Ma trận máy lọc nước

ANTĐ - Ô nhiễm nguồn nước là mối lo của tất cả mọi người vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, vì vậy nhu cầu mua máy lọc nước đang rất “nóng”. Nhưng khảo sát trên thị trường, có thể thấy máy lọc nước đang loạn thương hiệu, loạn giá trong khi chất lượng thì tù mù.

Ma trận máy lọc nước ảnh 1

Mở hội thảo để… mời mua máy lọc nước

Chị Nguyễn Thu P. mới lắp đặt một máy lọc nước với giá 5,5 triệu đồng mà theo quảng cáo là sử dụng công nghệ Nano, chiếc máy có tên NanoHome của một công ty có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội. Theo lời kể chị P., trước đó có một nhóm người thuộc doanh nghiệp này đến khu dân cư nơi chị sinh sống đề nghị mượn địa điểm để tổ chức một buổi hội thảo về nước sinh hoạt, đồng thời có thông báo xét nghiệm chất lượng nguồn nước sinh hoạt miễn phí cho hộ gia đình có nhu cầu.

Tại buổi nói chuyện, những người này chủ yếu nói về những hạn chế của các loại máy lọc nước đang phổ biến trên thị trường như tốn điện, tốn nước do có đường nước thải. Hơn nữa máy lọc “sạch quá” nên uống cũng không tốt, vì thiếu các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Và rằng hiện nay hầu hết máy lọc nước trên thị trường đều có nguồn gốc Trung Quốc nên phải tẩy chay. Đồng thời, sau khi xét nghiệm nước nhà chị bằng một dụng cụ giống như que test, những người này cho biết nguồn nước nhà chị đảm bảo an toàn.

Đến chiều, có một nhân viên quay lại hỏi chị P xem có lắp máy lọc nước hay không, vì họ đang có chương trình khuyến mãi nên giá rẻ, chỉ 5,5 triệu đồng/máy. Đây là máy lọc nước sử dụng công nghệ Nano do Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nghiên cứu, không dùng điện, không có nước thải, chất lượng nước lại tốt cho sức khỏe.

“Nghe máy do Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nghiên cứu thì tôi rất tin tưởng, hơn nữa một số hàng xóm nhà tôi lắp loại máy này giá lên tới gần 7 triệu đồng/máy nên tôi không ngần ngại lắp ngay một chiếc”- chị P. kể. Tuy nhiên, điều chị P. lo ngại là sau khi lắp máy lọc nước, chị P. gọi điện đến Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam hỏi về loại máy này thì nhận được câu trả lời Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam không hề liên kết hoặc chuyển giao công nghệ máy lọc nước Nano cho bất kỳ doanh nghiệp nào.

Không chỉ riêng khu dân cư chị P. sinh sống, việc quảng cáo bán máy lọc nước thông qua các buổi hội thảo, mời xét nghiệm nước miễn phí hiện nay khá phổ biến tại Hà Nội. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ đặt vấn đề với người đứng đầu khu, tổ dân phố để mượn địa điểm tổ chức các buổi hội thảo, đồng thời thông qua tổ trưởng dân phố nhờ phát giấy mời đến từng hộ dân khiến nhiều người tin tưởng.

Tuy nhiên, kịch bản là sau khi nói chuyện về các vấn đề liên quan đến nước, thị trường máy lọc nước, kiểm tra nước cho người dân thì đến đoạn cuối là… quảng cáo và mời mua máy lọc nước. Trong khi đó, dụng cụ thử máy lọc nước khá đơn giản, là các loại bút hoặc que test nguồn gốc Trung Quốc, hay thậm chí một số doanh nghiệp sử dụng dụng cụ điện phân phân tích nước nhưng thực ra kết quả không chính xác.

Không biết đâu mà lần

Dạo quanh thị trường máy lọc nước, phóng viên không khỏi hoa mắt vì đếm sơ qua cũng có tới trên dưới 30 nhãn hàng máy lọc nước khác nhau với xuất xứ, giá cả và công nghệ đa dạng như: Kangaroo, Kanofi, Geyser, Jenpec, Coway, Nanohome, Nanosky, Nanomax, Hanico… Theo một chủ đại lý trên đường Trường Chinh thì hiện nay có hai công nghệ máy lọc nước chủ yếu là công nghệ RO và công nghệ Nano. Trong đó máy lọc nước sử dụng công nghệ RO thì phải sử dụng điện và có nguồn nước thải, máy cũng cồng kềnh hơn.

Trong khi máy lọc nước sử dụng công nghệ Nano thì gọn nhẹ, không dùng điện và không có nước thải. “Những năm trước máy RO chiếm ưu thế nhưng vài năm trở lại đây nhiều người đã chọn lựa công nghệ Nano” - người bán hàng cho biết. Cũng theo người chủ đại lý này, thì giá cả máy lọc nước cũng khác nhau dao động từ 3 triệu đồng (máy Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia hoặc hàng liên doanh) cho tới gần chục triệu đồng đối với các loại máy nhập khẩu Nga, Nhật, Mỹ, Thụy Sĩ…

Có thể thấy, trên thị trường máy lọc nước, chiếm số lượng áp đảo là các loại máy nhập khẩu và liên doanh, trong khi đó hàng Việt Nam lại rất hạn chế. Theo tiết lộ của một nhân viên kinh doanh máy lọc nước đã “giải nghệ”, hiện nay các loại máy lọc nước trên thị trường dù quảng cáo nhập khẩu từ Nga, Mỹ, Nhật… nhưng 90% nhập khẩu linh kiện, màng lọc từ Trung Quốc. Chiêu làm giá của các doanh nghiệp là lắp rất nhiều lõi lọc, tầng lọc không cần thiết, trong khi mỗi lõi này giá nhập chỉ vài chục nghìn nhưng khi đến tay người tiêu dùng lên tới vài trăm nghìn đồng. Chưa kể không ít cửa hàng còn trà trộn lõi lọc giả, nhái để kiếm lời. 

