Lý giải lập trường của Nga đối với Syria

ANTĐ - Trong khi các quốc gia phương Tây đang cố gắng lật đổ Bashar al-Assad thì lập trường ủng hộ của Nga cho vị tổng thống Syria này thật khó có thể lý giải.

Các hợp đồng buôn bán vũ khí, căn cứ hải quân của Nga tại Tartus và nỗi lo sợ về tính hiếu chiến của những người hồi giáo tại một Syria hậu Assad có thể được coi là những lời giải thích biện minh cho lập trường ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm này của Nga. Tuy nhiên, theo các quan chức chính quyền Nga và một vài người khác lại cho rằng những lý do nêu trên vẫn chưa thể hiện rõ những mưu tính rộng lớn hơn của Nga đằng sau lập trường này.

Họ cho rằng sự phản đối của Nga đối với sự thay đổi chế độ được hỗ trợ bởi nước ngoài phản ánh một mối bất hòa căn bản với phương Tây xung quanh vấn đề chủ quyền và quyền quốc gia trong giải quyết sự bất ổn định trong nước bằng bất cứ cách thức cần thiết nào.

“Lập trường của Nga có thể được giải thích bằng thái độ thù địch của họ đối với sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, đặc biệt trong bầu không khí hiện nay, bởi ngay tại chính quê nhà Nga cũng vấp phải những vấn đề đáng quan ngại”, Denis Bauchard, nhà cựu ngoại giao và chuyên gia về Trung Đông tại Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho biết.

Vào thứ bảy (30/6), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và những người đồng cấp của ông từ các cường quốc khác sẽ có quộc hội kiến tại Geneva. Lại một lần nữa, các nhà ngoại giao từ các quốc gia phương Tây đều mong đợi một sự biến chuyển trong lập trường của Nga. Đây là lần đầu tiên họ cho biết Nga đã đồng ý với bản kế hoạch của nguyên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan và yêu cầu của bản kế hoạch này về một sự chuyển giao quyền lực tại Syria theo từng bước.

Tuy nhiên, vào thứ năm vừa qua, Nga lại đưa ra những sửa đổi cho bản kế hoạch mà Mỹ, Anh và Pháp cho là không thể chấp nhận được. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc lật đổ nhà lãnh đạo không nhất thiết dẫn đến hòa bình. Ông trích dẫn trường hợp Libya, nơi Moscow tin rằng phương Tây đã đánh lừa quốc gia này bằng cách hỗ trợ can thiệp quân sự tại nơi đây.

Các quốc gia phương Tây hy vọng rằng một loạt những thất bại về quân sự của tổng thống Syria Assad sẽ bắt đầu phá vớ thế cân bằng và buộc Putin phải bỏ mặc Assad. Tuy nhiên, điều đó có thể không diễn ra dễ dàng như vậy.

Một lý do nữa cũng có thể lý giải cho lập trường của Nga đó là cái giá phải trả cho một cuộc cách mạng như tại Syria đơn giản là quá đắt.

“Nga có thể biết rõ cái giá thực sự cho các cuộc cách mạng hơn hầu hết các quốc gia khác”, ông Lavrov viết trên tờ Huffington Post vào 15/6.

“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng những sự thay đổi mang tính cách mạng đều luôn luôn đi kèm với tụt hậu về xã hội và kinh tế cũng như những mất mát về sinh mạng con người. Đây chính là lý do tại sao chúng tôi ủng hộ một con đường hòa bình và phát triển từng bước nhằm thực hiện những thay đổi được chờ đợi bấy lâu tại Trung Đông và Bắc Phi”.

Các quan chức Nga cho biết họ không ủng hộ ông Assad mà chỉ mong muốn một sự ổn định quay trở lại Syria và cho tới nay vẫn chưa tìm thấy được một chiến lược nào để đạt được điều đó.

Nhiều nhà ngoại giao phương Tây hoài nghi việc Nga lo sợ Syria hậu Assad có thể sẽ trở thành một nơi ẩn náu cho những kẻ Hồi giáo cực đoan chống đối Nga tại Chechnya.

Trong khi căn cứ hải quân của Nga tại Tartus được coi không hơn là một trạm tiếp nhiên liệu, thì căn cứ này có thể chứng tỏ được giá trị của nó khi cung cấp cho Nga một bến đỗ tại Địa Trung Hải nếu rắc rối với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ cản trở hoạt động của hạm đội Biển Đen.

Với Syria được điều hành bởi phái Alawite và có thể trong một chừng mực nào đó Iran theo dòng Shi’ite, Nga cũng có được cho mình một đối trọng khu vực với khối các quốc gia theo dòng hồi giáo Sunni đồng minh với Washington, đặc biệt là Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh.

Một vài người cũng nghi ngờ rằng Nga có thể coi việc chống lại những lợi ích của phương Tây và làm bẽ mặt những vị lãnh đạo của họ như là cách thức nhằm tái khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu của mình, hoặc chí ít như một chiến thuật ngắn hạn hữu ích cho tới khi hiện lên một bức tranh rõ ràng hơn.