Lý do Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh giải mật tài liệu điều tra vụ 11-9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 20 năm sau vụ khủng bố ngày 11-9, ông Joe Biden đứng trước sức ép phải công bố tài liệu điều tra về thảm kịch này. Nhà Trắng thông báo sẽ bắt đầu giải mật tài liệu có liên quan và công bố chúng trước cuối năm nay. Nhưng tại sao Tổng thống Biden lại chọn thời điểm này và thông tin được bạch hóa có làm sáng tỏ mọi ngóc ngách của sự kiện thảm khốc khiến nước Mỹ đến giờ vẫn chưa thể nguôi ngoai?

Thời điểm được chọn và ý định của ông Biden

Vào ngày 11-9-2001, 19 tên không tặc thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã cướp 4 máy bay, 2 trong số đó đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, máy bay thứ ba vào Lầu Năm góc ở Arlington (bang Virginia) và chiếc còn lại lao xuống từ bầu trời phía Nam Pennsylvania khi các hành khách dũng cảm cố gắng giành lại quyền kiểm soát nó. Khoảng 2.977 người đã thiệt mạng và hơn 25.000 nạn nhân bị thương trong các vụ tấn công khủng bố này.

Sau sự kiện thảm khốc, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã yêu cầu chính quyền Taliban ở Afghanistan phải giao nộp các thủ lĩnh Al-Qaeda vốn được cho là những kẻ lên kế hoạch tấn công, trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden. Khi Taliban cho biết cần bằng chứng về tội ác của Bin Laden trước khi giao nộp hắn, ông Bush đã tuyên bố Washington sẽ không đàm phán với khủng bố và điều quân đánh Afghanistan, mở màn cuộc chiến kéo dài 20 năm qua ở quốc gia Nam Á.

Bắt đầu từ năm 2002, Quốc hội Mỹ đã thành lập một ủy ban điều tra quy mô lớn để xem xét các vụ tấn công khủng bố cũng như những thất bại tình báo dẫn đến sự kiện. Báo cáo của Ủy ban 11-9 được công bố vào năm 2004 nhưng vấp phải nhiều chỉ trích vì không phơi bày đầy đủ thất bại của cả lực lượng tình báo trong và ngoài nước liên quan đến thảm kịch. Các thông tin sau đó chỉ được công bố ở mức nhỏ giọt. Tháng 4-2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã đảo ngược kế hoạch cung cấp thêm tài liệu cho gia đình các nạn nhân, nhưng không giải thích tại sao vẫn phải giữ bí mật chúng. Đầu tháng 8-2021, 1.800 người sống sót cũng như gia đình những nạn nhân thiệt mạng trong vụ 11-9 đã kêu gọi ông Biden không tham gia bất kỳ sự kiện tưởng niệm nào năm nay, trừ khi chính quyền của ông đồng ý công khai các tài liệu về 19 người liên quan tới mạng lưới khủng bố al-Qaeda, trong đó 15 người có quốc tịch Saudi Arabia.

Bài phân tích trên hãng tin Sputnik (Nga) cho hay, ngoài việc chịu sức ép từ bên ngoài, Tổng thống Biden chọn thời điểm này để giải mật tài liệu vụ 11-9 là vì muốn đánh lạc hướng dư luận sau vụ rút quân ở Afghanistan. “Thời điểm công bố tài liệu giải mật có thể liên quan tới việc chính quyền của ông Biden cần lý giải cho vụ rút quân khỏi Afghanistan” - Tiến sĩ Luciano Zaccara, điều phối viên tại Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh (thuộc Đại học Qatar) nhận định.

Quá trình rút quân hỗn loạn và có đổ máu đã khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden sụt giảm. Điều này khiến phe Dân chủ ngày một lo ngại, nhất là khi chỉ còn gần 1 năm nữa là tới bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022 và họ phải cố gắng duy trì thế đa số tại Quốc hội. Theo ông Zaccara, chính quyền của ông Biden đang muốn xây dựng một bộ học thuyết đối ngoại mới liên quan tới toàn bộ Trung Đông, trong đó ưu tiên các lo ngại về an ninh của Mỹ với các nước thứ ba. Do đó, các tài liệu vụ 11-9 được mong chờ giải mật từ lâu có thể khiến dư luận quên đi vụ rút quân lộn xộn của Mỹ ở Afghanistan và hỗ trợ xác định các ưu tiên mới.

Lý do khác không kém phần quan trọng, đó là trước đó Mỹ có thể đã tự tay “nhào nặn” những kẻ tấn công. Tài liệu giải mật cũng có thể tiết lộ việc Mỹ hợp tác với các phần tử thánh chiến từ thời Chiến tranh Lạnh. Giáo sư lịch sử Peter Kuznick - Đại học American ở Washington DC cho biết, Mỹ từng huấn luyện, cấp vũ khí và tài chính cho phong trào thánh chiến Hồi giáo ở Afghanistan những năm 1970-1980 để chống Liên Xô. Những phần tử nổi dậy này gồm cả Osama bin Laden và các thủ lĩnh khác của al-Qaeda cũng như nhiều thành viên Taliban. Mỹ từ lâu đã ngần ngại công bố tài liệu ngày 11-9, có thể rõ ràng vì tài liệu này phơi bày các hoạt động ngầm của họ trong việc đào tạo chính những đối tượng đã tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001.

