Mắc kham - thứ quả lạ gây “sốt” mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xuất phát từ một bài đăng trên mạng xã hội, thứ quả lạ có cái tên cũng lạ - mắc kham - bỗng trở nên có sức hút khiến nhiều chị em nội trợ rủ nhau tìm kiếm. Mắc kham vốn được gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc Nùng, Tày ở các tỉnh miền núi, và nó cũng có một cái tên khác thông thuộc hơn là me rừng. Mắc kham thường mọc tự nhiên và phân bố ở khu vực đồi núi các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… và thường chín vào mùa thu, từ tháng 9, tháng 10.

Trái cây nhắc nhớ tuổi thơ

Sẽ rất khó để tìm mua được thứ quả này ở nơi phố thị, bởi nó chỉ được bán ở những phiên chợ vùng cao. Nơi đó có các cô, các chị sau khi hái quả từ trên rừng, đựng trong những chiếc bao tải dứa bày bán bên đường của khu chợ phiên. Khách du lịch đi qua thấy thứ quả tròn tròn, xanh trong như hạt ngọc, lại còn chia thành những múi đều tăm tắp hẳn đều thích thú tò mò mua thử. Chỉ có điều, người lạ lần đầu ăn thì quả là một thử thách. Thế nên, nó còn được gọi bằng nhiều phiên bản khác như “quả tình yêu”, “quả khổ trước sướng sau”, hay đơn giản là “quả chua chát”.

Cũng giống như quả sấu, quả chanh… mắc kham cũng có vị rất mạnh khi mới cắn miếng đầu tiên. Đó là vị chua khiến một số người nhăn mặt, tiếp theo là vị chát, khi nuốt còn cảm thấy hơi nghèn nghẹn ở cổ. Tuy nhiên, nếu từ tốn thưởng thức từng chút một thì hậu vị của nó lại ngọt, cái vị ngọt thanh và lưu lại rất lâu trong miệng khiến ai ăn rồi sẽ nhớ rất lâu. Cái hay và lạ nữa là chỉ cần ăn một vài quả thôi, sau đó ăn hay uống bất cứ thứ gì cũng thấy ngon hơn, từ cốc nước lọc hay chén trà mạn cũng đều trở nên ngọt vị, một vị ngọt rất lạ, rất dễ chịu.

Trên mạng xã hội, những người thuộc thế hệ 7x, 8x trở về trước, khi bắt gặp hình ảnh trái mắc kham thì đều chia sẻ cảm xúc và kỷ niệm khó quên. Chị An Huỳnh kể:“Một mớ ký ức ùa về, cứ ngày cuối tuần cả đám rủ nhau vào rừng vặt quả đầy vạt áo để đem về chấm muối ăn dần”. Hay chị Nguyễn Dung bảo: “Tuổi thơ của những bà U60 như tôi, cho vào miệng cắn thì chua và đắng chát, nhưng khi nuốt xong thì cổ họng đọng lại vị ngọt dịu rất lâu. Phải hơn hai chục năm rồi mới thấy lại quả này, nghĩ thấy thôi mà đã thèm, ôi tuổi thơ của tôi”. Chị Hồng Nhung thì viết: “Tuổi thơ tôi vào rừng hái củi, gặp cây mắc kham ăn đã đời rồi xuống khe suối uống ngụm nước nó đã lắm, tan hẳn mệt mỏi luôn”. Rất rất nhiều những cảm xúc chị em với thứ quả mộc mạc, mới ăn thì muốn bỏ đi, nhưng ăn rồi lại nhớ mãi không quên. Bởi thế muốn tìm lại cái vị ngọt ấy, nhiều chị em đã miệt mài tìm mua cho bằng được để nhớ về tuổi thơ bình dị.

Mắc kham hiện nay thường được người dân Lạng Sơn, Cao Bằng… mua về ướp chua ngọt để ai cũng ăn được. Nó cũng khá được chuộng ở bản địa khi vào mùa. Thường họ mua trữ lại để ngâm dành tới Tết bán như một thứ ô mai mà người thành phố vẫn bán vào cuối năm. Giá loại quả này khá rẻ, dao động trong khoảng từ 20-40 nghìn đồng/kg, nhưng số lượng cũng không có nhiều do đây là loại cây mọc tự nhiên và không phải dễ ăn với nhiều người.

Những công dụng bất ngờ

Thật bất ngờ, không chỉ riêng ở Việt Nam, quả mắc kham được bán trong siêu thị của nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ… Theo Đông y, mắc kham có tính mát, ngọt, chứa nhiều vitamin A, vitamin C… rất tốt trong việc thanh lọc cổ họng và xử lý chứng viêm họng, cảm sốt… Trong dân gian, mỗi khi bị ho hay đau họng, người ta vẫn khuyên nhau ngậm vài quả là sẽ khỏi bệnh. Hiện nay, ở Thái Lan họ sản xuất hẳn một loại thuốc chữa viêm họng từ chính quả mắc kham rừng. Hay như ở Ấn Độ, Trung Quốc… họ lại sử dụng mắc kham khô trong việc chăm sóc mái tóc đen, khỏe và mượt.

Ở Việt Nam, mắc kham chưa được sử dụng nhiều trong các thành phần thuốc như một số nước, cũng không phải là trái cây được bày bán trên kệ hàng. Chúng thường chỉ được bày bán nhỏ lẻ ở những phiên chợ quê, hay được chế biến thành những hũ trái cây ngâm bán lẻ tẻ ở một số địa điểm ăn uống như Cao Bằng, Lạng Sơn. Bởi thế, rất nhiều người thấy ngạc nhiên vì thứ quả rừng có vị đặc trưng, lạ lùng này.

Những ngày tháng 9, 10, tại các chợ phiên ở Cao Bằng thường bày bán quả mắc kham. Quả mắc kham ăn có vị chát, chua, hơi đắng, khi nuốt xong đầu lưỡi có vị hơi ngọt. Cây mắc kham mọc ở các đồi trọc, bãi hoang, trong rừng, quanh nương rẫy cao, hoa màu vàng mọc thành tán ở nách. Quả, lá và rễ cây là những bộ phận được sử dụng làm thuốc. Vào mùa quả chín, người dân hái quả mang về phơi khô hoặc ướp muối, ngâm rượu để dùng dần. Hiện nay, quả mắc kham được nhiều người tìm mua về ngâm đường và ngâm rượu để làm thuốc và vận chuyển về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.