Lý giải chuyện HLV Falko Goetz... vái sống các trợ lý

ANTĐ - U.23 Việt Nam đã trải qua những trận đấu đầu tiên tại sân chơi SEA Games 26, những trận đấu mà mỗi lúc chúng ta lại đi gần tới vòng bán kết hơn. Thế nhưng cách chơi dở tệ của các cầu thủ không làm HLV trưởng Falko Goetz hài lòng.

Theo những phóng viên đang tác nghiệp tại Indonesia thì sự không hài lòng lên cao tới mức ông đang có những biểu hiện trầm trọng về vấn đề tâm lý. Thế thì ai sẽ chữa bệnh tâm lý cho ông?

Có một Falko Goetz bất bình thường

Ngày đặt chân đến đất Indonesia, Goetz tươi cười bước xuống sảnh sân bay với cái áo sơ mi trắng, chiếc vets đen khoác ngoài cùng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt. Lúc ấy nhiều tình nguyện viên nước chủ nhà không ngừng trầm trồ thốt lên: “HLV Việt Nam đẹp trai như tài tử vậy!”. Thực tế thì so với tất cả các HLV đang cầm quân tại SEA Games 26, ông Goetz xứng đáng là người bảnh bao, tươi tắn nhất. Khi bước ra sân chuẩn bị cho trận đấu đầu tiên của U.23 Việt Nam với U.23 Philipines, ông Goetz vẫn giữ nguyên cái trang thái bảnh bao, tươi tắn ấy. Ông đến bắt tay từng cầu thủ rồi cười rạng rỡ trước những ống kính phóng viên đang chĩa về phía mình.

Thế nhưng trận Việt Nam - Philipines hôm ấy chỉ trôi được khoảng 15 phút thì tất cả những gì thuộc về “phạm trù đẹp” trong con người Falko Goetz đột nhiên tan biến. Ông bắt đầu lao ra đường piste hò hét các cầu thủ với gương mặt cau có. Và khi những la hét không giúp các cầu thủ đá tốt hơn, mà lại khiến họ chơi bóng nặng nề hơn thì ông đã quay sang chắp tay vái lạy các trợ lý của mình như muốn nói: “Đấy! Các anh xem, tụi nó chơi bóng như thế đấy!”. Nhưng vái lạy vẫn chưa phải là tất cả những gì Falko Goetz thực hiện trong cơn bức xúc ngày một gia tăng của mình. Ông thầy sau đó còn 2, 3 lần hét thẳng vào mặt các trợ lý, hệt như thóa mạ.

Hình ảnh ông Falko Goetz vái sống các trợ lý.

Sang đến trận U.23 Việt Nam - U.23 Myanmar, trận đấu mà cầu thủ Việt Nam càng ép sân lại càng bế tắc thì cơn lôi đình của ông Goetz còn dâng trào cao hơn. Cao tới mức không chỉ phản ứng với quân nhà, ông còn quay sang cãi nhau với một người mà theo ông là thành viên BHL Myanmar đang ở trên khán đài, chỉ đạo cầu thủ thi đấu một cách sai nguyên tắc. Ở đây, cứ cho là phía Myanmar đã chỉ đạo sai nguyên tắc, nhưng việc ông Goetz sẵn sàng bỏ việc theo dõi trận đấu để quay ra cãi nhau tay đôi như thế chắc chắn không phải là một việc làm khôn ngoan. Tuy nhiên, cầu thủ, các trợ lý, HLV đội bạn vẫn chưa phải là giới hạn cuối cùng, đến cả cánh phóng viên cũng đã “dính chưởng” ông thầy khó tính. Buổi tập sau trận Việt Nam - Myanmar ông đã mời lực lượng bảo vệ sân tới xua đuổi phóng viên, khiến cho chính trưởng đoàn ĐT Trần Quốc Tuấn cũng phải bất ngờ.

Rõ ràng là khác hẳn với cái vẻ tài tử, lịch lãm lúc đầu, ông Goetz càng lúc càng tỏ ra cáu bẳn, khó gần hơn. Nó cho người ta một cảm giác: Dường như ông đang mất khả năng tự kiểm soát bản thân - một điều tối kỵ của một ông thầy cầm quân ra trận.

