Lý do thực sự khiến châu Âu bất an khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào giữa tháng 8-2021 đã vấp phải sự hoài nghi và giận dữ ở châu Âu. Các nước châu Âu có lý do chính đáng cho phản ứng này, đó là bởi họ sợ rằng Afghanistan rất có thể tạo nên phiên bản khác về làn sóng di cư giống như Syria 6 năm về trước.
Người châu Âu lo ngại việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ dẫn đến làn sóng di cư như hồi năm 2015 sau nội chiến ở Syria

Người châu Âu lo ngại việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ dẫn đến làn sóng di cư như hồi năm 2015 sau nội chiến ở Syria

Lo ngại phiên bản lặp lại của Syria

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong cuộc nội chiến Syria giai đoạn từ năm 2011-2018, khoảng 6,6 triệu người Syria đã bỏ trốn khỏi đất nước. Một bộ phận người tị nạn này được các nước láng giềng đón nhận, nhưng số đông hướng đến châu Âu, để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015, khoảng 1.600 người vượt biên giới đến các hòn đảo của Hy Lạp mỗi ngày. Chính sách mở cửa biên giới đã khiến EU xáo trộn, mâu thuẫn, thậm chí gia tăng sự bất mãn của dân chúng. Dòng người di cư và tị nạn cũng kích thích sự gia tăng của các đảng cực hữu và phản đối trên khắp lục địa. Ở Thụy Điển, Đức và Hy Lạp, các đảng như vậy đã tham gia quốc hội và thậm chí nắm quyền, như ở Ý. Thông thường, chương trình nghị sự của họ không chỉ chống di cư mà còn chống EU, tạo ra mối nguy hiểm cho toàn khối.

Năm 2016, theo một thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, khối này đã trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 3 tỷ euro để giữ khoảng 3,5 triệu người tị nạn Syria ở lại biên giới của mình. Thỏa thuận làm giảm số lượng người đến lục địa già. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng chính vấn đề người di cư làm đòn bẩy để thúc đẩy các mục tiêu của mình đối với châu Âu nên đây chưa phải là giải pháp bền vững. Và đến giờ, sau 6 năm sau, các nhà lãnh đạo châu Âu phải đối mặt với khả năng lặp lại từ Afghanistan.

Tại Afghanistan, Taliban chưa có kỹ năng quản lý đất nước một cách thành thạo, và cũng khó kiềm chế hành động nghiêm khắc, thô bạo vốn có. Họ cũng phải đối phó với điều mà Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo về “thảm họa nhân đạo” sắp xảy ra: 18 triệu người Afghanistan, một nửa dân số nước này đang cần được hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc ước tính rằng tỷ lệ nghèo đói của Afghanistan, vốn đã là 72%, sẽ tăng vọt lên 97% trong vòng 1 năm.

Gần đây, Mỹ đã cho phép một số viện trợ bắt đầu đổ về Afghanistan và Taliban cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc. EU, nhà tài trợ viện trợ phát triển lớn nhất trên thế giới tuyên bố mọi sự ủng hộ phụ thuộc vào việc Taliban tôn trọng nhân quyền hay không, nhưng đó là một đề xuất không rõ ràng. Trong khi đó, các tài sản tài chính của Afghanistan phần lớn vẫn bị đóng băng. Vì thế, số lượng người Afghanistan rời khỏi đất nước có thể nhiều hơn những người đã chạy trốn khỏi Syria nhiều năm trước.

Chính sách cứng rắn hơn

Trở lại với quyết định rút quân của Mỹ hồi tháng 8-2021, ông Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại của Quốc hội Đức nói: “Việc rút quân sớm là một tính toán sai lầm nghiêm trọng của chính quyền Mỹ”. Ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cơ quan hoạch định chính sách của EU, hồi đầu tháng 9 cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Afghanistan củng cố thêm sự ủng hộ của ông đối với “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu đối với Mỹ. Phản ứng này dễ hiểu, bởi người dân châu Âu thất vọng trước sự coi thường của Washington đối với hậu quả có thể xảy ra, chính họ hiểu rõ mọi việc sẽ thế nào nếu dòng người di cư và tị nạn đột ngột, ồ ạt tràn sang châu lục này.

Trong một hội nghị thượng đỉnh tại Athens ngày 17-9, lãnh đạo các quốc gia Địa Trung Hải của EU cùng với bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đã thảo luận về vấn đề di cư và cuộc khủng hoảng Afghanistan. “Chúng ta sẽ không cho phép lặp lại các dòng di cư không kiểm soát như từng trải qua trong năm 2015”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết tại hội nghị.

“Năm 2021 không phải là năm 2015. Như năm 2015, EU tiếp tục thiếu chính sách di cư và tị nạn chung. Tuy nhiên, lần này không có quốc gia thành viên nào tỏ ra sẵn sàng mở cửa biên giới của mình cho người di cư và tị nạn lớn từ Afghanistan, bất chấp vấn đề nhân đạo và cuộc khủng hoảng đang diễn ra dưới thời Taliban”, ông George Pagoulatos, Tổng giám đốc của Quỹ Hellenic về Chính sách An ninh và châu Âu nhận định.

Trong những năm gần đây, EU đã củng cố đáng kể Frontex, cơ quan bảo vệ bờ biển và biên giới của khối. Ngân sách hàng năm của Frontex đã tăng từ 143 triệu euro vào năm 2015 lên 543 triệu euro vào năm 2021. Cuộc khủng hoảng người di cư từ Syria năm 2015 đã đẩy EU đến giới hạn của họ, thế nên, châu Âu hiện có vẻ như đang sẵn sàng ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng từ Afghanistan.