Lý Quang Diệu - người cha mẫu mực

ANTĐ - Nếu trên chính trường, Lý Quang Diệu là một chính khách sắc sảo, một nhà lãnh đạo đầy quyết đoán thì khi trở về nhà, ông là người quan tâm đến anh chị em ruột, lo lắng cho các con và thương yêu vợ sâu sắc. Ở góc độ “tề gia”, Lý Quang Diệu là một người chồng, người cha mẫu mực.

Lý Quang Diệu - người cha mẫu mực ảnh 1Thủ tướng Lý Quang Diệu chơi cờ tướng với các thành viên trong gia đình năm 1965

Chuyện tình huyền thoại

“Không có bà, tôi sẽ là một con người khác, với một cuộc sống khác. Bà đã dành trọn cuộc đời cho tôi và cho các con. Bà đã sống trọn cuộc đời tràn đầy sự ấm áp và có ý nghĩa”. Đó là những lời đầy ắp yêu thương mà ông Lý Quang Diệu gửi gắm trong điếu văn dành cho vợ khi vợ ông - bà Kha Ngọc Chi qua đời năm 2010. Gạt qua tất cả những thách thức và khó khăn trong cuộc sống, ông và bà đã dành cho nhau trọn vẹn ân tình đến tận giây phút cuối. 

Chuyện tình của ông Lý Quang Diệu đầy sóng gió nhưng họ cũng đã hạnh phúc trọn vẹn bên nhau tới 63 năm. Gia đình của bà Kha Ngọc Chi từng nghĩ ông Lý Quang Diệu không phải là một chàng rể lý tưởng bởi khi đó ông là chàng thanh niên bỏ dở Đại học Raffles lại không nghề nghiệp ổn định. Tháng 9-1946, Lý Quang Diệu tới Anh học luật, còn bà Kha Ngọc Chi trở lại Đại học Raffles để cố gắng giành học bổng do Nữ hoàng Anh trao tặng hàng năm. Họ hy vọng sẽ sớm đoàn tụ cùng nhau tại Anh.

Vượt qua mọi rào cản từ phía gia đình và trong cả việc học tập, hai người đã làm đám cưới bí mật vào tháng 12-1947 tại Stratford-upon-Avon. Trở về Singapore, hai vợ chồng làm cho Công ty luật Laycock & Ong trên đường Malacca. Vào tháng 9-1950, họ chính thức kết hôn lần hai theo nguyện vọng của bố mẹ và bạn bè.

Những năm đầu sau hôn nhân, chính bà là người nuôi sống gia đình bằng nghề luật. Ông Lý Quang Diệu cho rằng, nhờ đó mà ông được giải phóng khỏi áp lực kiếm tiền để tập trung phát triển sự nghiệp chính trị. Trong cuốn hồi ký “Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất”, ông Lý Quang Diệu đã thổ lộ mình là người may mắn vì có một “nội tướng” nâng bước ông vững vàng trên mọi ngả đường. Bà không lợi dụng danh tiếng của chồng cũng như không “chen” vào việc quản lý đất nước của ông. Bà lui về chăm lo đời sống của gia đình nhưng hơn ai hết, ông Lý Quang Diệu hiểu được bà là chỗ dựa, nguồn động viên, an ủi quan trọng với ông đến thế nào.

Những năm cuối đời của bà Kha Ngọc Chi, ông tận tụy ở bên cạnh để chăm sóc vợ. Ông đọc những bài thơ bà yêu thích để bà dễ ngủ, kể bà nghe những việc ông làm trong ngày, nhẹ nhàng nhặt thức ăn vương vãi quanh người bà. Tình cảm nồng nàn như ngọn lửa sưởi ấm những ngày cuối cùng, giúp bà ra đi thanh thản. Bà Kha Ngọc Chi đã kịp để lại tâm nguyện của mình rằng bà muốn sau khi cả hai ông bà qua đời, tro cốt của họ được đặt cạnh nhau, như một đời bền chặt, gắn bó mà cả hai đã dành cho nhau.

Không chỉ quý phục vì cốt cách lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu mà người dân Singapore còn nhìn vào mối tình thủy chung, sắt son mà ông dành cho vợ như là niềm tự hào về vị Thủ tướng đầu tiên của mình.

Để con tự đi trên đôi chân mình

“Nhiều người đã làm hỏng con mình ngay từ bé chỉ vì quá nuông chiều chúng. Ngày xưa, có thể chúng tôi quá nghiêm khắc, nhưng điều đó lại tốt cho các con tôi…”,  cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tâm sự như vậy trong một cuốn hồi ký của ông. Ông Lý Quang Diệu và phu nhân Kha Ngọc Chi sinh hạ được hai con trai và một con gái. Cả ba người con của ông đều rất tài năng và thành đạt. Người con trai cả là Lý Hiển Long (63 tuổi) hiện là Thủ tướng Singapore, con trai út là Lý Hiển Dương (58 tuổi) đang giữ chức Chủ tịch Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS). Còn con gái Lý Vỹ Linh (60 tuổi) hiện là Giám đốc Viện Khoa học Thần kinh Singapore.

Nhắc tới những tháng ngày thơ ấu, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, cha ông không thường xuyên ở nhà nhưng lại là người có tài tề gia trong việc nuôi dạy 3 người con lớn khôn. “Bố là người nghiêm khắc, một người cha tốt. Mẹ tôi là người quán xuyến phần lớn công việc gia đình bởi bố tôi luôn bận rộn với sự nghiệp chính trị và trách nhiệm của một nhà lãnh đạo. Nhưng bạn cần hiểu ông ấy là người như thế nào, ông ấy nghĩ gì và ông ấy kỳ vọng điều gì. Tất cả đều rất nghiêm túc”, ông Lý Hiển Long chia sẻ về người cha vĩ đại. 