Nhưng Falko Goetz không phải là ngoại lệ

Với những ai bám sát ĐTVN trong khoảng chục năm qua hẳn sẽ thấy căn bệnh tâm lý của ông Falko Goetz ở SEA Games 26 hiện nay không phải là môt ngoại lệ, trái lại, nó là một căn bệnh trầm kha, luôn “ám” lấy các đời thầy ngoại. Tiger Cup 2004, HLV trưởng ĐTVN Tavares thậm chí còn mắc bệnh ngay cả khi chưa cùng các học trò lâm trận. Ông Tavares hồi ấy vì áp lực mà chỉ sau vài tháng cầm quân trông đã bạc trắng mái đầu. Ông mất ngủ liên tục, và đã hơn một lần phải vào viện truyền nước vì tình trạng suy nhược cơ thể. Trước thềm Tiger Cup vài tuần, ông Tavares trong cuộc trò chuyện với cố nhà báo Chánh Trinh đã đề cập tới khả năng rời vị trí. Ông bảo nguyên văn: “Lần sau, nhà báo gọi điện mà không thấy tôi nhấc máy có nghĩa là tôi đã ra đi rồi”. Sự thật thì đó không phải là một lời nắn gân hay dọa dẫm, mà Tavares đã tính đến chuyện ra đi thật, nhưng sau đó đã được các quan chức Liên đoàn thuyết phục và thế là cả phía Liên đoàn lẫn phía Tavares lúc ấy đều sống với tư tưởng: “Đã đâm lao thì phải theo lao”.

Tiger Cup năm ấy, sau hiệp 1 trận Việt Nam - Campuchia trên sân Thống Nhất, vì quá bấn loạn mà Tavares đã nói thẳng với các học trò: “Sang hiệp 2, chỉ cần Campuchia ghi 1 bàn nữa là tôi sẽ xách vali về Brazil ngay lập tức”. Và đến trận sau đó với Indonesia, khi ĐTVN thua te tua 0-3 ngay ở Mỹ Đình thì Tavares đã ngồi chết lặng trên ca bin huấn luyện. Đến nước này thì Tavares ra đi để lại giai thoại về một “ông thầy điên” mà các quan chức VFF đến tận bây giờ vẫn hay nhắc đến. Nhưng kỳ thực “ông thầy điên” chỉ là một cách nói thể hiện sự bức xúc thái quá, nói cho chính xác thì Tavares là một ông thầy yếu tâm lý, nên cuối cùng đã “chết” vì không thắng nổi căn bệnh tâm lý của chính mình.

Nhưng chẳng riêng gì Tavares, mà ngay cả HLV Calisto - công thần của bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2008 cũng có những thời khắc “tâm lý” nặng. Nói đến Calisto người ta thường nói đến hình ảnh của một nhà cầm quân mạnh mẽ, nhưng có một sự thật ít người được biết đó là sau trận ra quân ở AFF Cup 2008 thua Thái Lan 0-2, Calisto cũng đã sôi lên sùng sục. Buổi tối hôm ấy, khi cả đội chỉ vừa về tới khách sạn Royal Phuket City là ông đã nổi trận lôi đình. Ông la mắng các cầu thủ, rồi sau đó đốt thuốc và thức trắng đêm. Đến trước trận Việt Nam - Malaysia, một trận đấu có ý nghĩa quyết định chiếc vé vào bán kết thì Calisto thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Ông gọi hai người trợ lý thân thiết Phan Thanh Hùng, Trần Văn Khánh lên tầng thượng khách sạn Royal Phuket City và nói: “Ngày mai, nếu Việt Nam thua thì 3 chúng ta mỗi người sẽ đi mỗi ngả”. Hôm ấy, ngay cả khi được hai trợ lý người Việt động viên rất nhiều nhưng Calisto vẫn không tránh khỏi cảm giác run rẩy. Không biết có phải vì cảm giác run rẩy, lo lắng ấy không mà khi trận Việt Nam - Malaysia diễn ra, Calisto đã không ngừng cãi vã với trọng tài, rồi sau đó lại suýt choảng nhau với phóng viên nước bạn.

