Lý giải bạo lực leo thang nhằm vào người Kurd ở Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Một làn sóng bạo lực từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iran đã gia tăng gần đây nhắm vào người Kurd ở Syria và Iraq.
Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi chiến dịch không kích nhằm vào người Kurd ở Syria và Iraq hôm 20-11

Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi chiến dịch không kích nhằm vào người Kurd ở Syria và Iraq hôm 20-11

Người Kurd tạo thành nhóm dân tộc lớn nhất thế giới mà không có nhà nước riêng với số lượng khoảng 35 triệu người. Hầu hết người Kurd (chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni) sống tại những vùng lãnh thổ rộng lớn nằm rải rác ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Iran, Armenia, nhưng không có các đại diện xuyên biên giới, các chính sách chung hoặc một đơn vị phòng thủ quân sự chung. Điều này khiến họ có nguy cơ bị tấn công nhiều hơn.

Trong những năm gần đây, người Kurd ở Đông Bắc Syria thường xuyên bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công với lý do chống chủ nghĩa khủng bố. Cuối tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động chiến dịch “Kiếm vuốt” (Claw Sword) chống lại lực lượng ly khai người Kurd ở Syria cũng như Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) ở miền Bắc Iraq - những người được cho là chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố ở Istanbul ngày 13-11 khiến 6 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương. Cả PKK và chi nhánh của họ ở Syria (YPG) đều phủ nhận mọi liên quan đến vụ đánh bom này.

Sau cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 184 người Kurd (bao gồm cả các tay súng ở Syria và Iraq thiệt mạng vào cuối tuần trước), Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc YPG bắn rocket vào thị trấn biên giới Karkamis của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 21-11, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với các phóng viên trên chuyến bay về nước sau lễ khai mạc World Cup ở Qatar rằng, chiến dịch “Kiếm vuốt” không chỉ giới hạn ở hoạt động trên không. Ông gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Syria. Ankara đã thực hiện 3 cuộc tấn công như vậy kể từ năm 2016 và hiện đã kiểm soát hiệu quả những vùng đất rộng lớn ở khu vực biên giới, nơi có khoảng 4 triệu người, chủ yếu là người Kurd sinh sống. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu coi PKK là một nhóm khủng bố, họ lại có quan điểm khác nhau về nhóm YPG. Vấn đề mấu chốt ở chỗ, nhóm YPG đã phối hợp thành công với quân đội Mỹ trong chiến dịch triệt phá tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria vào năm 2016.

Một cuộc nội chiến đã bùng phát ở Syria kể từ năm 2011. Sau những tổn thất lớn ban đầu của quân đội Syria, Nga đã đưa quân vào Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2015 và từ đó giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước. Tuy nhiên, phía Đông Bắc cùng với thành phố Idlib ở Tây Bắc Syria vẫn là một trong những thành trì cuối cùng chống lại ông al-Assad và các đồng minh. Các nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Erdogan có thể đang lên kế hoạch tấn công để buộc người Kurd phải di dời ra xa khỏi biên giới nhằm giải phóng lãnh thổ, tái định cư những người tị nạn Syria. Động thái này có thể giải quyết sự bất bình ngày càng tăng đối với những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới uy tín của ông Erdogan ngày càng giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm tới.

Các quan chức người Kurd ở Iraq cho biết, các cuộc không kích “Kiếm vuốt” của Thổ Nhĩ Kỳ vào Iraq (tập trung vào vùng núi Qandil ở biên giới Iraq - Iran, nơi được cho là đặt đại bản doanh của PKK) đã khiến hơn 30 tay súng PKK thiệt mạng. Mỹ chỉ trích các cuộc không kích này. “Chúng tôi tiếp tục phản đối bất kỳ hành động quân sự thiếu phối hợp nào ở Iraq vi phạm chủ quyền của Iraq” - ông Ned Price, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Còn tại sao Iran lại nhắm vào người Kurd ở Iraq? Hôm 21-11, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng gia tăng các cuộc tấn công vào nơi mà họ mô tả là “trụ sở và trung tâm của âm mưu, thành lập, đào tạo và tổ chức các nhóm ly khai chống Iran”. Tehran đổ lỗi cho phe đối lập người Kurd ở khu vực bán tự trị tại Iraq (sát biên giới Iran) phát động cuộc biểu tình đang diễn ra ở nước này, bắt nguồn từ cái chết của một phụ nữ 22 tuổi người Kurd tên là Jina Mahsa Amini. Nhưng rất ít chuyên gia tin rằng các cuộc biểu tình đó có sự can dự của những người đang sống ở Iraq.