Khi con cái mắc lỗi, ông Lý Quang Diệu sẽ kỷ luật con trong phòng riêng và không ai được phép vào căn phòng đó, kể cả phu nhân Kha Ngọc Chi. Nghiêm khắc như vậy nhưng ông không dùng đòn roi. Cùng với đó, không bao giờ các con của ông Lý Quang Diệu sống với tâm thế là “cậu ấm cô chiêu”. Vợ chồng ông Lý Quang Diệu dạy các con phải sống tự lập, không ỉ lại vào cha mẹ. Họ dạy con cách tự kiếm tiền để mua đồ dùng cá nhân chứ không phải xin tiền cha mẹ. Ngay từ khi ông Lý Hiển Long học lớp 3, bố ông đã cấm người giúp việc đưa đón con mình mà bắt con phải tự đón xe buýt đến trường. 

Cuộc sống giản dị, thanh đạm của ông Lý Quang Diệu cũng ngấm vào các con ông. Thủ tướng Lý Hiển Long có lần kể: Không chỉ dạy con tiết kiệm từ những cái nhỏ nhất như việc tắt nước, tắt điều hòa, cha tôi còn dạy con cách tiết kiệm từ những thứ lớn hơn. Ví dụ, khi ông đi công tác nước ngoài, ông sẽ tự tay giặt đồ lót của mình. Ông thường than phiền về việc chi phí giặt ủi ở các khách sạn 5 sao thường rất đắt. Vào một ngày năm 2003, chiếc quần soóc của bố mà mẹ tôi đã vá đi vá lại rất nhiều lần bị rách. Cha tôi vẫn nhờ mẹ vá lại. Lúc đó mẹ tôi vừa trải qua phẫu thuật nên mắt bị mờ, mẹ đã nói: "Nếu may vá cho ông bằng tình yêu thì tôi vẫn sẵn lòng".

Khi con cái đến tuổi trưởng thành, ông Lý Quang Diệu luôn để các con lựa chọn con đường riêng, tự đi trên đôi chân của mình chứ không can thiệp. Bà Lý Vỹ Linh cũng kể ông Lý Quang Diệu luôn tôn trọng các quyết định của con cái, cho dù có thể ông không đồng ý với những quyết định đó. Khi bà Lý Vỹ Linh đã lớn tuổi mà vẫn không chịu lấy chồng, ông Lý Quang Diệu nói với con gái rằng, ông hiểu và tôn trọng con và chỉ đưa ra một lời cảnh báo: “Con sẽ cô đơn đấy”.

Ngưỡng mộ nhất là sức thuyết phục ở ông ấy

Lý Quang Diệu - người cha mẫu mực ảnh 2Vợ chồng cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có 63 năm chia ngọt sẻ bùi

Bà Kha Ngọc Chi, người vợ quá cố của ông Lý Quang Diệu trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Straits Times nhân dịp ông tròn 80 tuổi tâm sự rằng: “Phẩm chất tôi ngưỡng mộ nhất ở ông ấy là sức thuyết phục, vì thế mà tôi đã không chờ tới 3 năm để được kết hôn với ông ấy. Tôi cũng ngưỡng mộ sự vững vàng, tháo vát và can đảm của ông ấy trong những thời khắc căng thẳng nhất”. Tự thấy mình có một cuộc hôn nhân lâu bền và hạnh phúc, bà Kha Ngọc Chi cũng đưa ra lời khuyên với các cô gái trẻ:  “Đừng kết hôn với ai đó nếu bạn hy vọng sẽ thay đổi được anh ta sau khi kết hôn. Bạn phải sẵn sàng đón nhận con người thật của anh ấy và nếu may mắn, bạn sẽ tìm thấy người đàn ông cùng nhìn về một hướng”.

May mắn là con của ông

“Nhiều người làm bộ trưởng hay thủ tướng mà không cần có bố là thủ tướng. Nhưng nếu tôi không có người bố là một thủ tướng, có lẽ tôi sẽ không trở thành một con người đầy trách nhiệm như hiện nay”, ông Lý Hiển Long, đương kim Thủ tướng Singapore có lần chia sẻ. Nhắc đến cha mình, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Bố là người đặc biệt, một người đóng vai trò lớn với đất nước Singapore. Tôi thật may mắn khi là con của ông. Ông là người cha của cả một dân tộc và chính ông là người gây dựng vai trò đó”. 

“Đối tác làm ăn” lâu dài nhất của bố là mẹ

Lý Quang Diệu - người cha mẫu mực ảnh 4Con gái Lý Vỹ Linh và cha Lý Quang Diệu trên một chuyến tàu năm 1980

“Bố tôi có một cuộc sống trọn vẹn, phong phú và đầy ý nghĩa. Sức khỏe bố tôi xuống dốc từ ngày mẹ qua đời, trước đây ông khỏe lắm. Tôi biết bố rất buồn vì mẹ qua đời, nhưng ông không bao giờ thể hiện điều đó. Năm ngoái, ông có nói với tôi là “đối tác làm ăn” lâu dài và uy tín nhất của ông chính là mẹ”, Tiến sĩ Lý Vỹ Linh (sinh năm 1955), là con thứ hai của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, bà đã không kết hôn và sống bên bố mẹ đến những giờ phút cuối cùng trải lòng sau khi cha bà qua đời.

Bài 4: Bí mật trong chiếc vali đỏ của ông Lý Quang Diệu