“Ma ngón” gây họa ở Tây Bắc

ANTĐ - “Ma ngón” là cái tên khác của cây lá ngón - loại độc dược bảng A đã và đang gây ra nhiều cái chết thương tâm ở miền núi Tây Bắc nước ta. Điều đáng buồn là chúng ta không có một phương pháp khả thi nào để ngăn chặn thảm hoạ từ loại cây ma quái này.

“Ma ngón” đang hoành hành ở nhiều bản làng

Lá ngón mọc nhiều như cỏ dại

Bản Mỹ Á, xã Thu Cúc (Tân Sơn - Phú Thọ) nằm ở độ cao nhất của tỉnh Phú Thọ, là nơi tiếp giáp với tỉnh Yên Bái và Sơn La, địa hình rất phức tạp. Bản 100% là người Mông di cư từ các nơi khác đến. “Ma ngón” vẫn đang len lỏi lên từng mái nhà vốn rất bình yên nơi đây.

Anh Mùa A Sua - Công an viên bản Mỹ Á ngậm ngùi: “Ở đây lá ngón nhiều như rau. Ra ngõ, đi ven đường, lên nương rẫy, vào rừng chỗ nào cũng thấy. Mà cũng lạ cái loài cây này, không gieo không trồng mà sao mọc khỏe thế. Cứ bứng cây đi thì vài ngày sau nó lại mọc một cây khác”.

Ông Sùng A Tủa - Trưởng bản Mỹ Á thì than thở: “Tôi mới chỉ làm trưởng bản được một thời gian ngắn mà đã phải chứng kiến mấy cái chết thương tâm rồi. Đau lòng lắm, nhưng cái thuốc độc nó lù lù ngay ven đường thì làm sao tránh được”. Nói rồi, ông Tủa dẫn chúng tôi ra ngõ, chỉ tay về phía lùm cây nở hoa vàng tươi rói bảo: “Đấy, nó mọc nhiều lắm, tôi về đây đã thấy lá ngón nhiều như cây rừng rồi. Lúc trước, bao nhiêu người chết vì loài cây này mà cả bản không có cách ngăn chặn”.

Ở Phú Thọ, Mỹ Á được xem là “thủ phủ” của lá ngón. Sơn La cũng không kém, thậm chí khủng khiếp hơn rất nhiều. Xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) còn bị lá ngón “tấn công” vào tận trạm y tế xã. Ở xã này, hàng trăm người tử vong vì lá ngón: bị bố cấm đi chợ, tìm đến lá ngón, chồng lười nhác, vợ ăn lá ngón cho chồng biết mặt.

Vượt Sơn La lên tới tỉnh Điện Biên, người lạ ngay lập tức nhận ra loài hoa vàng nở vên vệ đường. Nhưng nếu đến với huyện Điện Biên Đông, không cẩn thận, người lạ sẽ hái nhầm loài hoa vàng rực rỡ này với hoa cúc quỳ bung nở. Và càng ngày, “ma ngón” càng đua nở với các loại cây khác, những cái chết cũng theo đó tăng lên theo cấp số nhân. 

Nhiều đứa trẻ mồ côi vì bố mẹ ăn lá ngón

Con mồ côi, chồng mất vợ

Ở bản Mỹ Á của Phú Thọ theo con số thống kê không đầy đủ của ông Hà Thế Phương - Phó trưởng Công an xã Thu Cúc, đã có hàng chục người thiệt mạng vì lá ngón. Nhiều cái chết tức tưởi chỉ vì những lý do nhỏ như con kiến. 

Vào tháng 9-2012, Giàng Thị Ly mới 20 tuổi bị chồng là Chảo A Giở chê nấu cơm không ngon. Ly bực tức chạy ra ngõ hái 3 lá ngón nhai ngấu nghiến rồi sùi bọt mép ngay trước mặt chồng. Ly tử vong trên đường đi cấp cứu. Gần nhà Ly, em Vàng Thị Chòi mới chỉ 5 tuổi và chưa nhận thức được độc lá ngón. Một ngày, em hái lá ngón chấm muối để ăn. Người nhà hốt hoảng chạy chữa nhưng đã quá muộn.

Còn ở huyện Điện Biên Đông, sổ “thiên tào” của các trưởng bản đã tăng lên mức báo động. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2012, huyện này đã có tới 100 trường hợp tự tử bằng lá ngón. Trưởng trạm y tế xã Xa Dung, anh Lầu A Dia cho biết: “Nhiều em bé trở thành mồ côi vì bố mẹ tự tử, họ ăn lá ngón có khi chẳng vì lý do gì. Đi uống rượu say, thách nhau ăn lá ngón là ăn ngay, không nghĩ sẽ chết”.

Trường hợp mới nhất mà chúng tôi được biết ở xã này là vợ chồng chị Chá Thị Lầu (25 tuổi) có 4 đứa con thơ. Chồng Lầu đi sửa xe hết hơn 1 triệu, Lầu cho rằng chồng nói dối nên chạy ra vườn nhà ăn lá ngón. Tôi vào nhà Lầu, 4 đứa trẻ ngơ ngác vì mất mẹ. Chúng dường như không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà vốn rất yên ấm. Anh Lầu A Dia thành thật: “UBND tỉnh, huyện, xã đã tuyên truyền hết nước về độc dược của lá ngón nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Vẫn còn hàng trăm người tự tử bằng lá ngón”.

Tuyên truyền vẫn không ngăn được “cơn lũ” lá ngón, chính quyền và người dân ở Sơn La nhiều lần ra quân dẹp cây lá ngón. Nhưng ông Lềm Văn Tiêng - Chủ tịch UBND xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) cho hay: “Nhổ bỏ rồi nó lại mọc, chỉ có ý thức của con người mới chiến thắng được những cái chết vì độc lá ngón mà thôi”.

Không chặt hết được lá ngón, chính quyền xã Thu Cúc (Tân Sơn - Phú Thọ) cũng chỉ còn một cách duy nhất là tuyên truyền. Chính ông Sùng A Tủa - Trưởng bản Mỹ Á từng đích thân đến từng nhà, gặp từng người để nói về tác hại của loại cây này. Có lúc ông phải tự bịa ra đó là cây “ma”, ăn vào là “ma bắt”. Tuy nhiên, dù có dọa đó là “ngáo ộp” hay gì đi chăng nữa thì “cơn lũ” đoạn trường thảo vẫn đang đe dọa cuộc sống yên bình và tươi đẹp của con người nơi đây.

“Năm nào mà cán bộ chẳng đến họp bản để tuyên truyền về tác hại của lá ngón. Nhưng mà cán bộ nói, người dân chỉ gật đầu lúc ấy rồi khi bực tức chuyện gì đó thì lại quên hết và lại ăn lá ngón”

Ông Vừ Sua Dày - Chủ tịch UBND xã Xa Dung (Điện Biên Đông - Điện Biên)