Tuy nhiên, khác với Tavares của năm 2004, lần này thì Calisto đã gặp may khi cú đá bóng “trời ơi” của Vũ Phong sau khi được cộng hưởng bởi gió và một mô đất đã bay thẳng vào lưới Malaysia, giúp Việt Nam có được 3 điểm quý hơn vàng. Để rồi nhờ 3 điểm ấy ĐT càng đá càng tự tin, và đi một lèo tới ngôi vô địch.

Bác sĩ tâm lý - ông ở đâu?

Khi các ông thầy ngoại có vấn đề về tâm lý thì hơn lúc nào hết những người ở bên cạnh ông cần phải đóng vai trò như một “bác sĩ tâm lý” để giúp ông trở lại trạng thái cân bằng. Vậy những người ở bên cạnh thầy ngoại là ai? Nó dĩ nhiên không thể là các cầu thủ - những người còn phải tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ thi đấu vốn rất nặng nề của chính mình. Nó chỉ có thể là ông trưởng đoàn cùng các trợ lý người Việt Nam - những người hơn ai hết, hiểu rõ ĐT đang đi theo hướng nào, và ông HLV trưởng đang “mắc” ở chỗ nào.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Tavares năm 2004 thì vai trò của ông trưởng đoàn và các trợ lý người Việt gần như hoàn toàn tê liệt. Họ không thể ngồi phân tích bàn bạc với HLV trưởng đã đành, họ thậm chí còn không làm tốt cái việc đơn giản là an ủi, động viên để thầy ngoại bớt nóng nảy hơn. Sang đến trường hợp Calisto năm 2008 thì vai trò của ông trưởng đoàn ĐT Trần Quốc Tuấn cùng trợ lý Phan Thanh Hùng được thể hiện rõ hơn, nhưng thành thật mà nói, Calisto hồi ấy thoát nạn vì được “trời cứu” trong trận đấu “may trên may dưới” với Malaysia, chứ không phải nhờ được chữa bệnh tâm lý một cách hữu hiệu.

Trở lại với trường hợp của Falko Goetz bây giờ, sau hàng loạt những biểu hiện nóng đầu của ông, trưởng đoàn ĐT Trần Quốc Tuấn đã có buổi nói chuyện vừa thẳng thắn, rạch ròi, vừa gần gũi, thân thiết với ông để cùng ông giải quyết vấn đề. Buổi nói chuyện mà ở đó, ông Tuấn đã khuyên ông Goetz cần phải bình tĩnh hơn khi chỉ đạo trận đấu, và cũng phải cởi mở hơn khi đối diện với truyền thông. Kết quả là trong buổi tập trước trận Việt Nam - Đông Timor, ông Goetz đã bắt đầu tươi cười trở lại. Và ông thậm chí đã chủ động tiến về phía các phóng viên để trả lời, chứ không còn xua đuổi một cách cáu bẳn như 24 giờ trước.

Dĩ nhiên với những biến đổi ban đầu như thế, chưa thể khẳng định rằng cơn nóng đầu của ông Goetz đã chính thức kết thúc. Càng không thể vội vã khẳng định khi mà trong quá khứ ông Goetz từng được biết đến như một trong những ông thầy máu nóng - người đã từng đánh nhau với cầu thủ rồi chửi cầu thủ là “đồ ngu”. Nhưng có thể cảm nhận rằng, so với những ĐT trước đây thì vai trò bác sĩ tâm lý ở ĐT U.23 Việt Nam đợt này đã được phát huy rõ ràng hơn và thiết thực hơn.

Mong là với “bác sĩ tâm lý” Trần Quốc Tuấn, ông Goetz sẽ thực sự bình tâm trở lại và U.23 Việt Nam sẽ đi đúng quĩ đạo sau những bước chuệch choạc ban đầu!

Falko Goetz: “Tôi thừa nhận là mình có chút thất vọng sau trận Việt Nam hòa Myanmar,  và có thể vì thế mà đã nóng nảy quá đà. Nhưng hiện tại, tôi nghĩ mọi thứ đã ổn định trở lại, và trong những trận đấu tới, chúng tôi rồi sẽ chứng tỏ rõ sức mạnh của mình”.