nghệ hiện đại luôn là mục tiêu của tình báo công nghiệp
Công nghệ hiện đại luôn là mục tiêu của tình báo công nghiệp

Thông tin này được đăng trên tờ “Nhật báo kiểm sát” sau khi phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin Viện Kiểm sát nước này đã chính thức thông qua lệnh bắt ông Stern Hu và 3 nhân viên khác của Rio Tinto tại Thượng Hải với cáo buộc “xâm phạm bí mật thương mại và hối lộ”. Hóa ra bao lâu nay, giới chức quản trị của 16 nhà máy cán thép Trung Quốc tham gia đàm phán về giá quặng sắt với Australia đều đã bị các nhân viên Rio Tinto hối lộ. Bằng cách đó, Rio Tinto đã có trong tay nhiều thông tin nhạy cảm mà Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) chuẩn bị cho các cuộc thương lượng mua bán.

Trung Quốc có khoảng 1.200 nhà máy cán thép trên toàn quốc, đa số là vừa và nhỏ và đều không có giấy phép nhập khẩu nên phải mua quặng từ các hãng lớn có giấy phép. Do nhận hối lộ nên các hãng lớn không quan tâm tới giá quặng khi đàm phán với Australia, mọi thiệt hại vì thế đều đổ lên đầu các hãng vừa và nhỏ chiếm đa số trong ngành thép Trung Quốc.

Nếu quy ra tiền, các chuyên gia kinh tế tính rằng tổn thất do vụ này với Trung Quốc lên tới 700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 102 tỷ USD). Số tiền này lớn gấp đôi tổng lợi nhuận cùng thời kỳ của ngành thép cả nước Trung Quốc. Nó cũng vượt quá tổng thu nhập tài chính của 4 thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh và tỉnh Liêu Ninh trong một năm. Con số trên còn có nghĩa là những kẻ nhận hối lộ đã biếu không cho các đối tác một số tiền tương đương 10% GDP của Australia.

Tình báo công nghiệp đã trở thành những mạch ngầm nguy hiểm, bí mật len lỏi dưới tầng móng của những “tòa nhà kinh tế”. Và chỉ khi “tòa nhà” rạn nứt hoặc sụp đổ thì người ta mới thấy quy mô tàn phá khủng khiếp của nó. Không riêng gì Trung Quốc, nhiều nước, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng do hoạt động của gián điệp kinh tế. Chẳng hạn Tập đoàn POSCO, một đại gia ngành thép Hàn Quốc, từng suýt thiệt hại tới 15,3 tỷ USD nếu như không ngăn chặn được 4 kỹ sư làm việc cho chi nhánh POSCO ở Mỹ tìm cách tuồn công nghệ nguồn không dây cho nước ngoài. Cường quốc kinh tế Mỹ mỗi năm cũng thiệt hại vài chục tỷ USD do hoạt động tình báo công nghệ.

Việc các điều tra viên Trung Quốc muốn bắt thêm các giám đốc điều hành người bản địa trong vụ Rio Tinto cùng việc Chính phủ nước này cân nhắc việc hủy bỏ hiệu lực 20 giấy phép nhập khẩu quặng sắt nhằm chỉnh đốn lĩnh vực nhập khẩu quặng đang khá lộn xộn hiện nay cho thấy Bắc Kinh đang mạnh tay với nạn tình báo công nghiệp. Vấn đề đặt ra là các nước quan tâm phát triển khoa học và công nghệ, dù muốn hay không đều buộc phải đầu tư cho tình báo công nghệ, một mặt để có được những bí quyết công nghệ của nước khác, mặt khác nhằm bảo vệ được các bí quyết công nghệ của chính mình.              

Hoàng Sơn