“Mã đáo thành công”

ANTĐ - Thế giới vừa bước sang năm mới 2014 với một tâm trạng phấn khởi khi hầu hết các đánh giá đều cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc rõ rệt trong năm Giáp Ngọ này.

Kinh tế phục hồi, sức mua của người dân Mỹ tăng mạnh trong năm 2014

Trong tuyên bố đưa ra ngày 7-1, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết thể chế tài chính lớn bậc nhất thế giới này sẽ cân nhắc việc nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sớm đưa ra kết luận cuối cùng trong 3 tuần tới. Nhìn nhận lạc quan này được người đứng đầu IMF đưa ra trái ngược với đánh giá còn có phần bi quan trước đó của chính định chế tài chính này hồi tháng                  11-2013 khi hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014 từ 3,8% xuống còn 3,6% vì cho rằng đà phát triển của các nền kinh tế đang nổi chưa thực sự mạnh mẽ. 

Tổng giám đốc IMF nhìn nhận tích cực về tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay diễn ra trong bối cảnh hầu hết các quốc gia, tổ chức tài chính cũng như chuyên gia kinh tế đều cho rằng kinh tế toàn cầu đang hồi phục nhanh và sẽ tăng trưởng khá mạnh trong năm 2014. Trong đó, cùng ngày với tuyên bố của bà Lagarde, mạng tin Geopolitical Monitor của Canada hay Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh)… cũng đều cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sáng sủa hơn trong năm nay. 

Kinh tế toàn cầu khởi sắc là nhờ tốc độ tăng trưởng khá của các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ và Nhật Bản cũng như sự phục hồi khá ấn tượng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong khi các “đầu tàu” kinh tế mới nổi Ấn Độ, Brazil… vẫn duy trì phong độ tăng trưởng ổn định. EIU dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm 2014, cao hơn nhiều so với mức dự báo 2,9% đưa ra trước đó, đồng thời đánh dấu tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011. 

Tín hiệu mạnh mẽ và lạc quan đáng kể nhất được phát đi từ Mỹ khi nền kinh tế lớn nhất thế giới này phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng trên 2% theo như đánh giá của Geopolitical  Monitor hay 2,6% như dự báo của EIU. Theo EIU, kinh tế Mỹ có nhiều tín hiệu tích cực như tăng trưởng GDP cao từ cuối năm 2013, gần 600.000 việc làm được tạo ra trong 3 tháng gần đây, lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được cải thiện…

Sau thời gian dài “ngụp lặn” trong khủng hoảng nợ công với tốc độ tăng trưởng âm, các nền kinh tế Eurozone đã tăng trưởng 0,3% năm 2013, tạo đà để EIU dự báo GDP của khu vực này sẽ tăng 0,9% trong năm 2014. Cùng với 2 trung tâm Mỹ và châu Âu, kinh tế Nhật Bản dự báo sẽ tăng 1,7% năm nay trong khi chương trình cải cách kinh tế mang tên Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe  tiếp tục phát huy hiệu quả giúp xuất khẩu tăng mạnh và sức ép giảm phát dịu đi. 

Ngoài lo ngại những tác động tiêu cực với kinh tế thế giới năm 2014 như Mỹ cắt giảm gói cứu trợ kinh tế thứ 3 (QE-3), tỷ lệ thất nghiệp quá cao ở châu Âu… sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng gây ra không ít quan ngại. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong khi Trung Quốc đang cải cách để kinh tế tăng trưởng bền vững hơn thì sự chậm lại của “đầu tàu” Trung Quốc (dự báo tăng 7,3% năm nay so với 7,7% năm 2013) sẽ được bù đắp phần nào bởi sự tăng tốc của các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ (dự báo tăng 6% năm 2014 so với 4,9% năm 2013), Nga, Brazil…

Sự khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu năm 2014 có thể thấy ngay khi các thị trường chứng khoán thế giới mở cửa trở lại trong những ngày đầu năm mới.