Lý do việc "Quốc ca" bị tắt tiếng trên một kênh online tiếp sóng trận bóng Việt Nam - Lào

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 diễn ra vào tối 6-12 được truyền hình trực tiếp trên VTV, một kênh Youtube tiếp sóng trận đấu này bất ngờ tắt tiếng phần hát “Quốc ca” của đội tuyển Việt Nam kèm theo dòng thông báo vì lý do bản quyền âm nhạc.
Phần ghi chú tắt tiếng "Quốc ca" trên kênh Youtube tiếp sóng trận đấu bóng giữa Việt Nam - Lào

Phần ghi chú tắt tiếng "Quốc ca" trên kênh Youtube tiếp sóng trận đấu bóng giữa Việt Nam - Lào

Cụ thể, dòng thông báo này có nội dung: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm". Điều này khiến người hâm mộ theo dõi trận bóng qua kênh Youtube trên ngỡ ngàng. Việc tắt tiếng này cũng chỉ diễn ra trên kênh Youtube tiếp sóng trên, hoàn toàn không xảy ra khi khán giả theo dõi trực tiếp trên VTV qua màn ảnh nhỏ.

Sự việc trên được chia sẻ trên các diễn đàn và mạng xã hội làm dấy lên những ý kiến tranh cãi và nghi vấn có liên quan đến BH Media – đơn vị thời gian gần đây liên quan đến ồn ào về vấn đề bản quyền âm nhạc, trong đó có việc đứng ra xác nhận quản lý một bản ghi “Tiến quân ca” trên hệ thống Youtube dẫn đến việc một bản ghi âm ca khúc này bị “quét” bản quyền khi đăng tải trên kênh này. Bởi vậy nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng có thể phần chào cờ của đội tuyển Việt Nam trong trận bóng đá này bị tắt tiếng là do bị BH Media “đánh gậy” bản quyền âm nhạc.

Xung quanh nghi vấn này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã liên hệ với phía BH Media để làm rõ vấn đề. Đại diện đơn vị này khẳng định không liên quan đến ồn ào trên. Theo đó, phía BH Media cho biết, đơn vị này hiện cũng không nắm rõ bản ghi ca khúc “Tiến quân ca” mà VTV sử dụng trong trận bóng giữa Việt Nam – Lào vào tối 6-12 là bản ghi do bên nào sản xuất và xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi. Tuy nhiên, sự việc kênh Youtube tiếp sóng tắt âm thanh ở phần chào cờ của đội tuyển Việt Nam theo phỏng đoán từ BH Media có thể là để phòng xa việc sử dụng phải bản ghi đã được đơn vị sản xuất đăng ký bảo hộ bản quyền dẫn đến việc sẽ bị mất doanh thu khi bị Youtube “quét”. Trước đó, kênh này cũng chủ động tắt âm thanh phần nhạc chào cờ của nhiều trận đấu bóng nước ngoài khác để tránh việc bị yêu cầu xác nhận bản quyền bản ghi.

Video tiếp sóng trận bóng Việt Nam - Ả rập Xê út diễn ra tối 16-11 trên một kênh Youtube bị xác nhận vi phạm bản quyền bản ghi vì bản ghi này thuộc sở hữu của một đơn vị quốc tế

Video tiếp sóng trận bóng Việt Nam - Ả rập Xê út diễn ra tối 16-11 trên một kênh Youtube bị xác nhận vi phạm bản quyền bản ghi vì bản ghi này thuộc sở hữu của một đơn vị quốc tế

Theo tìm hiểu được biết, trong trận bóng giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Ả rập Xê út diễn ra vào tối 16-11 vừa qua tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, một kênh Youtube khác có bản quyền tiếp sóng trực tiếp trận đấu này đã gặp phải sự cố không mong muốn. Cụ thể, do ban tổ chức sân sử dụng bản ghi “Tiến quân ca” do hãng đĩa nước ngoài Marco Polo bỏ tiền ra sản xuất và xác nhận sở hữu bản quyền nên kênh Youtube trên khi tiếp sóng đã bị Naxos Digital Services US - một đơn vị nước ngoài thay mặt cho hãng đĩa quốc tế này thông báo xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi, do vậy dù thu hút tới cả triệu lượt người xem song trận đấu đó không thể mang về doanh thu cho kênh này.

Theo luật sở hữu trí tuệ quốc tế, bất cứ bản ghi nào được đăng ký sở hữu bản quyền hợp pháp đều sẽ được bảo hộ theo thông lệ quốc tế. Vấn đề bản quyền bản ghi được tách bạch rõ ràng với bản quyền ca khúc thuộc về tác giả. Vì vậy cá nhân hay đơn vị nào trong trường hợp đã xin phép chủ sở hữu ca khúc thì có thể sản xuất bản ghi một cách hợp pháp và đăng ký quyền sở hữu bản ghi để được bảo hộ. Việc có kiếm tiền từ bản ghi này hay cho phép sử dụng bản ghi miễn phí lại là một câu chuyện khác.

Nói thêm về vấn đề này, phía BH Media chia sẻ, trên thực tế có nhiều bản ghi ca khúc “Tiến quân ca” được các đơn vị nước ngoài sản xuất rất công phu, thậm chí có cả dàn nhạc giao hưởng tham gia, ví dụ để phục vụ cho các sự kiện như bóng đá, văn hóa…Các bản ghi này được sản xuất hợp pháp và đơn vị sản xuất đăng ký sở hữu bản quyền bản ghi. Do vậy, trong trường hợp bản ghi này được sử dụng trực tuyến ở bất cứ đâu cũng sẽ đều phải xin phép chủ sở hữu bản ghi.

Trước đó khi bị cho rằng đã khiếu nại về bản quyền ca khúc “Tiến quân ca” lưu hành trên Youtube mặc dù ca khúc này đã được gia đình cố nhạc sĩ tặng lại cho nhân dân vào năm 2006, BH Media đã lên tiếng khẳng định, đơn vị này không xâm phạm quyền tác giả của cố nhạc sĩ Văn Cao đối với ca khúc “Tiến quân ca” đã được ông hiến tặng. Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kĩ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi “Tiến quân ca” thì theo Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan). Bất kì ai muốn sử dụng bản ghi này, đều phải xin phép chủ sở hữu bản ghi.

Trong trường hợp này, bản ghi “Tiến quân ca” lưu hành trên Youtube và bị khiếu nại về bản quyền chính là bản ghi do công ty Hồ Gươm Audio sản xuất trong album đã phát hành. Phía Hồ Gươm Audio ủy quyền cho BH Media quản lý và khai thác bản ghi này trên kênh Youtube, BH Media không hề bật nút kiếm tiền, quảng cáo để đảm bảo tính tôn nghiêm cho tác phẩm. Người dân cũng được nghe miễn phí tác phẩm này. Nếu người dùng đăng tải bản ghi khác do họ tự đầu tư sản xuất khác với bản ghi của Hồ Gươm Audio, thì YouTube sẽ không nhận diện bản quyền. BH Media không đòi sở hữu quyền tác giả vốn thuộc về nhạc sĩ Văn Cao.