Trở lại chuyện chiếc máy lọc nước NanoHome mà gia đình chị P. lắp đặt, chúng tôi đã trực tiếp gọi điện đến doanh nghiệp này để xác minh thông tin và được nhân viên cho biết đó là máy lọc nước sử dụng công nghệ Nano của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, có giá bán tại công ty là 6.899.000 đồng. Trên nhiều trang mạng, trên website của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh loại máy lọc nước này là Công ty CP Lâm Việt Thiên Thanh cũng đăng những thông tin tương tự, thậm chí một số tin rao bán máy lọc nước NanoHome còn đăng kèm video giới thiệu về công nghệ lọc nước NanoVast của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam.

Chúng tôi đã tìm đến Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam để xác minh rõ hơn về những thông tin này. Kỹ sư Phạm Văn Lâm thuộc phòng Hóa vô cơ, Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) - cha đẻ của công nghệ lọc nước NanoVast khẳng định đến thời điểm này, Viện chưa từng hợp tác hay chuyển giao công nghệ cho bất kỳ doanh nghiệp nào.

Về Công ty Lâm Việt Thiên Thanh, ông Lâm cho biết cách đây 3 năm, doanh nghiệp này đã đến đặt vấn đề mua 50kg vật liệu của Viện để lắp vào máy, bản thân ông Lâm khi được hỏi về công nghệ đã tư vấn nhưng không chuyển giao công nghệ hay chia sẻ lợi ích. Thế nhưng một thời gian sau, doanh nghiệp này sản xuất máy lọc nước hàng loạt và ngang nhiên quảng cáo sử dụng công nghệ Nano của Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam.

Khi nhận được nhiều phản ánh của khách hàng hỏi về việc sản phẩm có đúng là của Viện không, các cán bộ mới “ngã ngửa” và Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cũng đã có văn bản gửi đến doanh nghiệp này yêu cầu chấm dứt việc mạo danh Viện để quảng cáo sản phẩm.

Tuy nhiên từ đó đến nay, doanh nghiệp này vẫn “lờ” đi yêu cầu của Viện, tiếp tục quảng cáo sai sự thật. “50kg vật liệu chỉ lắp ráp được 50 máy lọc nước và cũng chỉ có hạn sử dụng tối đa 2,5 năm, vì vậy tôi khẳng định đến thời điểm này các máy lọc nước của Công ty Lâm Việt Thiên Thanh không còn sử dụng công nghệ của chúng tôi” - kỹ sư Phạm Văn Lâm nói. 

Đừng để đề tài nghiên cứu “cất trong ngăn tủ”

Với mục đích xử lý các nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, gần đây rất nhiều đơn vị khoa học trong nước đã đầu tư nghiên cứu các công nghệ lọc nước khác nhau, trong đó chủ yếu là công nghệ Nano. Tuy nhiên trên thực tế, đa phần trong số đó đều nằm “đắp chiếu”. Với công nghệ NanoVast của Viện Hóa học, đến thời điểm này Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cũng mới chỉ trực tiếp sản xuất vật liệu Nano và lắp ráp một số lượng ít máy để bán trực tiếp cho người dân mà chưa tìm được đơn vị để chuyển giao công nghệ.

Ngay cả khi bị lợi dụng tên tuổi, Viện cũng không thể “đòi lại công bằng” được. Trả lời vấn đề này, kỹ sư Phạm Văn Lâm cho rằng: “Chức năng của Viện Hóa học là nghiên cứu khoa học, không có chức năng sản xuất, kinh doanh, vì vậy việc đưa sản phẩm ra thị trường rất khó nếu không tìm được đơn vị phù hợp để chuyển giao công nghệ”.

Tương tự, tại phòng Hóa học xanh thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng, máy lọc nước GFLife, là hệ máy khắc phục được những nhược điểm của cả công nghệ RO và Nano. Đây là sản phẩm kế thừa và phát triển từ đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vật liệu và công nghệ xử lý nước cấp an toàn sinh học có sử dụng nano bạc”, năm 2010 của phòng Hóa học xanh.

Tuy nhiên, với giải thích “nhà khoa học nhiệm vụ chính là nghiên cứu, còn sản xuất ở quy mô lớn và đưa sản phẩm ra thị trường không phải là thế mạnh”, những nhà nghiên cứu ra công nghệ này cũng mới chỉ dừng lại ở sản xuất, lắp ráp quy mô nhỏ để bán lẻ.

Với những bất cập chưa thể giải quyết, hiện nay chúng ta vẫn đang phải chấp nhận một nghịch lý, trong khi có công nghệ tốt nhưng người dân vẫn phải sử dụng những loại máy lọc nước chất lượng tù mù. Đã đến lúc Nhà nước cần có những chính sách thiết thực để những đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao không bị “cất trong ngăn tủ”. 

KS Phạm Văn Lâm khuyến cáo, trong điều kiện các loại máy lọc nước thật giả lẫn lộn như hiện nay người dân khi mua máy lọc nước cần chú ý thẩm tra kỹ nguồn gốc máy, mua của các doanh nghiệp, đơn vị uy tín. Nước qua máy lọc chỉ được khẳng định đảm bảo khi được kiểm nghiệm và kết luận an toàn tại các Viện nghiên cứu hoặc các đơn vị thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng là các đơn vị uy tín và độc lập với doanh nghiệp.