Ly kỳ vò rượu cần đánh được hơn 100 tên giặc

ANTĐ - Lũ giặc hút một hơi dài vò rượu cần rồi lăn ra chết như ngả rạ. Đám binh lính còn lại chết vì ngộ độc thì ít chết vì sự hoang mang lớn hơn nhiều.

 

Trong lịch sử quân sự nước ta, chuyện người tài thao lược ghi nhiều trong sử sách, song chưa hẳn đã thu thập hết những cách đánh giặc biệt tài mà quân và dân ta đã áp dụng vào để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong những năm đất nước lâm nguy cảnh chiến tranh.

Sức mạnh của trí tuệ quân và dân ta

Lòng căm thù quân xâm lược xâm lấn bờ cõi nước ta đã thấm vào máu mỗi con dân nước Việt trong những năm tháng đất nước bị chiến tranh. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Bùi Văn Tờn, một thanh niên du kích ở Phú Lương, Lạc Sơn, Hòa Bình là người con của xứ Mường mà giờ đây sử sách ghi tạc trên bia sừng sững bên gò cao lối vào xã Phú Lương. Vẫn còn đó, những chiến công và cách đánh giặc khắc trên bia tưởng niệm chiến thắng xã Phú Lương. Khi đất nước bị xâm lăng, không ai chịu đứng nhìn sự xâm chiếm phi nghĩa của quân xâm lược, thế nên mỗi người có một cách đánh giặc, và sáng kiến ra một vũ khí lợi hại giúp quân đội ta không tiêu tốn sinh lực mà chiến thắng được kẻ thù.

Dùng rượu cần đánh giặc. Nghe câu chuyện về ma men, ta thấy hoài nghi, tự hỏi bởi sự thật tưởng như hoang đường mà vò rượu mang lại. Chiến tranh đã lùi xa, không ai sống bằng quá khứ, nhưng những người hôm nay không thể quên quá khứ hào hùng của dân tộc mình. Những trang sử lưu lại về mảnh đất anh hùng Phú Lương, được chúng tôi lật giở lại từ những con người từng sống trong thời sôi sục ấy. Ông Bùi Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lương nhớ lại câu chuyện một thời của đồng bào mình tham gia đánh giặc ở Phú Lương bằng những cuộc càn quét tàn phá của giặc Pháp gây ra biết bao nỗi căm phẫn cho người dân mình. Và cũng chính vì thế, quân và nhân dân Phú Lương đã trực tiếp tập kích 21 trận, chống càn 13 trận, tiêu diệt 360 tên giặc, làm cho giặc Pháp và bè lũ tay sai kinh hồn, bạt vía.

Bùi Văn Tờn- người đã nghĩ ra cách đánh giặc bằng rượu cần ướp la ngón
(Ảnh chụp lại tư liệu)

Trong đó, đỉnh cao là trận đánh vào ngày 30-10-1948, đội du kích Phú Lương đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc khi tiêu diệt gần 250 tên địch trong đó có 105 tên bị tiêu diệt chỉ bằng một... vò rượu cần của người dân quân xứ Mường Bùi Văn Tờn sáng kiến ra. Lật trang sử, ta mới thấy tự hào hơn. Ta thấy sự tài tình của những người con xứ Mường, đánh giặc bằng mọi thứ thứ sẵn có trong bản mình, trong gia đình mình. Theo những người già ở Phú Lương kể lại, và những dòng khắc ghi trên bia chiến thắng Phú Lương, khi chiếm đóng và kiểm soát huyện lỵ Lạc Sơn đầu năm 1948, giặc Pháp thường xuyên tổ chức các cuộc rượu cần say túy lúy. Khi xâm chiếm vùng đất, quân lính Pháp đã khai phá ra rượu cần của người Mường nước ta ngon hơn thứ vang nho mà ở đất nước họ đang có. Những cuộc rượu ngày càng xuất hiện dày ở xứ Mường bởi những tên tây mũi lõ. Rượu cần, chẳng phải bùa ngải gì, cái chất men lá rừng nhiệt đới là bùa ngải duy nhất gây nên thích thú trong người uống. Lính Pháp ưa thích rượu cần. Họ say rượu cần đến mức ngay cả những cuộc càn quét dã man trong bản, nhưng thấy vò rượu cần là có thể hút đến cạn mới rồi mới tiếp tục càn quét dân bản...

“Binh pháp” rượu cần.

