Ma tuý tổng hợp: Dừng lại trước khi quá muộn!

ANTĐ - Từ tâm lý “thử một tí cho biết”, ma túy tổng hợp cũng như heroin, sẽ khiến người sử dụng phải lệ thuộc thường xuyên. Nhưng nguy hại hơn heroin, ma túy tổng hợp thường có xu hướng lôi kéo nhóm đông cùng sử dụng. Và khi đã trở thành “nô lệ” của ma túy “điên”, những hành vi bột phát thể hiện cũng manh động, nguy hiểm hơn nhiều so với các chất ma túy khác.

Những “dân bay” này đang tự đánh mất mình


Liên tục tìm tự tử

Minh chứng kinh khủng nhất cho nạn nhân của ma túy tổng hợp là Tuấn, 30 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, Tuấn nghỉ học sớm rồi tối ngày ngao du cùng đám bạn. Năm 2004, Tuấn “bập” vào heroin. Ngót nghét chục lần đi cai tự nguyện và bắt buộc, đang từ trên 70kg, Tuấn chỉ còn hơn 50kg, vẫn không bỏ được “cái chết trắng”. Đầu năm 2011, không hiểu nghe ai “tư vấn”, Tuấn dừng sử dụng heroin chuyển sang… ma túy tổng hợp. Để chế ngự những cơn ghiền heroin, Tuấn buộc phải sử dụng ma túy tổng hợp liều cao. Và chỉ vài tháng sau, những biểu hiện tâm lý bất thường đã xuất hiện ở gã trai 30 tuổi.

Khi nhập viện, bác sỹ chẩn đoán Tuấn bị hoang tưởng, cấp độ nặng nhất của việc sử dụng ma túy tổng hợp. Trong suy nghĩ của Tuấn luôn nung nấu ý định tìm đến cái chết. Những ngày đầu nhập viện, bác sỹ phải cho Tuấn liều thuốc cao nhất, bởi diễn biến bệnh lý của anh ta quá nặng. Nhiều bệnh nhân khác sau thời gian khoảng 10 ngày nhập viện, bệnh tình sẽ được kiểm soát, không tiếp tục những hành vi phá phách, bất thường. Song Tuấn lại khác. Trong một bữa ăn, anh ta bất ngờ bẻ đôi chiếc đũa rồi cầm hai đoạn đũa… chọc thẳng vào tai. Rất may, đội ngũ nhân viên của bệnh viện trực tại đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn ý định tự sát của Tuấn. Lần thứ hai sau đó gần 1 tuần, trong đêm, Tuấn cởi áo tạo thành sợi dây, thòng lên cửa sổ và chui đầu vào. Tiếng hô hoán của những bệnh nhân cùng phòng đã giúp Tuấn thoát khỏi cái chết. Song điều đáng ngại nhất là chứng bệnh của Tuấn chắc chắn sẽ còn đeo đẳng trong cuộc đời anh ta.

“Hơn 90 trường hợp đến và đang được điều trị tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội, mỗi trường hợp là sự ám ảnh xót xa đối với đội ngũ y, bác sỹ điều trị”, bác sỹ Lý Trần Tình cho biết. Có trường hợp nhập viện trong tình trạng cơ thể đầy những vết sẹo, vết xước, hỏi ra mới biết họ là nạn nhân của ma túy tổng hợp; đã tự thương bởi cơn hành hạ của “ma túy điên”. Có những cô gái trẻ, khi tỉnh lại mới biết đau, biết ân hận vì những dấu tích trên cơ thể, thì đã muộn. Lại có bệnh nhân từng nhiều lần ra viện rồi nhập viện; lần xét nghiệm nào cũng cho thấy bệnh nhân này bỏ được ma túy tổng hợp. Nhưng hệ lụy của nó đã bám rễ, ăn sâu. Loạn thần lúc nào cũng có tiếng nói trong đầu là hậu quả của những trận “bay” mà bệnh nhân đó từng tham gia.

“Hình thức” đẹp, nhưng đây là những “đồ nghề” chết người để hại “dân bay

Đánh mất tương lai

Trong chưa đầy 1 tuần cuối của tháng 12 này, các lực lượng Công an Hà Nội liên tiếp phá 3, 4 “động bay”, bắt giữ cả trăm “dân bay” đang trong trạng thái không làm chủ được bản thân mình. Đa số họ đều rất trẻ, thậm chí, có cả trí thức trong nhóm “dân bay” bị đưa về trụ sở cơ quan công an. Đối tượng tổ chức “bay”, nơi chứa chấp những hành vi này sẽ bị pháp luật xử lý. Song những bạn trẻ đã và đang “gắn bó” với ma túy tổng hợp, họ đã ý thức được điều gì sẽ đến với chính bản thân, nếu cứ mãi sử dụng thứ ma túy “điên” kinh khủng này. Tôi từng tiếp xúc với một “dân bay” vốn là kỹ sư giỏi về công nghệ thông tin; nhưng anh này thậm chí không nhớ nổi “pát-uốt” (mật khẩu) máy tính của mình khi bật máy. Lại có “dân bay” bị bắt về hành vi tàng trữ ma túy tổng hợp, khi đã “yên vị” ở cơ quan công an vẫn hăm hở xoay bàn tay phải và khăng khăng cho rằng “đang phóng xe máy trên đường cao tốc”. Bi hài nhất là “dân bay” sau khi “phê” thuốc đã đến khu vực chợ “Trời”, trong túi có bao nhiêu tiền dốc hết để mua vỏ điện thoại di động bởi lý do: “không mua hàng sẽ hết”.

Như một sự tất yếu, đã dính vào ma túy tổng hợp, người sử dụng thường thích thay đổi “thuốc” cũng như tăng độ mạnh để thỏa mãn nhu cầu “bay”. Sự “tất yếu” này bị những kẻ cung cấp ma túy tổng hợp lợi dụng. Chúng cấu kết với những đường dây, đối tượng sản xuất ma túy tổng hợp giả, chất lượng kém để bán cho “dân chơi”. Một điều tra viên CAQ Hoàn Kiếm, Hà Nội kể, từng có “dân bay” khi bị bắt đã liên tục kêu gào khát nước và liên tục cào vào vùng ngực. “Dân bay” này nói rằng tim, phổi anh ta như có lửa đốt. Nhiều khả năng, đó là hệ lụy của những loại ma túy tổng hợp trôi nổi hàng đêm trong các vũ trường, quán bar, được các “dân bay” sử dụng bầy đàn và… phát bệnh cũng bầy đàn.

“Qua báo chí, làm thế nào chúng ta có được thông tin, khuyến cáo khẩn cấp đến những người đang sử dụng ma túy tổng hợp hiện nay. Đừng coi đó chỉ là phút vui chơi, tìm cảm giác mới. Đặc tính của ma túy chính là sự âm thầm “giết người”; nó khiến người ta “chết” mà không hiểu vì sao mình chết”, một bác sỹ bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ với tôi. Dừng lại trước khi quá muộn! Sự cảnh báo này cần thiết với không chỉ những người đang “dính” vào ma túy tổng hợp, mà với cả cộng đồng. Rõ ràng, từ tuyên truyền đến quản lý, phát hiện và đấu tranh những vấn đề liên quan đến hiện tượng phạm tội, sử dụng ma túy tổng hợp nói riêng đang còn rất nhiều “lỗ hổng”.

Tin cùng chuyên mục