Người Mỹ sẽ không thể nguôi ngoai chừng nào còn chưa biết rõ sự thật về vụ khủng bố 11-9-2001

Người Mỹ sẽ không thể nguôi ngoai chừng nào còn chưa biết rõ sự thật về vụ khủng bố 11-9-2001

Những bí ẩn còn để ngỏ

Điều mà người ta vẫn chưa rõ là liệu việc giải mật các tài liệu của Cục Điều tra liên bang (FBI) có giúp làm rõ được những bí ẩn vẫn còn bao trùm sự kiện ngày 11-9 hay không. Cho đến nay, còn không ít tình tiết khó hiểu về sự việc này sau nhiều năm vẫn không có được sự lý giải thỏa đáng.

Trong một vài sự thật đáng ngờ, có thể kể đến một số đoạn video mô tả cuộc tấn công vào Lầu Năm Góc đã bị các đặc vụ FBI thu giữ ngay sau vụ tấn công. Không ai nhìn thấy những khung hình ghi lại cảnh chiếc máy bay đâm vào tòa nhà hoặc đống đổ nát của nó, thi thể hành khách, hoặc phần còn lại của hành lý. Ngoài ra, danh sách chính thức của các hành khách trên máy bay, bao gồm những tên khủng bố al-Qaeda, các đoạn ghi âm và video được thực hiện trên máy bay, không được công khai. Cuối cùng, một số dữ liệu đã được xếp loại “Mật” bởi Tổng thống George W. Bush.


Tương tự, điều gì chưa được làm rõ sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại Nhà Trắng đúng vào khoảng thời gian giữa 2 vụ đâm máy bay vào các tòa nhà? Tại sao những hình ảnh và thông tin về vụ hỏa hoạn mà kênh truyền hình ABC thu được sau đó đã hoàn toàn biến mất? Chưa hết, trước thềm kỷ niệm 18 năm ngày xảy ra thảm kịch, hôm 3-9-2019, một cuốn sách của cựu chuyên viên phân tích CIA George Beebe được xuất bản tại Mỹ tiết lộ chi tiết chấn động: “Hai ngày trước khi các cuộc tấn công xảy ra, Tổng thống Putin đã gọi điện cho Tổng thống Bush để cảnh báo. Rằng tình báo Nga phát hiện thấy các dấu hiệu của một chiến dịch khủng bố sắp xảy ra, điều gì đó đang được thực hiện và điểm xuất phát của nó là từ Afghanistan”.

Điều này nghe thật kỳ lạ khi các cơ quan tình báo khét tiếng của Mỹ lại không nhận thấy hoạt động đáng ngờ của các thành viên al-Qaeda. Ngay cả khi Điện Kremlin biết về một hành động khủng bố quy mô lớn đang được chuẩn bị ở Mỹ, thì tại sao người Mỹ lại không chú ý đến điều đó, bất chấp lời cảnh báo mà họ đã nhận được?

Một chi tiết đáng chú ý khác là sự phá hủy của tháp thứ 7 thuộc tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới. Tổ chức “Engineers and Architects for Truth” gồm khoảng 2.000 chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật và kiến trúc đã băn khoăn rằng, địa điểm này có kết cấu bê tông cốt thép chắc chắn, không thể dễ dàng bị phá hủy do va đập, mà nó giống như kết quả của một vụ nổ có kiểm soát hơn. Đáng nói, không có người ở tòa tháp thứ 7 vào thời điểm xảy ra thảm kịch. Những người theo thuyết âm mưu cho rằng, thực tế là các tòa tháp không hề sụp đổ mà chúng đã bị kích nổ. Bằng chứng là những mảnh xương người nhỏ nhất đã được tìm thấy trên mái của tòa nhà Deutsche Bank lân cận vào năm 2006.

Vào thời điểm xảy ra vụ sập tòa tháp đôi, có tổng cộng hơn 16.000 người trong đó. Họ là nhân viên của các văn phòng, cửa hàng, và những du khách bình thường. Cho đến nay, vẫn còn hơn 1.000 người chưa xác định được danh tính do thi thể của họ biến dạng quá nhiều. Lạ một điều, nhiều thi thể đã biến thành… bụi. Ngoài ra, theo một trong những người tiến hành công tác tìm kiếm tại hiện trường, đồ đạc lớn nhất trong văn phòng được tìm thấy ở tâm của thảm kịch là một mảnh nhỏ của bàn phím điện thoại, còn lại bao nhiêu đồ đạc trong văn phòng, điện thoại, máy tính và những đồ vật vô tri vô giác khác đã biến thành bụi và mảnh vụn. Trong các vụ sập nhà thông thường, điều này không thể xảy ra.