Trong suốt thời gian dài chiếm đóng ở Lạc Sơn, kiểm soát vùng Phú Lương, quân xâm lược Pháp đã không thực hiện được ý đồ bởi sức mạnh đoàn kết toàn dân vì độc lập của Tổ quốc Việt Nam. Vốn là người hiền lành, lại là dân bản địa hiểu biết cây rừng, Bùi Văn Tờn khi ấy mới 19 tuổi, song lại rất có tài ăn nói nên tìm mọi cách giả làm kẻ thân tình với tên quan ba tên Diot - Đồn Trưởng đồn Vụ Bản, Lạc Sơn. Thân tình bằng những việc làm, cách đối xử tốt với tên quan ba ngu xuẩn Diot của lòng căm thù sẵn có trong Bùi Văn Tờn.

Những ngày tạo lòng tin cứ tăng lên qua những việc giúp đỡ giả bộ của Bùi Văn Tờn, bởi sự chờ đợi một ngày phá tan quân giặc cháy bỏng trong tâm trí người dân bản. Chính vì thế, Bùi Văn Tờn bằng mọi cách để nắm rõ quy luật, cũng như sở thích của quân lính Pháp thông qua tên Diot. Vì thế Bùi Văn Tờn đã biết trước, ngày 29-10-1948, Diot trực tiếp ra lệnh cho một trung đội lính tăng cường từ Vụ Bản lên càn quét.  2 mũi tiến công, ngay từ mờ sáng của quân Pháp từ hai phía xã Lỗ Sơn, theo đường Gia Mô huyện Tân Lạc tiến xuống và hướng còn lại theo đường từ Định Cư tiến lên tạo thế gọng kìm đánh úp Vụ Bản. Tuy nhiên quân giặc không ngờ đội du kích của quân nắm rất rõ và đã lập kế hoạc vô hiệu hóa cuộc tàn sát của quân Pháp và bè lũ tay sai. Vũ khí mà Bùi Văn Tờn đưa ra và được thống nhất thực hiện ngay sau đó.

Bia tưởng niệm chiến thắng xã Phú Lương có ghi lại chiến công của Bùi Văn Tờn đánh giặc bằng vũ khí là vò rượu cần

Bộ đội địa phương, du kích đã rút lui, để giặc tiến vào Phú Lương. Khi đến nơi, cũng là lúc chúng đói và khát rồi, thế nên có đốt phá thì bọn chúng cũng phải sinh hoạt lấy lại sức quân. Bằng những cách hóa trang tài tình về “vò rượu quý” của gia đình ông Bùi Văn Duỗn ở thôn Gò Rẽo, xã Phú Lương mà Bùi Văn Tởn để lại, bọn gặc đã thấy và hút bằng cạn. Cơn ngộ độc đến với đám giặc nhanh như cơn gió đưa đại dịch bệnh. Cùng với sự hoang mang cao độ trong quân lính dấy lên trong tâm trí từng tên giặc, thế nên bộ đội và dân quân du kích Phú Lương đã nổ súng tiêu diệt tại trận địa 50 tên, số còn lại chạy được về Vụ Bản sau 3 ngày bị nhiễm độc, chết thêm gần 100 tên. Sau thất bại này, tinh thần và ý chí của giặc bị giảm sút nghiêm trọng. Sự càn quét của giặc Phú Lương cũng đã giảm hẳn.   

Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tiếp bước thế hệ cha anh, nhiều người con của quê hương Phú Lương vẫn luôn vững vàng trong cuộc sống hôm nay. Trong cuốn lịch sử đảng bộ xã Phú Lương mà ông Bùi Văn Tâm- Bí thư Đảng ủy xã đưa chúng tôi kiểm chứng sự xác thực của cách đánh giặc độc đáo mà quân và dân Phú Lương đã trải qua, có phần ghi rõ và in đậm chân dung người con xứ Mường, Bùi Văn Tờn tài tình diệt giặc bằng vũ khí đơn giản. Đó là lá ngón ngâm rượu cần.

Tư liệu có đoạn ghi: “Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và đế quốc Mỹ, xã Phú Lương đã có 1320 lượt người lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở khắp các chiến trường, trong đó đã có nhiều người anh dũng chiến đấu, hy sinh. Huy động nhân dân địa phương đóng góp 450 nghìn ngày công phục vụ chiến đấu; ủng hộ kháng chiến 22.370 tấn lương thực, 13.320 tấn thực phẩm...”. Đó là lòng tự hào của những người con xứ Mường được đóng góp phần công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của Tổ quốc Việt Nam. Năm 1998 Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao của quân và dân Phú Lương, đã trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân và Huân chương chiến công hạng nhất cho những đóng góp của quân và dân Phú Lương trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.