Lý do nhà khoa học Việt Nam được WHO chọn vào nhóm điều tra nguồn gốc Covid-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đề xuất 26 nhà khoa học tham gia nhóm điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng. 

Theo hãng tin Reuters, ngày 13-10, Tổ chức Y tế thế giới công bố đề xuất 26 chuyên gia vào nhóm cố vấn khoa học tìm hiểu về nguồn gốc của các mầm bệnh mới. Nhóm được chọn từ hơn 700 ứng viên ở 26 quốc gia. Trong đó, một số người đã tham gia trong nhóm chuyên gia của tổ chức này đến Vũ Hán, Trung Quốc để tìm hiểu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vào đầu năm nay.

Ông Nguyễn Việt Hùng (trái), chuyên gia Việt Nam, tham gia nhóm điều tra Covid-19 của WHO - Ảnh: REUTERS

Ông Nguyễn Việt Hùng (trái), chuyên gia Việt Nam, tham gia nhóm điều tra Covid-19 của WHO - Ảnh: REUTERS

Đáng chú ý, trong danh sách có Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, một nhà khoa học Việt Nam. Ông đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại các quốc gia đang phát triển. Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nhận bằng cử nhân sinh học tại Việt Nam và bằng tiến sĩ khoa học đời sống – môi trường tại Pháp.

Ông hiện là lãnh đạo Chương trình Sức khỏe con người và động vật tại Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế ở Nairobi và là đại diện khu vực Đông Á và Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Vật nuôi quốc tế (ILRI). Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng cũng là lãnh đạo hàng đầu về an toàn thực phẩm trong chương trình nghiên cứu về nông nghiệp, dinh dưỡng và sức khỏe của Nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế. Ông cũng là Chủ tịch nhóm làm việc Thống nhất một cách tiếp cận y tế trong phản ứng với Covid-19 thuộc Trung tâm nghiên cứu về Covid-19 của CGIAR.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng (ngoài cùng, bên phải) cùng nhóm chuyên gia của WHO tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh - Japan Times
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng (ngoài cùng, bên phải) cùng nhóm chuyên gia của WHO tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh - Japan Times

Trước khi gia nhập ILRI, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng từng là người đồng sáng lập Trung tâm Y tế Cộng đồng và Nghiên cứu Hệ sinh thái (CENPHER) tại Đại học Y tế Cộng đồng của Hà Nội.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Hiểu nguồn gốc của các mầm bệnh mới là điều cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát có thể làm xuất hiện dịch bệnh và đại dịch trong tương lai. Công việc này đòi hỏi nhiều chuyên môn. Chúng tôi rất hài lòng với tầm cỡ của các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới được lựa chọn cho nhóm cố vấn khoa học".